TPHCM nỗ lực thực hiện Pháp lệnh người có công

(VOH) - Chính sách người có công là một trong những chính sách quan trọng nhất của Đảng và Nhà nước.

Năm 2020, ngành lao động, thương binh và xã hội đặt ra mục tiêu sẽ giải quyết cơ bản số hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng, thực hiện được mục tiêu 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. TPHCM là đơn vị luôn đi đầu trong công tác này với đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”.

TPHCM nỗ lực thực hiện Pháp lệnh người có công

Cán bộ Sở LĐTB-XH TPHCM tới quận, huyện trực tiếp gặp dân để giải quyết dứt điểm về chính sách có công. Ảnh: SGGP

Trải qua hơn nửa thế kỷ đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, ở nước ta, có hàng triệu cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã anh dũng hy sinh. Hậu quả chiến tranh để lại rất nặng nề, cả nước hiện nay còn gần 200 ngàn liệt sĩ chưa tìm thấy mộ, khoảng 300 ngàn liệt sĩ đã quy tập vào các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính, hàng triệu thương binh mang trên mình thương tích, hàng triệu người nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin; trong đó, có hàng chục ngàn trẻ em bị di chứng, sống trong tật nguyền. Và biết bao bà mẹ, người vợ, người con và những thân nhân liệt sĩ đang mong mỏi tin tức của người thân không trở về sau chiến tranh. Đây là mất mát đau thương quá lớn đối với dân tộc ta, đất nước ta và các gia đình liệt sĩ.

Chị Nguyễn Hồng Hà –bút danh Đan Hà, công tác tại Báo Quân đội Nhân dân, cháu nội của Liệt sĩ Nguyễn Văn Hoạt bày tỏ: "Mình là con của người lính, ông nội là liệt sĩ nên việc tri ân vừa là tâm linh vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của người con. Gia đình mình có đến 4 liệt sĩ nên vệc tham gia vào hội là niềm vinh dự và trách nhiệm, mình sẽ kêu gọi sự đóng góp của xã hội vào việc làm ý nghĩa này".

Ngay từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, TPHCM là một địa phương đi đầu trong cả nước với nhiều phong trào thiết thực, cụ thể trong công tác đền ơn đáp nghĩa mang tính nhân văn cao cả. Hiện nay, TPHCM có khoảng 271.000 người có công, đứng thứ ba toàn quốc về số lượng người có công. Trong số đó có gần 30.000 liệt sĩ, 27.000 thương binh, 3.000 bệnh binh, 5.333 mẹ Việt Nam anh hùng (248 mẹ còn sống)… Chăm lo, ưu đãi người có công với cách mạng là chủ trương lớn, nhất quán, xuyên suốt, được TPHCM thực hiện trên tinh thần “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” thực sự. Từng việc này hết sức cụ thể chứ không chung chung. Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, cho biết: "Việc ghi nhận và tôn vinh thực hiện chính sách ưu đãi cho người có công, đây là một quan điểm nhất quán của Nhà nước  trong những năm qua, thành phố thực hiện khá tốt từng bước nâng cao đời sống của những người chính sách có công".

Năm 1982, TPHCM là nơi khai sinh “nhà tình nghĩa” đầu tiên trong cả nước. Căn nhà tình nghĩa đầu tiên này được Công ty Sửa chữa nhà (Sở Nhà đất TPHCM) xây dựng, trao tặng cặp vợ chồng thương binh Đào Văn Của và Nguyễn Thị Tuyết (ấp Phước Hòa, xã Phước Hiệp). Chẳng bao lâu phong trào này đã lan nhanh và thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp cùng chung tay góp sức. Mỗi căn nhà được xây là những nụ cười và niềm hạnh phúc của những người có công được cả cả xã hội chung tay góp sức tri ân. Đâu chỉ dừng lại ở đó, có những căn nhà đã xây dựng từ lâu, nếu bị xuống cấp mà các gia đình còn khó khăn, thì TPHCM tiếp tục hỗ trợ xây, sửa mới. Thật sự điều này đã chạm được đến trái tim của nhiều người, xoa dịu được những nỗi đau mất mát mà những gia đình liệt sĩ, thương binh phải gánh chịu vì hậu quả của chiến tranh. Hành động đó không chỉ dừng lại ở trách nhiệm mà còn là tình thương là sự chia sẻ, không một ai bị bỏ lại phía sau khi đất nước thanh bình và ngày càng phát triển. Nhà thơ Hồng Oanh, cựu quân nhân Quân khu 7 nói: "Phải rà soát lại, không để một ai bị bỏ lại phía sau, trong một đất nước phát triển thì họ còn thiệt thòi thì họ rất đau lòng. Chúng ta không thể lơ là không làm. Về pháp chế thì cũng còn nhiều vướng mắc, những người làm công tác xã hội và hành chính tại địa phương thì phải có tâm và quyết liệt hơn để người ta cảm thấy không bi bỏ rơi".

Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TP thì, việc giải quyết hồ sơ tồn đọng là vấn đề phức tạp, rất dễ dẫn đến những tiêu cực, khai man hồ sơ để hưởng chế độ ưu đãi. Cùng với yêu cầu giải quyết hồ sơ tồn đọng theo đúng quy trình, với phương châm "thông thoáng, cụ thể", cách làm là chính sách phải giải quyết đúng người, đúng chế độ; nếu phát hiện những trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật: "Vừa thực hiện pháp lệnh ưu đãi người có công, song song với việc thanh kiểm tra những hồ sơ không đủ điều kiện mà đã được công nhận như trước đây và việc này thành phố đã cương quyết thực hiện, không để một số đối tượng không có quá trình tham gia cách mạng, hoạt dộng cách mạng mà được công nhận là chính sách có công…".

Đại tá Trần Đại Ngoạn, nguyên Phó giám đốc Trung tâm phát thanh và truyền hình Quân đội cho biết: ưu đãi và chăm sóc người có công luôn là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước và trong 73 năm qua, hệ thống pháp luật, chính sách ưu đãi người có công được triển khai toàn diện, không chỉ thể hiện sự đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người có công mà còn góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước. Ngay từ những ngày đầu, TPHCM đã nỗ lực làm tốt vai trò này với những nỗ lực lớn từ việc rà soát đối tượng, xác minh, tháo gỡ khó khăn đến việc vận động các nguồn lực xã hội chăm lo cho người có công. Không để các gia đình có công phải khắc khoải chờ đợi chính sách - đó là mệnh lệnh của trái tim, của lương tâm và là trách nhiệm cao cả trong mỗi cá nhân đã từng đi qua hai cuộc chiến tranh cho đến ngày hòa bình: "TPHCM là trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước, TPHCM cũng là địa phương đi đầu trong cả nước về phong trào đền ơn đáp nghĩa, cụ thể là phong trào xây dựng nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách có công. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thực hiện việc rà soát từng nhà, từng đối tượng thương binh, từng Mẹ Việt Nam Anh hùng để xem ngôi nhà tình nghĩa xây lâu chưa, còn tốt không, hay đã xuống cấp để có thể phục hồi hoặc tiến hành xây mới,…".

Dẫu rằng vẫn còn đó những nỗi niềm trăn trở khi TPHCM còn khoảng 300 trường hợp tham gia cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày không còn hồ sơ gốc, và cũng không có nhân chứng. Căn cứ theo các nghị định và thông tư trong lĩnh vực, thì quả thật, chưa thể giải quyết được với các trường hợp có tính chất hồ sơ như thế. Nhưng không thể phủ nhận những hoạt động nghĩa tình của Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố chăm lo cho đối tượng người có công. của toàn xã hội đối với công tác này. Hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xúc tiến sửa đổi Pháp lệnh người có công một cách toàn diện, quy định rõ hơn về đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi, không để sót đối tượng; kết hợp việc bố trí tăng ngân sách nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công với cách mạng.

Thành Sang