TPHCM ra công văn khẩn: Tạm dừng bán vé số, dịch vụ ăn uống mang về

(VOH) - Hôm nay 8/7, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong vừa ký công văn khẩn về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần Chỉ thị 16 trong 15 ngày từ 0h ngày 9/7.

Ngày 8/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký công văn khẩn 2279/UBND-VX về triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo tinh thần nội dung Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn toàn TP.

Theo tinh thần của chỉ thị 16, thực hiện theo nguyên tắc là gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố - tổ nhân dân cách ly với tổ dân phố - tổ nhân dân, khu phố - ấp cách ly với khu phố - ấp, xã - phường - thị trấn cách ly với xã - phường - thị trấn, quận - huyện và TP Thủ Đức cách ly với quận - huyện và TP Thủ Đức.

Người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết gồm: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; Các trường hợp khẩn cấp (cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ); Làm việc tại cơ quan, đơn vị Nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao... làm việc theo yêu cầu của cơ quan.Trường hợp ra khỏi nhà phải đảm bảo các nguyên tắc phòng chống dịch.

Công văn của UBND TP cũng yêu cầu UBND phường, xã, thị trấn tổ chức đội tuần tra, giám sát, hoạt động 24/24, không để xảy ra tập trung đông người, xử lý nghiêm người vi phạm công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, thành phố sẽ tăng cường xử phạt vi phạm hành chính với trường hợp ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp quy định, không có lý do chính đáng.

TPHCM tạm dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu; đối với chợ đầu mối, chợ truyền thống, nếu không đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch thì tạm thời đóng cửa và thực hiện các biện pháp khắc phục, tạm dừng hoạt động bán vé số của đại lý vé số, bán vé số dạo, tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về trong 15 ngày từ 0h ngày 9/7.

TPHCM ra công văn khẩn: tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về, bán vé số 1
Nguồn: HCDC

Đối với các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,...); ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hồ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chừa bệnh, tang lễ...được tiếp tục hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch. Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải tạm dừng hoạt động.

Số lượng người làm việc cụ thể tại công sở do Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định và không quá 1/3 tổng số người lao động đế đảm bảo duy trì các nhiệm vụ của đơn vị và chỉ đạo của Thành phố; riêng lực lượng vũ trang, ngành y tế Thành phố đảm bảo 100% quân số và các đơn vị đặc thù có văn bản gửi Sở Nội vụ trình ủy ban nhân dân Thành phố quyết định.

UBND TP cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Sở - ngành, đơn vị, quận - huyện để triển khai hiệu quả các chỉ đạo của TP; Thủ trưởng các Sở - ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND các quận – huyện và TP Thủ Đức chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để xảy ra các trường hợp không chấp hành nghiêm các quy định trên địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách.

Bình luận