Triển khai đồng bộ quy hoạch phát triển du lịch kết hợp vận tải đường thủy

(VOH) - TPHCM có thế mạnh là mạng lưới đường thủy dày đặc cùng với bề dày văn hóa lịch sử lâu đời, có thể thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, hiện ngân sách đầu tư cho đường thủy rất hạn chế.

Theo báo cáo tại Hội thảo “Phát triển vận tải hành khách, kết hợp du lịch bằng đường thủy trên địa bàn”, TPHCM có 251 cảng, bến thủy nội địa đang hoạt động: 151 cảng, bến vận tải hàng hóa, 73 cảng, bến phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch và 27 bến khách ngang sông.

Các tuyến đường thủy nằm ngay trung tâm Thành phố nên thuận lợi để đón các tàu khách quốc tế với lượng khách du lịch lớn vào ngay trung tâm tại khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, bến Bạch Đằng.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Hòa An thành phố vẫn còn một số khó khăn như quỹ đất dùng để đầu tư xây dựng cảng, bến, dịch vụ hậu cần kỹ thuật phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch còn hạn chế. 

Hiện nay phải xây dựng quy hoạch ngành của bến thủy nội địa không có. Ủy ban thành phố đã chỉ đạo ba năm nay, thống kê 411 vị trí với các bến thủy nội địa có khả năng phát triển.

Đến nay thành phố chưa nhận được văn bản phản hồi của các quận, huyện và thành phố Thủ Đức hoặc nếu có thì cũng rất hạn chế.

Chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo, PGS.TS. Vũ Anh Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức cho rằng TPHCM có thế mạnh là mạng lưới đường thủy dày đặc cùng với bề dày văn hóa lịch sử lâu đời, có thể thu hút khách du lịch.

Tuy nhiên, hiện ngân sách đầu tư cho đường thủy rất hạn chế, chỉ chiếm 5% so với đường bộ. Để đường thủy phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có, TPHCM cần nghiên cứu quy hoạch tổng thể, tháo gỡ nhiều vướng mắc như quy hoạch bến thủy, tạo cơ chế thu hút đầu tư.

Triển khai đồng bộ quy hoạch phát triển du lịch kết hợp vận tải đường thủy 1
Hoạt động diễu hành du thuyền trong Ngày hội Khinh khí cầu, du thuyền và các hoạt động thể thao dưới nước Thành phố Hồ Chí Minh, hồi tháng 1/2022 - Ảnh:TTXVN

Về góc độ quản lý ngành, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Trưởng Phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch Thành phố cho biết: Chiến lược phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định du lịch đường thủy là một trong những sản phẩm đặc thù, phải hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống bờ sông, kênh, rạch và hệ thống cảng, bến thủy nội địa.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường khẳng định, TPHCM rất tâm huyết phát triển vận tải hành khách kết hợp du lịch thủy nội địa, liên tỉnh trong thời gian tới. Riêng việc khai thác dòng sông Sài Gòn với những sản phẩm như đêm nhạc "Có hẹn với Sài Gòn", trải nghiệm trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè... là nét văn hoá đặc sắc cần phát huy.

Định hướng phát triển giao thông thủy kết hợp du lịch thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Bùi Xuân Cường chỉ ra 6 nhóm việc cần triển khai:

Đầu tiên chắc chắn là về quy hoạch sẽ tiếp tục đề xuất định hướng rõ quá trình phát triển cảng, bến, luồng tuyến.

Thứ hai là nhóm về cơ chế chính sách. Nhóm thứ ba là về về hạ tầng, công tác quản lý nhà nước gắn với vệ sinh môi trường - an ninh, an toàn.

Nhóm thứ tư là các doanh nghiệp liên quan đến sản phẩm du lịch, về phương tiện, về tuyến du lịch.

Thành phố sẽ quan tâm đầu tư về hạ tầng, về công tác quản lý nhà nước gắn với vệ sinh môi trường, gắn với an ninh an toàn trong quá trình thực hiện dọc các tuyến.

Đồng thời, phải có sự phối hợp đồng bộ, giữa các sở ngành, quận huyện, thành phố Thủ Đức với doanh nghiệp, các tỉnh trong vùng; cũng cần có sự tham gia của các trường, các viện để đưa ra được những ý tưởng mới trong quá trình thực hiện. Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết thêm.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông, ứng dụng công nghệ mới, số hóa, chuyển đổi số trong quá trình thực hiện và cần có chiến lược thông tin, quảng bá xúc tiến, giáo dục về môi trường, văn hóa lịch sử để thu hút du khách đến với TPHCM.