Nhằm đánh giá đầy đủ hơn về định hướng này, Hội thảo khoa học quốc gia “Giảm nghèo đa chiều ở TPHCM – Vấn đề và Triển vọng” đã được Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp cùng Dự án Hỗ trợ giảm nghèo đa chiều khu vực đô thị tại TPHCM (UNDP) tổ chức vào sáng 29/12.
Thảo luận tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh thách thức trong việc áp dụng phương pháp nghèo đa chiều là việc xác định chính xác, đầy đủ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí thu nhập kết hợp với các chiều xã hội. Theo đó, nhận diện chiều thiếu hụt của từng hộ dân hay nhóm hộ, nhóm dân cư để từ đó có giải pháp cụ thể nhằm giải quyết các tình trạng thiết hụt này.
Giảm nghèo đa chiều đóng vai trò nền tảng cho Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 của TP. Về cơ bản, phương pháp có 5 chiều nghèo xã hội, được cụ thể bằng 11 tiêu chí tính theo thang điểm 100.
Tuy vậy, qua khảo sát thí điểm với khoảng 450.000 hộ tham gia đã xác định một cách chi tiết những yếu tố thiếu hụt của hộ dân như tỉ lệ nhà ở và tiếp cận thông tin tại khu vực nông thôn có khoảng cách lớn với khu vực thành thị; hay ngược lại, thiếu hụt về nước sinh hoạt của hộ nghèo khu vực thành thị diễn ra xấu hơn.
Có thể thấy, giảm nghèo đa chiều đang tạo điều kiện cho TP có thể đánh giá đầy đủ thực tế cuộc sống của hộ nghèo hiện nay. Theo TS Hồ Bá Thâm – Hội Khoa học Phát triển Nhân lực, Nhân tài TP – nghèo năng lực hay còn gọi là thiếu năng lực là một trong những yếu tố cần chú trọng để giảm nghèo bền vững.
Các chuyên gia cũng đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng xoay quanh giảm nghèo đa chiều như kéo giảm khoảng cách giàu nghèo, nâng cao năng lực cho hộ nghèo, phân tích nhu cầu nhà ở xã hội. Dù được đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tổng thể những ý kiến đóng góp đều đánh giá cao triển vọng cũng như nỗ lực tiên phong của TP trong triển khai thực hiện giảm nghèo đa chiều.