Chờ...

Trung tâm Báo chí TPHCM – Mô hình kết nối thông tin hiệu quả giữa chính quyền và báo chí

(VOH) - Kể từ khi Trung tâm Báo chí TPHCM được thành lập, nơi đây trở thành “tòa soạn thứ hai” của phóng viên Đặng Anh Tuấn – Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM.

Anh Đặng Anh Tuấn chia sẻ, ngay khi Trung tâm Báo chí đi vào hoạt động, mỗi phóng viên như anh được cung cấp một thẻ tác nghiệp tại Trung tâm. Khi đến tác nghiệp, anh chỉ cần quẹt thẻ là có thể sử dụng không gian và khai thác thông tin, tham gia các cuộc họp báo được tổ chức tại trung tâm.

Với anh Anh Tuấn, Trung tâm Báo chí - ngoài việc thường xuyên tổ chức các cuộc họp báo, thông tin báo chí, hỗ trợ thông tin nhanh cho báo chí, kịp thời chia sẻ thông tin từ các cấp lãnh đạo, sở ngành về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, còn tạo điều kiện tác nghiệp đầy đủ tiện nghi và hiện đại cả về không gian tác nghiệp, kết nối công nghệ thông tin nhanh chóng, an toàn… cho các phóng viên. Điều đó đã tạo rất nhiều thuận lợi cho anh cùng các đồng nghiệp tác nghiệp trong suốt thời gian qua.

Cảm nhận của Anh Tuấn cũng giống như nhiều phóng viên thường xuyên tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí TPHCM. Sự ra đời của Trung tâm Báo chí theo mô hình hiện đại đầu tiên của cả nước đã hỗ trợ hoạt động báo chí rất nhiều. Nơi đây giống như “tòa soạn thứ hai” của “cánh” báo chí do họ luôn được hỗ trợ nhiệt tình, kết nối thông tin nhanh và luôn được chào đón (từ 8h đến 18h các ngày trong tuần), kể cả các phóng viên, biên tập viên của địa phương khác đóng trú tại địa bàn và phóng viên quốc tế,…

trung tâm báo chí tphcm
Các khu vực chức năng dành cho phóng viên tại Trung tâm Báo chí TPHCM (Ảnh: Anh Tuấn)

Trung tâm Báo chí TPHCM chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/2019 với chức năng cung cấp dịch vụ liên quan đến hoạt động báo chí. Qua đó tạo điều kiện phục vụ tốt nhất, thuận lợi nhất cho các cơ quan báo chí của Thành phố cũng như các cơ quan báo chí của Trung ương, các báo địa phương, đại diện các cơ quan báo chí quốc tế thường trú trên địa bàn Thành phố.

Đây được coi là “đầu mối” kết nối lãnh đạo các cấp của Thành phố và các cơ quan chức năng để cung cấp thông tin về các hoạt động của Thành phố một cách nhanh chóng, chính xác, minh bạch, công khai đến cơ quan báo chí.

Ông Nguyễn Văn Khanh - Giám đốc Trung tâm Báo chí TPHCM cho biết: “Nếu như trước đây, việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính thống từ phía các cơ quan quản lý nhà nước đến báo chí còn hạn chế, nhiều cơ quan còn ngại tiếp xúc phóng viên thì hiện nay, thông qua Trung tâm Báo chí, phóng viên báo chí đã dễ dàng hơn khi khai thác thông tin về các vấn đề dư luận quan tâm từ lãnh đạo ban ngành Thành phố. Có được điều này là do Trung tâm đã đứng ra làm cầu nối, tổ chức thu thập, tổng hợp, xử lý thông tin phản ánh từ các cơ quan báo chí, đồng thời thực hiện chức năng đầu mối và cùng phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy để đề nghị các lãnh đạo đơn vị phản hồi thông tin nhanh cho báo chí”.

Xem thêm: Ngành Thông tin & Truyền thông TPHCM: Những dấu son kết nối

Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Báo chí đã chủ động phối hợp với các đơn vị, quận - huyện để cung cấp thông tin báo chí về các vấn đề được dư luận quan tâm thông qua mục “thông tin - phản hồi” trên trang điện tử của trung tâm; công khai các kết luận thanh tra trên nhiều lĩnh vực;… phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành để có thông tin phản hồi cho báo chí và người dân về những thông tin sai lệch nhằm trấn an dư luận; Tổ chức nhiều cuộc họp báo nhằm tạo điều kiện cho người phát ngôn của các cơ quan, đơn vị trực tiếp thông tin báo chí về các vấn đề nóng trong lĩnh vực đất đai, môi trường, an ninh, trật tự, chăm sóc sức khỏe,…

Trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 từ tháng 3/2020 đến nay, Trung tâm Báo chí đã phối hợp với Sở Y tế liên tục cập nhật thông tin phòng, chống dịch Covid-19 trên trang thông tin điện tử và fanpage của Trung tâm; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM cung cấp thông tin công khai về tình hình tiếp nhận, phân phối tiền, hàng ủng hộ công tác phòng chống dịch và hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai,…

trung tâm báo chí, phóng viên
Phóng viên báo chí tác nghiệp tại một cuộc họp báo được tổ chức tại Trung tâm Báo chí TPHCM (Ảnh: Anh Tuấn)

Tính từ năm 2019 đến nay, bên cạnh việc định kỳ tổ chức các cuộc giao ban báo chí, tổ chức các cuộc họp thông tin về tình hình dịch bệnh, Trung tâm Báo chí TPHCM đã tổ chức trên 300 sự kiện trực tiếp và trực tuyến bao gồm: các cuộc họp báo cung cấp thông tin, sự kiện của các sở ban ngành và tổ chức, đơn vị thuộc khối tư nhân.…

Ông Nguyễn Văn Khanh đánh giá, "dù là mô hình mới – chưa từng có trên cả nước nhưng Trung tâm Báo chí TPHCM sau hai năm hoạt động đã nhanh chóng ổn định, phát triển, có nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả, đem đến cho hoạt động báo chí của Thành phố những điều kiện phát triển tốt nhất. Ngoài ra, Trung tâm đã chủ động phối hợp với các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông. Thông qua các khóa đào tạo này, các cán bộ công chức được cập nhật kiến thức, trang bị kỹ năng phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, kỹ năng trả lời phỏng vấn và giao tiếp,… với báo chí. Qua đó, giúp các cán bộ công chức, viên chức chủ động và mạnh dạn hơn khi gặp gỡ phóng viên, đồng thời cung cấp thông tin cho phóng viên một cách hiệu quả, đúng trọng tâm khi được yêu cầu".

Có thể thấy, Trung tâm Báo chí TPHCM được thành lập đã phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ tuyên truyền, định hướng, cung cấp thông tin trong mọi hoạt động của Thành phố, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị do Sở Thông tin và Truyền thông và của Thành phố giao, đặc biệt là trong vai trò làm cầu nối, đầu mối cung cấp thông tin chính thống, chính thức giữa cơ quan nhà nước với cơ quan báo chí.

Với sự kết hợp của Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin & Truyền thông và Trung tâm Báo chí cũng đã giúp cho công tác phối hợp truyền thông với các cơ quan báo chí ngày càng được cải thiện, đáp ứng mục đích, yêu cầu về công tác truyền thông, tuyên truyền các hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội, công tác xây dựng Đảng,… của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TPHCM, lan tỏa thông tin, quảng bá hình ảnh TPHCM đến bạn đọc trong và ngoài nước.

Mô hình Trung tâm Báo chí đã trở thành “cánh tay nối dài” của ngành Thông tin và Truyền thông không chỉ trong việc kết nối thông tin nhiều chiều giữa chính quyền và báo chí mà còn trong việc tích hợp các dữ liệu, quản lý, điều hành báo chí một cách đa dạng và hiệu quả hơn.