Xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, con người TP gắn với xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh

(VOH) - Đảng bộ TPHCM luôn đặt mục tiêu về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thành phố qua các thời kỳ phát triển.

Tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê có bài tham luận chia sẻ về việc xây dựng và phát triển giá trị văn hóa, con người TPHCM gắn với xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố mang tên Bác.

Xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, con người TP gắn với xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh 1
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Cổng thông tin TPHCM.

"Qua hơn 35 năm đổi mới, việc xây dựng, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, phát triển con người TPHCM đã đạt nhiều thành tựu nổi bật. Bản sắc nền văn hóa dân tộc được phát huy; Thành phố đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư nước ngoài cho sự nghiệp phát triển văn hóa, giới thiệu hình ảnh, nét đặc trưng của đất nước, con người Việt Nam và Thành phố “Văn minh - Hiện đại - Nghĩa tình” thông qua các ngày lễ lớn, ngày hội văn hóa của các nước trong khu vực và thế giới.

Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Kết quả, đã có nhiều mô hình mới, cách làm hay được nhân rộng; các thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư. Hệ thống thư viện, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa phát triển khá đồng bộ trên địa bàn Thành phố.

Cùng với đó, hoạt động văn học, nghệ thuật, hoạt động lý luận phê bình văn học, nghệ thuật đã có bước phát triển nhất định. Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên quan tâm định hướng hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật; duy trì gặp gỡ văn nghệ sĩ tiêu biểu hàng năm nhằm động viên, giải quyết tâm tư nguyện vọng của văn nghệ sĩ.

Thực hiện tốt chính sách đối với văn nghệ sĩ có nhiều công lao đóng góp cho nền văn học, nghệ thuật của đất nước và văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, ảnh hưởng tích cực trong đời sống xã hội.

Các di tích lịch sử được quan tâm đầu tư, bảo tồn; quan tâm đẩy mạnh quảng bá những loại hình nghệ thuật truyền thống được ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể như đờn ca tài tử, cải lương…

TPHCM đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế phát triển cho ngành văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa Thành phố lành mạnh; phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế, văn hóa trong Đảng, văn hóa trong doanh nhân và doanh nghiệp, văn hóa tại các công sở, văn hóa tại các khu dân cư, văn hóa trong các gia đình…

Bản sắc, giá trị văn hóa, con người Thành phố tiếp tục được vun đắp, phát huy, nhất là khi TP và đất nước gặp khó khăn, thử thách. Từ thực tiễn công tác chống dịch Covid-19 của Thành phố cho thấy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sẻ chia, tương thân, tương ái, nghĩa tình của Đảng bộ, chính quyền cùng Nhân dân Thành phố ngày càng tỏa sáng.

Để tiếp tục xây dựng, gìn giữ, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa, tại Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đã xác định: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Phát huy đặc trưng, văn hóa, tính cách của con người Thành phố luôn năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình. Quy hoạch và phát triển các cơ sở văn hóa, các chương trình nghệ thuật thường niên gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân Thành phố, là một nguồn sức mạnh đặc thù của con người Thành phố mang tên Bác”.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng của văn hóa TPHCM. Sài Gòn – Gia Định xưa, TPHCM hôm nay, mảnh đất phương Nam nơi hội tụ người dân từ mọi miền của Tổ quốc, nơi hấp thụ, tiếp nhận và chắt lọc, chưng cất tinh hoa văn hóa của nhân loại, trong đó giá trị truyền thống là tài sản tinh thần vô giá, tài nguyên vô tận.

Người dân Thành phố luôn cởi mở, hào sảng, mộc mạc, chân chất, phóng khoáng nhưng cũng thẳng thắn, bao dung. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là tổng thể các giá trị văn hóa tinh thần thuộc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hòa quyện văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại.

Đó không khác gì về di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với Thành phố mang tên Người.

Hiện nay, Thành ủy đang hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh”.

Trên cơ sở các ý kiến góp ý cho dự thảo Chương trình hành động, Thành phố tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức trong các tầng lớp Nhân dân về mục đích, yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. 

Tiếp tục tập trung phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Không ngừng nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Tập trung xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các vùng, miền trên địa bàn Thành phố. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân.

Một trong những nội dung quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh đồng bộ về cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.

Phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa hiện tại trên địa bàn Thành phố gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa.

Rà soát, bổ sung hoàn thiện các thiết chế văn hóa, quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình văn hóa. Xây dựng, hình thành chuẩn mực văn hóa, con người Thành phố mang tên Bác là: “Đoàn kết, dũng cảm, dám đi đầu, chấp nhận thử thách, năng động, sáng tạo, nhân ái, nghĩa tình”.

Song song đó, rà soát và có biện pháp khắc phục những khó khăn, tồn tại trong xây dựng văn hóa và con người Thành phố; tập trung xây dựng và phát triển TPHCM trở thành Thành phố đáng sống có chất lượng sống tốt, “Văn minh - Hiện đại - Nghĩa tình”.

Bình luận