Xây dựng phương án tổ chức hoạt động lại chợ truyền thống

(VOH) - TPHCM có thêm 8 chợ được hoạt động lại so với thời điểm cuối tháng 7. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quận huyện đóng cửa toàn bộ các chợ truyền thống trên địa bàn.

TPHCM yêu cầu xây dựng phương án tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại

UBND TPHCM vừa gửi yêu cầu khẩn đến các sở, ngành và UBND các quận, huyện yêu cầu UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện phải xây dựng phương án tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn, đăng ký tiến độ triển khai, kịp thời báo cáo kết quả.

Thông tin từ nhiều quận, huyện cho biết, mô hình mở lại chợ với quy mô nhỏ từ 10-20 gian hàng kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống đang được triển khai nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều điểm chợ vẫn còn gặp khó để mở bán trở lại do dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt các chợ nằm trong khu dân cư đông đúc đang phải tạm ngưng trong thời gian dài. Do đó, để hỗ trợ nguồn cung thực phẩm cho người dân, nhiều quận huyện cho biết sẽ tăng mạnh giải pháp bán hàng lưu động, hàng online, bán hàng theo nhóm.

Hiện TPHCM có 40 chợ đang hoạt động và 197 chợ tạm ngưng, tính cả 3 chợ đầu mối trong tổng số 237 chợ.

Như vậy, thành phố có thêm 8 chợ được hoạt động lại so với thời điểm cuối tháng 7. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quận huyện đóng cửa toàn bộ các chợ truyền thống trên địa bàn.

Tăng cường các kênh bổ trợ cung ứng, phân phối hàng hóa đến từng khu dân cư

Sở Công Thương Thành phố phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM vừa tổ chức chương trình thực phẩm bình ổn lưu động “Đồng hành cùng Thành phố chiến thắng đại dịch Covid-19”.

Trong ngày 14/8, những chuyến xe này sẽ đến các quận 1, 4, 6, Bình Tân và Củ Chi.

tang-cuong-cac-kenh-bo-tro-cung-ung-phan-phoi-hang-hoa-den-tung-khu-dan-cu-voh.com.vn-anh1
“Siêu thị hạnh phúc 0 đồng” tại TPHCM.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết: Sở Công Thương đã kết nối các doanh nghiệp để cung ứng hàng hóa cho người dân trên 04 chiếc xe lưu động với rất nhiều các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu gồm thịt, cá, trứng, gạo, rau quả, trái cây, dầu ăn,… phục vụ mua sắm của người dân. Để hỗ trợ chuỗi cung ứng hàng hóa, Sở Công thương tổ chức chương trình thực phẩm bình ổn lưu động với hình thức những chuyến xe lưu động, siêu thị mimi di động đưa hàng hóa thực phẩm về các địa bàn dân cư từ những ngày đầu TPHCM thực hiện giãn cách. Kết quả, đến nay chương trình đã tổ chức được 1.635 điểm bán hàng với trên 2.000 lượt xe hàng hóa lưu động phân bổ đến các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức.

Bắt đầu từ ngày mai (15/8), Sở tiếp tục phát động Chương trình “Đưa thực phẩm, nông sản trực tiếp từ nhà máy, nông trại đến người tiêu dùng" thông qua việc kết nối các tỉnh thành để đưa hàng hóa nông sản, thực phẩm phân phối trực tiếp cho người dân tại các khu phong tỏa theo chương trình “bán hàng đồng giá"; giúp người dân được tiếp cận nguồn thực phẩm tuơi, chất lượng, giá cả phù hợp.