Ngày 24/9, đại diện Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang - chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy - cho biết đơn vị sẽ vận hành thử trạm thu phí BOT Cai Lậy từ 13h ngày 25/9 để điều chỉnh hệ thống trước khi có quyết định thu phí chính thức.
Hiện nay, trạm thu phí BOT Cai Lậy được bố trí hai trạm trên hai hợp phần dự án khác nhau. Một trạm trên quốc lộ 1 thu phí hoàn vốn cho hợp phần "tăng cường mặt đường đoạn km 1987+500 - km 201 quốc lộ 1 qua tỉnh Tiền Giang", và trạm trên tuyến tránh thị xã Cai Lậy để thu hồi vốn cho hợp phần tuyến tránh quốc lộ 1, qua thị trấn Cai Lậy.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.380 tỉ đồng, trong đó phần tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài hơn 13km khoảng hơn 680,77 tỉ đồng, phần tăng cường mặt đường quốc lộ 1 dài 26km với hơn 379 tỉ đồng và hơn 319 tỉ đồng tiền giải phóng mặt bằng, xây trạm thu phí.
Do việc thu phí được tách biệt theo từng hợp phần khác nhau nên hai trạm thu phí của dự án BOT Cai Lậy sẽ thu theo hình thức liên trạm.
Xe đi qua hai trạm nhưng chỉ thu tiền một trạm. Ví dụ nếu xe bốn chỗ chạy trên quốc lộ 1 hướng từ miền Tây lên TP.HCM, khi đi qua trạm thu phí BOT Cai Lậy trên quốc lộ 1 và trả phí 14.000 đồng/lượt rồi thì khi đi qua trạm thu phí trên tuyến tránh BOT Cai Lậy (cách đó khoảng 5km) sẽ không phải trả phí và ngược lại.
Hệ thống thu phí tự động sẽ nhận diện được xe vừa trả phí ở trạm trước để không bị trừ tiền ở trạm sau nếu xe đó đã lắp ETC.
Còn những xe thu phí thủ công thì cần giữ lại biên lai để trình ở trạm kế tiếp. Hiện nay, trạm BOT Cai Lậy trên quốc lộ 1 có 8 làn thu phí, bao gồm 6 làn thu phí tự động không dừng (ETC) và 2 làn hỗn hợp. Trạm trên tuyến tránh Cai Lậy có 4 làn thu phí (2 làn ETC và 2 làn hỗn hợp). Mức phí hai trạm này cũng khác nhau.
Đối với trạm trên quốc lộ 1, mức phí thấp nhất là 14.000 đồng/lượt, mức phí cao nhất là 118.000 đồng/lượt.
Mức phí của trạm trên tuyến tránh thị xã Cai Lậy thấp nhất là 24.000 đồng/lượt, cao nhất 137.000 đồng/lượt.
Hiện nay, trên quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy đã cắm biển cấm xe từ 29 ghế ngồi và xe từ 3 trục (xe tải nặng) trở lên đi vào thị xã Cai Lậy và buộc phải đi vào tuyến đường tránh.
Trước đó, trả lời Tuổi Trẻ Online về việc xe của các cơ sở kinh doanh, công ty trong thị xã Cai Lậy sẽ giải quyết như thế nào trước lệnh cấm, ông Trần Văn Bon - giám đốc Sở Giao thông vận tải Tiền Giang - cho biết các đơn vị chuyên kinh doanh lúa gạo, kinh doanh vận tải đang hoạt động ở thị xã Cai Lậy được đăng ký, sau đó sở sẽ cấp giấy phép được đi ra vào thị xã Cai Lậy.
Hiện nhà đầu tư đã hoàn thành sửa chữa hư hỏng mặt đường bê tông nhựa, cơ bản hoàn thành khối lượng sơn mặt đường trên quốc lộ 1 và tuyến tránh, sơn sửa, vệ sinh khu vực trạm thu phí.