Nghe bài viết:
Hơn 100 năm đã có quá nhiều sự đổi thay nhưng Bến Nhà Rồng vẫn còn đó và lý tưởng của người thanh niên ngày đó (về sau là lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam) vẫn sáng mãi cùng non sông.
Khu vực bến Nhà Rồng thời Pháp thuộc.
Bến Nhà Rồng là trụ sở thương cảng của Sài Gòn, nằm bên sông Sài Gòn; được xây dựng từ năm 1863, là một công trình đầu tiên thực dân Pháp xây dựng sau khi chiếm được đất này. Công trình có lối kiến trúc công sở phương tây với hành lang và vòm cuốn nhưng mái mang kiến trúc phương đông.
Đặc biệt, trên đỉnh mái có trang trí đôi rồng kiểu lưỡng long chầu nguyệt- một lối trang trí phổ biến trên các kiến trúc truyền thống Việt Nam. Kiến trúc ấy được gọi là Nhà Rồng hay Bến Nhà Rồng.
Sau khi người Pháp thất bại ở Đông Dương năm 1954, Bến Nhà Rồng được chính quyền miền nam Việt Nam quản lý. Bến Nhà Rồng được tu sửa và trang trí hình rồng trên đỉnh mái được đổi hướng ra ngoài.
Sau khi đất nước thống nhất, để ghi nhớ sự kiện ngày 5/6/1911 (Bác Hồ đã ra đi từ Bến Nhà Rồng tìm đường cứu nước) kiến trúc này được giữ lại làm di tích lịch sử, là khu lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 2/9/1979, kỷ niệm 10 năm ngày mất của Người, Nhà Rồng đã mở cửa đón khách tham quan phần trưng bày về “Sự nghiệp tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1945)”.
Ngày 20/9/1982, Uỷ ban Nhân dân TPHCM ra quyết định chính thức chuyển “Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” thành “Bảo tàng Hồ Chí Minh- chi nhánh TPHCM”. Bảo tàng có nhiệm vụ sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt nhấn mạnh vào sự kiện ra đi tìm đường cứu nước và mối quan hệ tình cảm của Bác Hồ với đồng bào, nhân dân Miền Nam. Hiện Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM có hơn 11.000 tư liệu, hiện vật và 3.300 đầu sách chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM
Bến Nhà Rồng- Bảo tàng Hồ Chí Minh của ngày hôm nay cũng là một địa chỉ văn hóa với nhiều hoạt động văn hóa- chính trị có ý nghĩa. Nơi đây thường diễn ra hội thảo, tọa đàm, nói chuyện, triển lãm, chiếu phim… liên quan đến đến Bác Hồ và các hoạt động văn hóa, xã hội khác của thành phố như lễ kết nạp Đảng, Đoàn; nơi sinh hoạt truyền thống của các tổ chức Đoàn Đội, nơi phát động, ra quân của các phong trào cách mạng, phong trào tình nguyện của thanh niên thành phố.
Bến Nhà Rồng là một địa chỉ, một di tích đặc biệt của thành phố Hồ Chí Minh.
Đã có một tên gọi thiêng liêng Sài Gòn: “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng”. Cái tên trở thành niềm tự hào dân tộc và mỗi khi nhắc đến Sài Gòn thì nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đều nhớ tới bến cảng Nhà Rồng. Thời gian là dòng sông chảy không ngừng nghỉ và bóng hình Bác Hồ vẫn ngàn đời hiện hữu trên bến nước tiễn Người đi.