Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Sài Gòn những ngày đầu thành lập

(VOH) - Tiếp tục xuôi theo dòng lịch sử về vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa, chúng ta sẽ cùng bước sang thời kỳ tiếp theo từ khi Pháp xâm chiếm Nam Kỳ và tìm hiểu về sự ra đời của tên gọi Sài Gòn cùng những địa danh nổi tiếng ở vùng đất.

Nghe bài viết:

Tháng 2 năm 1859, ngay từ khi đặt chân lên đất Sài Gòn, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã phải đối đầu với lực lượng 5.800 nông dân Gia Định, trang bị gậy gộc giáo mác, tập hợp cùng quân triều đình dưới sự chỉ huy của các sĩ phu yêu nước. Quân xâm lược rơi vào tình thế bị bao vây một năm trời và phải trả một giá đắt mới lấy được đồn Chí Hòa dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương (từ năm 1859 đến năm 1861).

Hàng loạt cuộc khởi nghĩa nối tiếp nhau, đứng đầu là các sĩ phu yêu nước Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Phan Văn Đạt.. ở miền Đông, phối hợp với các cuộc khởi nghĩa ở ĐBSCL của Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Đốc binh Kiều, Phan Tôn, Phan Liêm, Phan Tòng….

Khi thực dân Pháp đặt xong ách đô hộ ở Nam Kỳ không có nghĩa là các phong trào đã chấm dứt. Cuộc khởi nghĩa “18 thôn vườn trầu” năm 1886 do Phan Công Hớn và Nguyễn Văn Bường tổ chức là một trong những chứng minh. Chỉ một đêm 30 tết, nghĩa quân đã đốt trụi đồn Hóc Môn, trừng trị tên đốc phủ Việt gian Trần Tử Ca.

Đầu thế kỷ hai mươi, phong trào yêu nước tiếp tục nổ ra: phong trào Phan Xích Long và Thiên địa hội (năm 1913), các phong trào Duy Tân, Đông Du (từ năm 1925 đến năm 1926), đảng Thanh Hoa (Thanh niên cao vọng Đảng) của các nhà yêu nước Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn An Ninh, Võ Công Tồn…Tuy nhiên, các cuộc khởi nghĩa, các phong trào ấy đều thất bại, nhưng đã chứng minh câu trả lời bất hủ của Nguyễn Trung Trực trước những lời dụ dỗ của giặc, ông nói: “Bao giờ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.

Kênh Lớn Sài Gòn vào khoảng thời gian 1880, nay là đường Nguyễn Huệ, phía xa góc trái bức hình là nhà thờ Đức Bà. (ảnh: Emile Gsell)

Đất Sài Gòn là nơi sinh ra và hun đúc nhiều nhân vật văn hóa, chính trị lớn như: Võ Trường Toản bậc “phu tử” miền Nam, Trịnh Hoài Đức, một trong “Gia Định Tam gia”, tác giả tập sách quan trọng “Gia định thành thông chí”, Nguyễn Đình Chiểu nhà thơ yêu nước kiệt xuất,  Nguyễn Cư Trinh nhà cai trị, nhà văn có tài.

Sĩ phu “mang bút tòng quân” đánh giặc và hun đúc sĩ khí con người trên đất mới: Nguyễn Thông, Hồ Huân Nghiệp, Võ Duy Ninh, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Văn Trị…Ngòi bút Nguyễn Đình Chiểu “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” tỏ rõ khí phách, tâm hồn, hào khí Đồng Nai giữa những tháng năm đau thương mà oanh liệt.

Những năm tháng chống Pháp diễn ra vô cùng oanh liệt và địa danh Sài Gòn cũng là nơi chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử chống giặc ngoại xâm.

Vậy vì sao có tên gọi Sài Gòn? để giải thích địa danh Sài Gòn, theo nhà văn Sơn Nam thì mãi đến nay chưa ai giải thích một cách ổn thỏa, nhưng có thể tạm hiểu, theo sử gia Trịnh Hoài Đức, đời Gia Long (1802 – 1820) rằng: Sài là củi, cây, rừng; Gòn là giống cây gòn, thời xưa mọc như rừng phía Phú Lâm, khỏi Chợ Lớn.

Khi người Pháp đến, Sài Gòn bao gồm khu vực rộng hơn, về phía đông, ăn tận mé sông Sài Gòn với đất rất cao ráo. Sông Sài Gòn ăn ra biển, khá rộng và sâu, thuận lợi để lập hải cảng. Và ngay từ khi hình thành, hơn 300 năm trước, Sài Gòn đã là hải cảng, ghe biển từ Bắc, Trung Bộ ra vào dễ dàng, về sau có tàu buôn của Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp. Sài Gòn theo đường thủy ra biển Đông xa khoảng 90 ngàn cây số, hai bên bờ là cây nước mặn, gìn giữ đất phù sa.

Đường đất ở ngoại ô Sài Gòn (ảnh: John Thompson)

Những năm cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã xây dinh Norodom (đã san bằng xây hội trường, nay là Hội trường Thống nhất), nhà thờ Đức Bà, Bưu Điện, Tòa án, dinh Gia Long, sau cùng là tòa Thị Chánh (nay là trụ sở UBND TP.HCM), với lối kiến trúc rập theo mô hình từ bên Pháp.

Những con lộ được chỉnh trang cao ráo, phần lớn dọc theo mé sông Sài Gòn để làm khu vực dành cho người Pháp, ví dụ đường Catinat (nay là Đồng Khởi) với khách sạn Continental (từ năm 1885). Nhà Rồng, chi nhánh của công ty Hàng Hải Pháp (nay là nhà lưu niệm Bác Hồ) là cơ ngơi xưa nhất, vào những thập niên 1860, lại còn có Thảo Cầm Viên, lúc đầu chuyên sưu tập cây cỏ vùng nhiệt đới nhằm thử nghiệm cây công nghiệp (cao su, cà phê) và sưu tầm những thú vật nhiệt đới.

Nhà Bảo tàng Lịch sử (xây 1928) trưng bày những cổ vật của Nam Bộ, Bắc Bộ. Đường sá thời xưa nhỏ hẹp, đường Catinat sang trọng được vạch ra khi bên Pháp chưa phát minh ôtô, chưa hoàn chỉnh chiếc xe đạp.

Nét độc đáo là lề đường dành cho cây nhiệt đới như me, dầu, sao. Ngoài ra, còn có nhiều chùa miếu, đình làng, dấu ấn của Sài Gòn thời phong kiến xa xưa, khi Sài Gòn chưa đô thị hóa. Sài Gòn ở quận 1 gợi không khí Tây phương hồi đầu thế kỷ thứ XX. Chợ Lớn như là khu phố của người Hoa sống tập trung, náo nhiệt.

Với nguồn gốc lâu đời là người dân từ miền Bắc, miền Trung Việt Nam đến khẩn hoang, lập nghiệp, tìm cơ hội kinh doanh, thêm người Hoa sống gần kề, lại chịu ảnh hưởng trực tiếp của người Pháp nên người ở Sài Gòn tỏ ra năng động, hào hiệp, hiếu khách, tính khí khẳng khái, trung thực, trọng nghĩa khinh tài, sĩ khí hiên ngang, trọng tình bè bạn.

Đây cũng là nét đặc sắc trong tính cách của người Sài Gòn. Nơi đây còn là bến Cảng, nơi đầu mối của thương gia từ miền Nam Trung Bộ, từ đồng bằng sông Cửu Long đến để làm  dịch vụ mua bán, vì vậy nhiều quán ăn có giá cả phù hợp với người dân và rất đông khách. Khách vãng lai đến đây nhiều nhất gần dịp Tết. Sài Gòn cũng là nơi có nhiều tôn giáo, chủ yếu là Phật giáo và Thiên chúa giáo.

Bình luận