Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thành phố Sài Gòn và những quy hoạch ban đầu

(VOH) - Bến Nghé – Sài Gòn là địa đầu của đất Gia Định. Nói vậy bởi ngay sau khi chiếm được thành Gia Định, thực dân Pháp đã tính ngay kế sách cắm chốt lâu dài ở đây, muốn lấy đây là bàn đạp để thôn tính Nam Bộ, cướp nước ta.

Nghe bài viết: 

Thực dân Pháp bấy giờ đã bắt tay ngay vào xây dựng Sài Gòn như một trung tâm của ba tỉnh miền Đông. Và chừng 5 năm sau đó là thủ phủ của cả Nam Kỳ lục tỉnh. Sài Gòn đổi thay mau chóng trở thành "Hòn ngọc Viễn Đông" và cũng mau chóng trở thành cái vòi bạch tuộc của thực dân Pháp, vơ vét tài nguyên, sản vật của Việt Nam.

Cho đến năm 1859, khi Pháp xâm chiếm miền Nam, thì Sài Gòn vẫn còn là một trung tâm hành chính quân sự. Các công trình xây dựng lớn chủ yếu phục vụ cho chức năng cai trị và phòng thủ, hoàn toàn chưa có những tiện nghi công cộng, các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho một thành phố thương mại, thành phố cảng.

Trong thập niên 1860 đến nửa đầu thập niên 1870, thành phố Sài Gòn vẫn nằm trong địa hạt hành chính tỉnh Gia Định.

Cụ thể, năm 1861, Phó Đô đốc Charner, Tư lệnh quân viễn chinh Pháp, ban hành nghị định quy định ranh giới Sài Gòn, là một thành phố nhỏ tọa lạc tại khu vực giới hạn bởi sông Sài Gòn (ở phía Đông), rạch Thị Nghè (ở phía Bắc) và rạch Bến Nghé (ở phía Nam).

Khu vực Cầu Ông Lãnh, ngã ba sông Sài Gòn - rạch Bến Nghé thời kỳ đầu thuộc Pháp tấp nập ghe thuyền các nơi buôn bán - Ảnh tư liệu

Dự án thiết kế Sài Gòn ban đầu bao gồm cả vùng Chợ Lớn. Tuy nhiên, đến năm 1864, do diện tích dự kiến của thành phố quá rộng, tình hình trị an đòi hỏi phải thu hẹp phạm vi thành phố, người Pháp bèn cho tách khu Chợ Lớn ra khỏi thành phố Sài Gòn. Đây là một thay đổi cơ bản và thuận lợi nhất để tập trung đầu tư xây dựng khu trung tâm Sài Gòn. Ngoài ra, việc tách Chợ Lớn ra khỏi dự án thiết kế thành phố Sài Gòn cũng giúp tạo điều kiện cho khu vực Chợ Lớn phát triển nhanh chóng, buôn bán thuận lợi.

Lần quy hoạch thứ hai, năm 1865, trên cơ sở thành thị Bến Nghé và Sài Gòn cũ. Sài Gòn chỉ rộng không quá 3 cây số vuông và Chợ Lớn chỉ hơn một cây số vuông. Sài Gòn bấy giờ nằm gọn trong quận 1 bây giờ, còn Chợ Lớn là quận 5 hiện nay. Giữa hai thành phố là vùng thuộc địa hạt Sài Gòn.

Vào năm 1874, Tổng thống Cộng hòa Pháp ký sắc lệnh chính thức thành lập thành phố Sài Gòn. Thành phố được điều hành bởi một viên thống lý, hai viên phó đốc lý và một hội đồng thành phố. Còn Chợ Lớn, được thành lập năm 1879. Theo thời gian, dân số tăng lên. Sài Gòn và Chợ Lớn xích lại gần nhau và thực sự tiếp giáp ở khoảng đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thiện Thuật bây giờ vào năm 1910.

Múa rồng ngày tết thời thuộc Pháp trên đường Lê Lợi hiện nay - Ảnh tư liệu

Như vậy, trong thời gian nửa thế kỷ, Sài Gòn đã thay đổi, hình thành nên một thành phố Tây Phương. Đường sá được thiếp lập. Dinh thự, phố xá, các khu dân cư cùng với các chợ... được xây dựng. Từ thủ phủ của Gia Định ngũ trấn (thời Gia Long), Nam Kỳ lục tỉnh (thời Minh Mạng), Sài Gòn theo thời gian đã trở nên trung tâm của ba tỉnh miền Đông, rồi thủ phủ của Nam Kỳ và dần trở nên một trung tâm chính trị, kinh tế quan trọng cho toàn Đông Dương.

Bình luận