Cách tuyển sinh của Đại học Luật TPHCM năm 2018

(VOH) - Năm 2018, Đại học Luật TPHCM sẽ tiếp tục cách tuyển sinh riêng như năm 2017. Đáng chú ý, nhà trường sẽ điều chỉnh tỉ trọng điểm xét tuyển.

Đại học Luật TPHCM tuyển sinh theo hình thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra năng lực. Theo đó, phương thức tuyển sinh sẽ qua 02 bước: bước 1 - xét tuyển, bước 2 - kiểm tra năng lực theo 03 tiêu chí (xét điểm học bạ, xét điểm kỳ thi THPT quốc gia và điểm của bài kiểm tra năng lực).

Kết quả xét tuyển và điểm của bài kiểm tra năng lực, Đại học Luật TPHCM sẽ định ra mức điểm chuẩn xét tuyển vào Trường theo từng ngành và từng Tổ hợp.

Đại học Luật TPHCM trong ngày Ngày hội tuyển sinh hướng nghiệp 2018 (Ảnh: Fanpage Đại học Luật TPHCM).

* Bước 1: Xét tuyển sơ bộ

Căn cứ số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, Hội đồng tuyển sinh Trường sẽ xét điểm trung bình ở 6 học kỳ THPT của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển, gọi tắt là điểm học bạ (tiêu chí 1: chiếm tỷ trọng 10% điểm trúng tuyển) và điểm thi THPT quốc gia năm 2018 (tiêu chí 2: chiếm tỷ trọng 60% điểm trúng tuyển) từ cao xuống thấp để xác định những thí sinh đạt yêu cầu xét tuyển sơ bộ;

Số lượng thí sinh được xét đạt yêu cầu xét tuyển sơ bộ không quá 300% so với chỉ tiêu dự kiến được phân bổ theo ngành và tổ hợp xét tuyển được quy định; 

Nội dung kiểm tra gồm 4 nhóm kiến thức: kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; kiến thức xã hội tổng hợp (gồm kiến thức phổ quát về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình, giới tính, lịch sử, địa lý, nông thôn; quan niệm của thí sinh về công bằng xã hội, quyền con người; đạo đức công dân); kiến thức về pháp luật và tư duy logic, khả năng lập luận của thí sinh. 

- Ngoài các tổ hợp xét tuyển truyền thống, năm 2018, Nhà trường có bổ sung 3 tổ hợp môn mới, đó là:

+ Văn, Sử và Ngoại ngữ (D14: tiếng Anh): xét tuyển ngành Ngôn ngữ Anh;

+ Văn, Giáo dục công dân và Ngoại ngữ (D66: tiếng Anh, D69: tiếng Nhật, D70: tiếng Pháp): xét tuyển ngành Luật Thương mại quốc tế và ngành Ngôn ngữ Anh (chỉ xét tuyển D66);

+ Toán, Giáo dục công dân và Ngoại ngữ (D84: tiếng Anh, D87: tiếng Pháp, D88: tiếng Nhật): xét tuyển ngành Luật Thương mại quốc tế, ngành Quản trị - Luật, ngành Quản trị kinh doanh và ngành Ngôn ngữ Anh (chỉ xét tuyển D84).

* Bước 2: Xét trúng tuyển

Chỉ những thí sinh đạt yêu cầu xét tuyển sơ bộ mới được Trường thông báo tham gia làm bài kiểm tra đánh giá năng lực (tiêu chí 3). Bài kiểm tra này chiếm tỷ trọng 30% điểm trúng tuyển vào Trường;

Trường xác định điểm trúng tuyển theo từng ngành và theo từng Tổ hợp môn xét tuyển;

Diện trúng tuyển: thí sinh có đầy đủ các điều kiện sau đây thì thuộc diện trúng tuyển:

+ Có đủ điểm của 3 tiêu chí xét tuyển nêu trên;

+ Có kết quả điểm của 3 tiêu chí này nằm trong chỉ tiêu;

+ Có điểm của từng môn của 3 tiêu chí không bị điểm liệt theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điểm trúng tuyển được xét từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu, căn cứ vào 3 tiêu chí:

+ Điểm học bạ (xét 6 học kỳ THPT của 3 môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển);

+ Điểm thi THPT quốc gia năm 2018 của 3 môn thuộc tổ hợp đã đăng ký ở tiêu chí 1;

+ Điểm của bài kiểm tra đánh giá năng lực.

* Một số lưu ý:

Mức điểm xét tuyển sơ bộ và điểm trúng tuyển khi công bố là dành cho học sinh phổ thông thuộc KV3;

Mức chênh lệch điểm giữa hai nhóm đối tượng và giữa hai khu vực kế tiếp được thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh năm 2018;

Kết quả thí sinh đạt yêu cầu xét tuyển sơ bộ và kết quả thí sinh trúng tuyển sẽ được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Trường và các phương tiện truyền thông đại chúng; Trường cập nhật lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo danh sách thí sinh đã xác nhận nhập học.