Những điều thí sinh cần làm sau khi biết điểm chuẩn đại học 2018

(VOH) - Sau khi biết điểm chuẩn trúng tuyển các trường đại học công bố, thí sinh dù đậu hay không cũng cần lưu ý một số thủ tục tuyển sinh để có tính toán phù hợp.

Theo lịch đã công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 1/8 đến trước 17 giờ ngày 6/8 các trường đại học sẽ công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Thí sinh có thể theo dõi kết quả xét tuyển qua website của các trường đại học và chú ý các hướng dẫn về thủ tục xác nhận nhập học tại trường. 

>>> Danh sách các trường đại học, cao đẳng công bố điểm chuẩn trúng tuyển đại học năm 2018

điểm chuẩn, điểm trúng tuyển, tuyển sinh 2018

Thí sinh cần có tính toán phù hợp nếu trượt đại học đợt 1 (Ảnh: phunuonline.com.vn)

Sau khi biết điểm chuẩn đại học và kết quả xét tuyển, thí sinh cần tiếp tục làm một số bước sau.

1. Nếu thí sinh “trượt” đợt 1

Thí sinh có tổ hợp điểm thi thấp hơn điểm chuẩn vào trường thì bị coi như là “trượt” đại học. Lúc này, đừng quá buồn phiền vì tỷ lệ thí sinh trượt đại học đợt 1 không phải là ít. Thực tế cho thấy, trong quá trình đăng kí, không ít thí sinh chủ quan và không tìm hiểu kỹ thông tin hoặc thí sinh quá tự tin vào mức điểm và khả năng trúng tuyển của mình, chỉ đăng ký 1-2 nguyện vọng vào những ngành, trường tỷ lệ chọi cao - dẫn đến trượt đại học…

Do đó, nếu rơi vào trường hợp này, thí sinh có thể tiếp tục tìm kiếm cơ hội trúng tuyển đại học bằng cách đăng ký xét tuyển bổ sung vào những trường còn thiếu chỉ tiêu. Thông tin tuyển sinh bổ sung và cách xét tuyển sẽ được các trường thông báo trên website, thí sinh cần chú ý đọc và tìm hiểu kĩ để quyết định, nộp hồ sơ.

Điều cần lưu ý là, tiêu chuẩn quan trọng nhất khi nộp hồ sơ xét tuyển đợt 2 là điểm thi của thí sinh chứ không phải là thời gian nộp hồ sơ sớm hay muộn. Thông thường, thời gian xét tuyển đợt 2 này diễn ra khá dài, các thí sinh cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra lựa chọn về ngành và trường học cho phù hợp.

Ngoài ra, điểm xét tuyển bổ sung thường sẽ bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển đợt 1, một số trường còn sự chênh lệch khá lớn về điểm số giữa 2 đợt xét tuyển.

Các thí sinh đã trúng tuyển trong đợt 1 nhưng không muốn học ngành/trường mình trúng tuyển thì không nên xác nhận nhập học và có thể làm thủ tục đăng ký xét tuyển bổ sung vào các trường khác.

2. Nếu thí sinh trúng tuyển đợt 1

Thí sinh có điểm thi bằng hoặc cao hơn điểm chuẩn vào trường, có tên trong danh sách trúng tuyển vào trường thì có thể làm thủ tục xác nhận nhập học theo thời hạn mà nhà trường thông báo. Quá thời hạn làm thủ tục nhập học mà thí sinh không làm thủ tục xác nhận nhập học thì được coi là từ chối nhập học.

Khi làm thủ tục xác nhận nhập học, thí sinh phải nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi cho trường đại học (nộp trực tiếp tại trường hoặc qua đường bưu điện). Sau đó, trường sẽ gửi cho thí sinh Giấy báo nhập học.

Thí sinh đến trường làm thủ tục nhập học theo thời gian ghi trên Giấy báo và nộp các giấy tờ như: Bản sao công chứng Học bạ THPT, bản sao có công chứng CMND, bản sao Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời, các giấy tờ hưởng chế độ ưu tiên…

Nếu nhập học chậm sau ngày 15 ngày, từ ngày ghi trong Giấy báo nhập học,  thí sinh bị coi như bỏ học, trừ trường hợp ốm đau, tai nạn có xác nhận của bệnh viện hoặc do thiên tai có xác nhận của UBND cấp huyện.

>>> Tại sao nên dạy trẻ nấu ăn?

>>> Cách dạy trẻ việc bếp núc theo từng lứa tuổi

Bình luận