Trường Đại học Kinh tế - Luật: Điểm trúng tuyển cao nhất là 27,65 điểm

(VOH) - Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM công bố kết quả xét tuyển đại học chính quy năm 2021 theo phương thức 3 (xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021).

Theo thông tin từ Hội đồng tuyển sinh đại học chính quy của Trường, trung bình điểm trúng tuyển vào Trường là 26,2 điểm. Trong đó, điểm trung bình trúng tuyển khối ngành Kinh tế là 26,25 điểm, khối ngành Kinh doanh quản lý là 26,68 điểm và khối ngành Luật là 26,26 điểm. Đây là tổng điểm của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển A00, A01, D01 và D07 đối với học sinh trung học phổ thông (THPT) khu vực 3, không nhân hệ số. Điểm trúng tuyển cao nhất là 27,65 điểm đối với chương trình Kinh doanh quốc tế (Khoa Kinh tế đối ngoại).

truong-dai-hoc-kinh-te-luat-diem-trung-tuyen-cao-nhat-la-27-65-diem-voh.com.vn-anh1
Thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm học bạ THPT vào trường đại học. (Ảnh minh họa: SGGP)

Theo thống kê, có 16.025 thí sinh với 27.050 nguyện vọng đăng ký vào UEL theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021.  Trong đó, 956 thí sinh có tổng điểm >= 25 trúng tuyển vào UEL, 300 thí sinh>= 27 trúng tuyển vào UEL và có 9 chương trình đào tạo có điểm chuẩn trúng tuyển trên 27 điểm.

Năm 2021, thí sinh Đặng Thị Thanh Trúc (Trường THPT Hóa Châu, Thừa Thiên Huế) là thí sinh có điểm thi cao nhất trúng tuyển vào UEL với 28,85 điểm (không tính điểm ưu tiên). Bằng số điểm này, Đặng Thị Thanh Trúc đã trúng tuyển vào ngành Thương mại điện tử (Khoa Hệ thống thông tin) của Trường. TP.HCM, Bình Định, Đồng Nai, Đắk Lắk và Quảng Ngãi là 5 tỉnh thành có số thí sinh trúng tuyển vào Trường nhiều nhất.

Đối với các chương trình đào tạo mới của Trường, điểm trúng tuyển như sau: Kinh tế đối ngoại chất lượng cao bằng tiếng Anh là 26,60 điểm, Marketing chất lượng cao bằng tiếng Anh là 26,70 điểm, Thương mại điện tử chất lượng cao bằng tiếng Anh là 26,15 điểm, Toán ứng dụng trong kinh tế, quản trị và tài chính chất lượng cao bằng tiếng Anh là 23,40 điểm, Luật Dân sự chất lượng cao bằng tiếng Anh là 24,10 điểm, Công nghệ tài chính là 25,60 điểm và Công nghệ tài chính chất lượng cao là 26,40 điểm.

Bên cạnh xem xét các tiêu chí hỗ trợ sinh viên miễn, giảm học phí theo chính sách, nhà trường còn mở rộng thêm nhiều đối tượng được miễn, giảm học phí do có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19 như sinh viên có cha mẹ là lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch, sinh viên có cha/mẹ không may mất vì Covid-19, sinh viên có cha mẹ mất việc do dịch bệnh,...Mức miễn, giảm sẽ áp dụng theo từng đối tượng cụ thể. (Đối với Tân sinh viên K21, khi thực hiện nhập học online sẽ có thông báo, hướng dẫn đính kèm để sinh viên nộp hồ sơ).

Ngoài ra, bên cạnh việc chi tối thiểu 8% từ nguồn thu học phí để trao học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật còn chủ động đa dạng nguồn học bổng từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân,... với tổng giá trị lên đến hơn 10 tỷ đồng đáp ứng cho nhiều đối tượng sinh viên khác nhau.

Hiện tại, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật có thể tiếp cận các nguồn vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội ở địa phương, chương trình sinh viên vay ưu đãi để học tập (lãi suất 0%) từ Quỹ Phát triển Đại học Quốc gia TP.HCM, chương trình hỗ trợ tài chính từ Quỹ Đồng hành & Phát triển UEL. Sinh viên tham gia các hình thức cho vay ưu đãi này để có thể đóng học phí, trang trải việc học tập sinh hoạt.

Bình luận