Chờ...

Tuyển sinh 2021: Những điều cần lưu ý khi thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung

(VOH) - Sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021, các thí sinh không trúng tuyển vẫn còn cơ hội xét tuyển trong các đợt xét tuyển sau.

Mặc dù các trường đại học đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau như xét điểm học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực, xét điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia…, tuy nhiên, nhiều thí sinh vẫn yêu thích cách xét tuyển truyền thống là xét điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Do đó, nếu không trúng tuyển trong đợt xét tuyển đầu tiên, các thí sinh vẫn kiên nhẫn đăng ký xét tuyển theo hình thức này trong các đợt tiếp theo.

Xem thêm: [Cập nhật liên tục] Điểm chuẩn đại học 2021 của tất cả các trường đại học trong cả nước

xét tuyển bổ sung, tuyển sinh 2021
Thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung cần xác định trước những rủi ro khi đăng ký (Ảnh minh họa: BN)

Theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục & Đào tạo thì các đợt xét tuyển tiếp theo của trường đại học/học viện như sau:

a) Xét tuyển đợt tiếp theo có thể được thực hiện một lần hay nhiều lần;

b) Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường và số thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học tại trường sau xét tuyển đợt 1 (kể cả số thí sinh được xét tuyển thẳng và số học sinh dự bị của trường; học sinh các trường dự bị Đại học được giao về trường), Hội đồng tuyển sinh trường xem xét, quyết định các nội dung xét tuyển tiếp theo;

c) Các trường thông báo điều kiện xét tuyển của các đợt tiếp theo sau đợt 1, điểm nhận hồ sơ xét tuyển các đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1; công bố lịch xét tuyển;

d) Thí sinh chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào có thể thực hiện Đăng ký xét tuyển bổ sung trực tuyến hoặc theo phương thức khác do trường quy định;

đ) Kết thúc mỗi đợt xét tuyển, trường công bố trên trang thông tin điện tử của trường và trên phương tiện thông tin đại chúng về điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển;

e) Thí sinh xác nhận nhập học trong thời hạn quy định, bằng phương thức trực tuyến hoặc theo quy định của từng trường;

g) Trường cập nhật danh sách thí sinh xác nhận nhập học lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Theo quy định trên, nếu thí sinh bỏ lỡ cơ hội trong đợt xét tuyển đầu tiên vẫn sẽ còn cơ hội xét tuyển vào trường/ngành mình yêu thích. Để chuẩn bị cho đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh cần lưu ý một số điều sau:

1. Các đối tượng có thể tham gia đợt xét tuyển bổ sung

Những trường hợp sau đây có thể tham gia xét tuyển bổ sung:

  • Trường hợp 1: Thí sinh không đỗ tất cả các nguyện vọng đã đăng ký trong đợt 1;
  • Trường hợp 2: Thí sinh đỗ nguyện vọng đã đăng ký nhưng không xác nhận nhập học;
  • Trường hợp 3: Trong đợt 1 thí sinh không đánh dấu tick vào mục số 9 “Thí sinh có dùng kết quả để xét tuyển Đại học, Cao đẳng”.

Có thể thấy, quy định về xét tuyển bổ sung nhằm tạo điều kiện cho thí sinh chọn được đúng trường/đúng ngành mình mong muốn. Tuy nhiên, nếu thí sinh cố tình từ chối nhập học trong đợt xét tuyển đầu tiên và chấp nhận đợi đợt xét tuyển bổ sung là việc khá mạo hiểm.

Hai lý do chính khiến việc xét tuyển bổ sung trở nên khó khăn hơn đó là: 1. trường thí sinh mong muốn sẽ không xét tuyển bổ sung do đã đủ chỉ tiêu; 2. điểm chuẩn xét tuyển bổ sung thường cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều so với đợt xét tuyển đầu tiên.

Do đó, thí sinh cần cân nhắc trước khi đưa ra quyết định có xét tuyển bổ sung hay không.

2. Những “rủi ro” khi đăng ký xét tuyển bổ sung

Như đã nói ở trên, hai “rủi ro” lớn nhất mà thí sinh có thể phải đối mặt khi đăng ký xét tuyển bổ sung, đó là trường/ngành mà thí sinh mong muốn sẽ không xét tuyển bổ sung do đã đủ chỉ tiêu và điểm chuẩn xét tuyển bổ sung cao hơn so với đợt xét tuyển đầu tiên.

Về điểm trúng tuyển trong đợt xét tuyển bổ sung, Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định điểm trúng tuyển đợt bổ sung không được thấp hơn so với đợt 1. Đa phần các ngành xét tuyển bổ sung đều có điểm bằng hoặc cao hơn so với đợt 1, thậm chí nhiều ngành điểm xét tuyển bổ sung còn cao hơn rất nhiều. Một số trường top đầu điểm trúng tuyển giữa các đợt còn chênh lệch lên từ 2-3 điểm.

Ngoài ra, đa phần các trường top đầu và những ngành hot đều đã đủ chỉ tiêu ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên. Vì vậy, các trường và ngành tham gia xét tuyển bổ sung đa phần đều khá kén người học nên mới thiếu chỉ tiêu.

Nếu thí sinh có điểm tốt nghiệp THPT cao và kiên định với lựa chọn của mình thì hãy tiếp tục đọc các mục dưới đây.

3. Luôn theo dõi sát thông tin tuyển sinh của trường mà mình yêu thích

Xét tuyển bổ sung sẽ diễn ra trong trường hợp các trường đại học, cao đẳng chưa tuyển đủ số sinh viên trong lần xét tuyển đợt 1 (do ít thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển hoặc nhiều thí sinh đỗ nhưng không xác nhận nhập học). Đa phần các trường chỉ xét đến đợt 2 là đủ chỉ tiêu, tuy nhiên cũng có nhiều trường xét tuyển thêm các đợt khác cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Ngoài ra, mỗi trường sẽ có yêu cầu về hồ sơ xét tuyển bổ sung khác nhau, thí sinh phải điền mẫu đơn đăng ký theo yêu cầu của trường. Vì vậy, thí sinh cần thường xuyên theo dõi thông tin trên website của trường đại học, cao đẳng để nắm rõ về việc trường có xét tuyển bổ sung hay không, lịch xét tuyển, chỉ tiêu xét tuyển và chuẩn bị hồ sơ theo đúng yêu cầu.

4. Tận dụng tối đa các nguyện vọng và cân nhắc kỹ trước khi quyết định

Ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh vẫn còn có nhiều cơ hội để trúng tuyển vào các trường đại học chưa đủ chỉ tiêu và tổ chức xét tuyển bổ sung. Để có thể nắm chắc “tấm vé” vào đại học trong đợt xét tuyển bổ sung thì các thí sinh cần phải tìm hiểu thông tin và cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định đăng ký xét tuyển.

Chú ý, cũng giống đợt 1, đối với xét tuyển bổ sung, thí sinh không bị giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Theo đó, thí sinh được phép đăng ký xét tuyển vào các tổ hợp khác nhau, nhiều ngành trong cùng một trường hoặc nhiều trường khác nhau. Do đó, với quy định này, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin về mức học phí các trường và chỉ nên chọn những ngành học phù hợp mà mình thực sự yêu thích.

Muốn đăng ký xét tuyển vào trường nào, thí sinh nên liên hệ với ban tư vấn tuyển sinh hoặc tra cứu thông tin trên website của trường đó. Các thí sinh sẽ chỉ có một phiếu điểm, nếu chưa quyết định học ở đâu thì chưa nên nộp. Vì đã nộp phiếu điểm xác nhận nhập học thì sẽ không được rút ra được và không tham gia đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung được.

Theo lịch tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021 của Bộ Giáo dục & Đào tạo, dự kiến từ ngày 3/10, các cơ sở đào tạo xét tuyển bổ sung (các trường chủ động công bố lịch tuyển sinh bổ sung trước 15 ngày so với ngày xét tuyển). Từ tháng 9 đến tháng 12/2021, xét tuyển các đợt tiếp theo và cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.