Phương thức tuyển sinh của Trường Đại học Cần Thơ
Các phương thức tuyển sinh của trường cụ thể như sau:
* Phương thức 1: Tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển
Trường Đại học Cần Thơ tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào đại học chính quy các đối tượng được quy định tại Quy chế tuyển sinh trình độ đại học của Bộ GD&ĐT.
* Phương thức 2: Xét tuyển điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (tối thiểu 60% tổng chỉ tiêu của ngành)
Xét tuyển dựa vào điểm của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo tổ hợp 3 môn thi ứng với ngành do thí sinh đăng ký. Đối với ngành Giáo dục Thể chất ngoài 2 môn thi văn hóa trong tổ hợp, thí sinh phải đăng ký dự thi môn Năng khiếu TDTT do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức.
Đối với phương thức này Trường không:
- Không sử dụng điểm bảo lưu Kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2021 về trước.
- Không sử dụng điểm miễn môn ngoại ngữ; không nhân hệ số môn thi.
- Không xét học lực, hạnh kiểm THPT (kể cả các ngành đào tạo giáo viên).
Điều kiện ĐKXT: Thí sinh đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2022 do Trường Đại học Cần Thơ xác định và công bố sau khi có kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và không có môn nào từ 1,0 điểm trở xuống (thang điểm 10). Ngoài ra, đối với ngành Giáo dục thể chất, môn Năng khiếu TDTT phải đạt từ 5,0 điểm trở lên (thang điểm 10).
Điểm xét tuyển: là tổng điểm các môn thi (thang điểm 10) của tổ hợp xét tuyển ứng với ngành do thí sinh đăng ký; cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực (Điều 7 của Quy chế tuyển sinh) và được làm tròn đến hai chữ số thập phân. Không nhân hệ số môn thi.
* Phương thức 3: Xét tuyển điểm học bạ THPT (tối đa 40% chỉ tiêu của ngành tương ứng)
Xét tuyển dựa vào Điểm trung bình môn 5 học kỳ (5 học kỳ: các học kỳ lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển ứng với ngành do thí sinh đăng ký. Điểm mỗi môn (gọi là Điểm M) để tính điểm xét tuyển được tính bằng trung bình cộng của điểm trung bình môn trong 5 học kỳ (làm tròn đến hai chữ số thập phân), công thức tính Điểm M như sau:
Điều kiện ĐKXT: Tổng điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển ứng với ngành do thí sinh đăng ký từ 19,50 điểm trở lên (không cộng điểm ưu tiên). Công thức như sau: Tổng điểm 3 môn = Điểm M1 + Điểm M2 + Điểm M3 ≥ 19,50 (Không xét học lực, hạnh kiểm)
Điểm xét tuyển là tổng điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển, cộng với điểm ưu tiên (đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên quy định của Quy chế tuyển sinh). Không nhân hệ số và tính theo công thức: ĐXT = (Điểm M1 + Điểm M2 + Điểm M3) + Điểm ưu tiên
* Phương thức 4: Xét tuyển vào ngành Sư phạm bằng điểm học bạ THPT (tối đa 40% chỉ tiêu của 13 ngành đào tạo giáo viên tương ứng)
Xét tuyển dựa vào Điểm trung bình môn 6 học kỳ của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển ứng với ngành do thí sinh đăng ký. Điểm mỗi môn (gọi là Điểm M) để tính điểm xét tuyển được tính bằng trung bình cộng của điểm trung bình môn trong 6 học kỳ (làm tròn đến hai chữ số thập phân), công thức tính Điểm M như sau:
Riêng ngành Giáo dục thể chất, thí sinh phải dự thi môn Năng khiếu TDTT do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức thi để lấy điểm (thời gian thi thông báo sau).
Thí sinh đạt điều kiện dưới đây được đăng ký xét tuyển
- Đối với ngành Giáo dục thể chất: Học lực cả năm lớp 12 được xếp loại khá trở lên; Những trường hợp sau đây chỉ yêu cầu học lực cả năm lớp 12 xếp loại trung bình trở lên:
+ Thí sinh là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đã từng đoạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia và quốc tế.
+ Thí sinh có điểm thi môn Năng khiếu TDTT (do Trường ĐHCT tổ chức thi) từ 9,0 trở lên (theo thang điểm 10).
- Đối với những ngành sư phạm khác: Học lực cả năm lớp 12 được xếp loại GIỎI.
Điểm xét tuyển là tổng điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển, cộng với điểm ưu tiên (đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên theo quy định của Quy chế tuyển sinh). Không nhân hệ số và tính theo công thức: ĐXT = (ĐiểmM1 + ĐiểmM2 + ĐiểmM3) + Điểm ưu tiên.
* Phương thức 5: Tuyển chọn vào chương trình tiên tiến và chất lượng cao
Tuyển chọn thí sinh trúng tuyển và nhập học vào Trường ĐHCT năm 2022 có nhu cầu chuyển sang học ngành thuộc chương trình tiên tiến hoặc chương trình chất lượng cao.
Đối tượng xét tuyển là thí sinh trúng tuyển đại học chính quy năm 2022 bất kỳ ngành nào theo phương thức 1, 2 và 3.
* Phương thức 6: Xét tuyển thẳng vào học Bồi dưỡng kiến thức
Đối tượng xét tuyển là:
- Thí sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người: Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ.
- Thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo (học sinh học phổ thông dân tộc nội trú tính theo hộ khẩu thường trú), tính đến ngày nộp hồ sơ ĐKXT theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo và Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 07 tháng 03 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018-2020; thí sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ.
Thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2022 và thuộc một trong những đối tượng nói trên được tuyển thẳng vào học bổ sung kiến thức một năm trước khi vào đại học chính quy.
Lưu ý khi chọn phương án xét tuyển
- Mỗi phương thức có quy định về điều kiện và đối tượng khác nhau, nên Trường xét tuyển độc lập từng phương thức; việc xét tuyển phương thức này không ảnh hưởng đến phương thức khác; điểm chuẩn trúng tuyển của phương thức này không là điểm trúng tuyển của phương thức khác.
- Mỗi thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển vào Trường bằng nhiều phương thức khác nhau, mỗi phương thức nộp 01 bộ hồ sơ riêng. Trường hợp đăng ký nhiều phương thức:
+ Thứ tự ưu tiên của nguyện vọng trong phương thức nào thì chỉ có giá trị trong phương thức đó.
+ khi trúng tuyển và xác nhận nhập học trước khi phương thức 2 công bố kết quả thì thí sinh không được xét tuyển theo phương thức 2 nữa; ngược lại, nếu không trúng tuyển hoặc chưa xác nhận nhập học thì vẫn được xét tuyển ở phương thức 2.
- Nếu một phương thức có nhiều đợt xét tuyển thì điểm trúng tuyển của đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển của đợt xét tuyển trước.
Trường Đại học Cần Thơ là cơ sở đào tạo đại học và sau đại học trọng điểm của Nhà nước ở ĐBSCL, là trung tâm văn hóa - khoa học kỹ thuật của vùng. Hiện nay Trường đào tạo 91 chuyên ngành đại học (trong đó có 2 chương trình đào tạo tiên tiến, 8 chương trình đào tạo chất lượng cao), 51 chuyên ngành cao học (trong đó 1 ngành liên kết với nước ngoài, 3 ngành đào tạo bằng tiếng Anh), 19 chuyên ngành nghiên cứu sinh.
Nhiệm vụ chính của Trường là đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Song song với công tác đào tạo, Đại học Cần Thơ đã tham gia tích cực các chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật nhằm giải quyết các vấn đề về khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hoá và xã hội của vùng.