Tiền tệ hàng hóa đạt mức cao, Đô la Mỹ giảm

(VOH) - Các loại tiền tệ hàng hóa đứng gần mức cao nhất trong nhiều tháng vào thứ Năm 21/10 do giá nguyên liệu thô tăng mạnh.

Trong khi tâm lý thị trường được cải thiện, ảnh hưởng đến nhu cầu đối với đồng Đô la Mỹ, gần đây đã được hỗ trợ bởi kỳ vọng của Cục Dự trữ Liên bang giảm dần chính sách hỗ trợ.

Đồng Bảng Anh cũng tăng cao khi có nhận định vững chắc rằng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ tăng lãi suất ngay trong tháng tới để kiềm chế lạm phát, bất chấp dữ liệu giá cả của Anh vào thứ Tư yếu hơn dự kiến.

Yukio Ishizuki, chiến lược gia cấp cao của Daiwa Securities, cho biết: “Có vẻ gần như chắc chắn BoE sẽ tăng lãi suất vào tháng 11, có lẽ một lần nữa vào tháng 12, vì lạm phát có thể vượt khỏi tầm kiểm soát do thiếu hụt lao động trầm trọng”.

Và trên toàn cầu, chúng ta có khả năng chứng kiến việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát ở nhiều quốc gia, có nghĩa là đồng Đô la Mỹ ít nổi bật hơn so với trước đây, khi bàn về kỳ vọng tăng lãi suất.”

Tiền tệ hàng hóa đạt mức cao của nhiều tháng, Đô la Mỹ giảm 1
Các loại tiền tệ gắn với hàng hóa đang trong đà tăng cao so với USD. Ảnh minh họa: Reuters

Chỉ số Đô la Mỹ đã giảm 0,10% xuống 93,514, trên mức thấp của 3 tháng là 93,501, ghi nhận hôm thứ Ba. Chỉ số này đã giảm 1,1% từ mốc đỉnh của 15 tháng vào tuần trước. Kỳ vọng rằng Fed có thể sớm rút lại các biện pháp kích thích trong thời kỳ đại dịch, củng cố đồng USD trong những tháng gần đây.

Các loại tiền tệ hàng hóa đã vượt lên đồng Đô la khi giá dầu chạm ngưỡng cao nhất trong nhiều năm.

Trong khi đó, Đô la Canada tăng 0,2%, lên mức 1 USD đổi 1,2295 C$, đạt mức cao mới kể từ lần cuối chạm tới vào cuối tháng 6, nhờ dữ liệu lạm phát của Canada cao hơn dự kiến.

Đồng Đô la Úc cũng kéo dài chu kỳ tăng giá để đạt mức cao nhất trong 3,5 tháng là 0,7545 USD, trong khi Đô la New Zealand đạt mức cao nhất trong 4 tháng là 0,7212 USD.

Teppei Ino, chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại Ngân hàng MUFG cho biết: “Với sự gia tăng mạnh mẽ của giá hàng hóa, các loại tiền tệ liên quan đến hàng hóa sẽ được hưởng một làn gió thuận lợi.”

Giá dầu đã được hỗ trợ bởi nhu cầu mạnh khi các quốc gia bắt đầu mở cửa kinh tế trở lại, trong khi cuộc khủng hoảng than và khí đốt trên toàn cầu không có dấu hiệu giảm bớt. Dự trữ dầu thô và nhiên liệu của Mỹ đã phải siết chặt mạnh mẽ.

Giá dầu thô Brent giao sau đạt mức cao nhất kể từ năm 2018, trong khi giá dầu thô giao sau của Mỹ ở mức cao nhất kể từ năm 2014.

Đồng Bảng Anh đứng ở mức 1,3828 USD, chỉ kém mức cao nhất hôm thứ Ba là 1,3834 USD (mức cao nhất trong hơn một tháng).

So với Euro, Bảng Anh đã ở gần mức cao nhất kể từ tháng 2/2021, với 84,26 pence/euro.

Đồng tiền của UK giữ động lực nhờ vào sự gia tăng kỳ vọng cho một đợt tăng lãi suất của Ngân hàng trung ương Anh.

Đêm qua 20/10, tỷ lệ đặt cược cho một đợt tăng 0,25% lãi suất vào ngày 4/11, đã lên 80%.

Kyosuke Suzuki, chủ tịch công ty Financial algotech tại Ryobi Systems, cho biết: “Có vẻ như BoE đang tước đi sự chú ý từ Fed vì họ có vẻ sẽ tăng lãi suất trước Fed”.

Ông nói thêm: “Điều gì có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi, đó là nếu Fed cũng bắt đầu tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.”

Cục dự trữ liên bang dự kiến sẽ thông báo việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu tại cuộc họp chính sách vào đầu tháng 11, nhưng cũng được đoán rằng sẽ tạm thời hoãn kế hoạch cho các đợt tăng lãi suất trong tương lai.

Thị trường tiền tệ đang đặt cược cho một đợt tăng lãi suất ở Mỹ vào năm 2022, sau khi Fed được dự kiến kết thúc tiến trình cắt giảm vào giữa năm 2022.

Đồng Euro vững chắc ở mức 1,1664 USD, duy trì gần mức đỉnh của ba tuần 1,1670 USD của hôm thứ Ba.

Tâm lý ưa rủi ro tích cực đè nặng lên đồng Yên Nhật, thường được xem như tiền tệ trú ẩn an toàn.

Đô la Mỹ đứng ở mức 114,39 yên, gần mức cao nhất trong 4 năm của ngày thứ Tư là 114,695 yên.

Đồng Yên bị sụt giảm do dự báo rằng thâm hụt thương mại có thể tăng lên khi giá dầu tăng cao làm tăng giá trị các hóa đơn nhập khẩu trong khi xuất khẩu ô tô của Nhật bị cản trở bởi tình trạng thiếu chip.

Bình luận