Bỏ hộ khẩu thường trú trong tuyển dụng công chức, viên chức: TPHCM thực hiện từ 1/11/2017

(VOH) - UBND TPHCM vừa có quyết định về việc bãi bỏ văn bản liên quan đến hộ khẩu thường trú trong tuyển dụng công chức, viên chức.

Theo đó, TP.HCM hủy bỏ yêu cầu “bản sao hộ khẩu thường trú tại TPHCM” trong hồ sơ tuyển dụng viên chức. Ngoài ra, UBND TPHCM cũng hủy bỏ điều kiện “có hộ khẩu thường trú tại TPHCM” khi tuyển dụng công chức. Các quy định này bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay, 01/11. Xung quanh vấn đề này, VOH phỏng vấn với ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Thường trực Sở Nội vụ TP.

TP.HCM chính thức bãi bỏ hộ khẩu thường trú trong tuyển dụng công chức, viên chức - Ảnh minh họa: motthegioi

VOH: Thưa ông, quyết định của UBND TPHCM về việc bãi bỏ văn bản liên quan đến hộ khẩu thường trú trong tuyển dụng công chức, viên chức nhận được nhiều đánh giá tích cực? Quan điểm của ông như thế nào về hiệu ứng này? 

Ông Lê Hoài Trung: Việc tuyển dụng công chức viên chức là theo quy định của Luật Cán bộ công chức, Luật viên chức và các Nghị định của Chính phủ. Trong thời gian vừa qua, TPHCM có quy định điều kiện về hộ khẩu trong tuyển dụng công chức viên chức bởi vì các nguồn lực đã được đào tạo tại TPHCM rất lớn. Những ứng viên có hộ khẩu thường trú tại TP có nhiều điều kiện thuận lợi, ví dụ như nơi ăn, ở, học hành, tiếp cận được với thực tiễn cuộc sống, tình hình kinh tế văn hóa xã hội của địa phương thì sẽ được thuận lợi hơn khi mà người đó được tuyển dụng vào cơ quan hành chính Nhà nước.

Điều quan trọng nhất chính là bằng cấp, ngành nghề được đào tạo phù hợp với vị trí cần tuyển, về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, cũng như là những kiến thức hiểu biết về TPHCM. Đây là những yếu tố quan trọng nhất, còn hộ khẩu chỉ là một trong các yếu tố. Cho nên việc bỏ hộ khẩu chỉ nói lên một điều là: Chấp hành các quy định pháp luật.

VOH: Việc bãi bỏ văn bản liên quan đến hộ khẩu thường trú trong tuyển dụng công chức, viên chức sẽ được thực hiện theo lộ trình nào, kế hoạch cụ thể ra sao, thưa ông?

Ông Lê Hoài Trung: Theo quy định là bắt đầu từ 01/11/2017 trở đi là sẽ được thông báo rộng rãi trong các kế hoạch tuyển dụng công chức viên chức. Hiện nay chúng tôi cũng đang chuẩn bị để triển khai kế hoạch thi tuyển cạnh tranh, công khai minh bạch đối với công chức của năm 2017 theo nhu cầu của các Sở ngành, quận, huyện, phường, xã. Và các đơn vị sẽ tuyển dụng, xét tuyển viên chức ở các đơn vị sự nghiệp công lập từ nay cho đến những năm tiếp theo.

VOH – Khi bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng thì những lợi ích, hiệu quả có thể thấy được là những gì, thưa ông? Đặc biệt theo ông điều này có ý nghĩa như thế nào trong vấn đề thu hút nhân tài làm việc và cống hiến cho Thành phố?

Ông Lê Hoài Trung: Trước hết là thể hiện thái độ của lãnh đạo TPHCM là chấp hành quy định của pháp luật. Còn lợi ích khi mà tuyển dụng nhân sự cho nhu cầu ở các cơ quan, đơn vị thì chúng tôi chưa có thực tiễn vì hiện nay chưa tổ chức lần nào đối với những người ở các địa phương khác tham gia ứng viên để tuyển dụng ở TP.

Theo tôi dự báo là bất lợi nhiều hơn cho cơ quan Nhà nước và cho cả ứng viên. Còn việc thuận lợi thì điều này chưa thấy rõ. Ví dụ, người ứng viên ở các tỉnh thi tuyển vào công chức ở TPHCM khi họ trúng tuyển thì họ ở đâu, đi lại thế nào, họ có hiểu biết gì về truyền thống, lịch sử, văn hóa, tổ chức bộ máy hành chính và người dân của TP là như thế nào. Thì điều đó trước hết gây bất lợi, rất khó khăn cho ứng viên đó.

Thứ hai, ở TPHCM hay các tỉnh thì các trường đào tạo, tốt nghiệp Đại học ở một ngành nghề, lĩnh vực nào đó thì chắc cũng giống nhau, chứ không thể bỏ hộ khẩu mà có người tài hơn; Vì trải qua một kỳ thi công khai, minh bạch, cạnh tranh, người nào có điểm cao nhất, người đó sẽ đậu, không phân biệt hộ khẩu là ở đâu. Chưa biết người được trúng tuyển đó hộ khẩu ở đâu thì không thể nói là khi tuyển mà bỏ hộ khẩu sẽ tuyển được nhiều người tài hơn, chưa có con số để nói lên điều này. Như vậy, khi không đặt vấn đề về hộ khẩu trong tuyển dụng công chức viên chức thì sắp tới như thế nào thì sẽ có một con số cụ thể.

VOH:  Có một thực tế là khi còn yêu cầu tiêu chí hộ khẩu, việc cạnh tranh trong tuyển dụng cũng rất cao. Nếu mở rộng ra thì cũng kéo theo nhiều vấn đế khó khăn, chúng ta có dự báo và giải pháp cho việc này ra sao, thưa ông?

Ông Lê Hoài Trung: Hiện nay chúng tôi cũng chưa có con số các ứng viên đăng ký. Khuynh hướng chung của TPHCM hiện nay là giảm biên chế theo chủ trương chung của Trung ương. Do vậy, trong thời gian vừa qua, tỷ lệ chọi trong cạnh tranh tuyển dụng công chức bình quân là 1 chọi 3. Còn nếu không tính theo hộ khẩu sẽ như thế nào? Thì đến giờ này chúng tôi cũng chưa có con số. Nhưng dự báo rằng, tỷ lệ chọi sẽ cao hơn nhiều.

Tôi có tham khảo ở các tỉnh bạn, thì các tỉnh bạn nói rằng cũng không thấy người ở hộ khẩu tỉnh  nào khác để đăng ký dự tuyển vào ở tỉnh  đó. Bởi vì hiện nay, nguồn lực ở các tỉnh , từng tỉnh  người ta cũng đảm bảo nhu cầu tại chỗ. Cho nên việc ở địa phương khác đăng ký vào làm việc ở cơ quan hành chính Nhà nước hay đơn vị sự nghiệp thì cũng chưa biết điều gì sẽ xảy ra, bởi vì TP chưa có thực tiễn.

Ngoài ra, đối với việc tuyển dụng viên chức ở các đơn vị trường công lập theo luật viên chức thì phải nói rằng Luật cho phép người có 2 quốc tịch vẫn có thể tham gia dự tuyển. Như vậy có nghĩa rằng, người ở nước ngoài cũng có thể tham gia làm giáo viên, bác sĩ ở tại TPHCM.

Theo đó, việc quản lý, hiểu được con người đó về lịch sử, chính trị trong công chức, bộ máy hành chính Nhà nước là điều rất khó khăn cho các cơ quan tuyển dụng. Khó khăn thứ 2 đối với lĩnh vực viên chức là hiện nay tình trạng các trường đại học như ngành Y, ngành Sư phạm… thì các sinh viên học xong không về nơi cư trú mà lại tạm trú và xin việc, hợp đồng ở các bệnh viện, trường học tại TPHCM. Điều đó có nghĩa là nhân lực ở các tỉnh sẽ thiếu, bệnh viện, trường học không có người, và áp lực chữa bệnh, học hành ở các địa phương ở các tỉnh  sẽ gia tăng nhanh chóng ở TPHCM trong thời gian tới. Điều này sẽ dẫn tới khó khăn cho các địa phương ở các tỉnh, cũng như gây khó khăn kho TPHCM trong những năm tới.

VOH: Theo góc nhìn của ông, khi TPHCM thực sự bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng sắp tới thì có đảm bảo rằng những người không có hộ khẩu sẽ được tuyển dụng một cách công bằng không, thưa ông?

Ông Lê Hoài Trung: Chúng tôi trong nhiều năm qua đã tổ chức thi tuyển đúng luật, chưa có tình trạng nào khiếu nại. Bởi vì ứng viên khi đăng ký đủ điều kiện là sẽ được tham dự kỳ thi. Trước hết thí sinh đó phải trực tiếp làm bài thi 3 môn trắc nghiệm trên máy tính và sau khi làm bài, thí sinh in ra có kết quả ngay, dưới 50 điểm thì thí sinh đó thông thường là sẽ không thi tiếp, bởi vì  không đạt yêu cầu. Cho nên việc máy chấm thì không ai can thiệp được.

Còn 02 bài viết về kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành, chúng tôi tổ chức y như kỳ thi tuyển Quốc gia, đề thi được bảo mật, nhân bản đề thi được bảo mật và kiểm soát chặt chẽ. Thí sinh làm bài thi xong được rọc phách và có Ban Chấm thi sẽ chấm tại phòng thi một cách nghiêm ngặt, có sự giám sát của thanh tra.

Và sau khi chấm xong, ráp phách, ra kết quả điểm và công bố, sau đó tính theo hệ số. Người nào được điểm cao nhất người đó được đậu. Toàn bộ quy trình đó đều được kiểm soát chặt chẽ và công khai, không có một sự sai sót nào trong quá trình tổ chức. Cho nên các thí sinh cứ yên tâm. Chúng tôi cũng không phân biệt hộ khẩu thường trú hay là hộ khẩu ở nơi khác. Điều đó chúng tôi nghĩ rằng rất công bằng trong thi tuyển.

VOH: Xin cảm ơn ông!