Tiêu điểm: Nhân Humanity

Chuyến thăm thúc đẩy nhiều động lực

(VOH) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kết thúc chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông.

Việc Tổng thống Donald Trump thăm Ấn Độ trong bối cảnh chính trường Mỹ đang bước vào giai đoạn vận động tranh cử quyết liệt cho cuộc bầu cử cuối năm nay, đã là chỉ dấu cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ coi trọng quan hệ với quốc gia Nam Á.

Chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã diễn ra với một quy mô và sự đón tiếp trọng thị chưa từng thấy trong thông lệ ngoại giao thông thường. Chỉ trong 36 giờ có mặt tại Ấn Độ nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân đã trở thành tâm điểm của truyền thông và công chúng khắp thế giới với rất nhiều hoạt động. Tổng thống Mỹ có mặt tại những địa điểm biểu tượng của đất nước Ấn Độ, đồng thời công bố những hợp đồng kinh tế trị giá nhiều tỷ đô la Mỹ. Dường như nước chủ nhà Ấn Độ và thủ tướng Narendra Modi đã rất thành công trong việc tạo ra ấn tượng với nhà lãnh đạo Mỹ và thế giới, đồng thời ghi điểm trong mắt công chúng Ấn Độ.

Ông Trump (phải) đã được chủ nhà Modi chào đón rất nồng hậu. Ảnh: Newsweek

Ông Trump (phải) đã được chủ nhà Modi chào đón rất nồng hậu. Ảnh: Newsweek

Xét về kết quả, chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ cũng có thể nói là một thành công, trong bối cảnh Mỹ và Ấn Độ có những khác biệt về thương mại thời gian qua. Trước hết, Tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng chủ nhà Narendra Modi quyết định nâng cấp quan hệ đối tác giữa hai nước lên mức độ mới, với tên gọi Đối tác toàn diện toàn cầu, hàm ý sự hợp tác giữa hai nước không chỉ dựa trên mức độ Chính phủ mà còn trên nền tảng nhân dân hai nước. Gây ấn tượng lớn nhất trong chuyến đi lần này phải kể tới hợp đồng mua trang thiết bị quân sự với trị giá lên tới 3 tỷ USD, khi Ấn Độ đặt mua các máy bay trực thăng tấn công Apache và MH-60 Romeo từ các nhà sản xuất Mỹ. 3 bản ghi nhớ cũng được hai nước ký trong lần này, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Hai nước cũng nhất trí tạm dừng các biện pháp trả đũa thuế quan và khởi động giai đoạn đầu đàm phán về một hiệp định thương mại song phương. Đây sẽ là cơ sở để giải quyết những tranh cãi thương mại và trả đũa qua lại giữa Mỹ và Ấn Độ.

Hai nhà lãnh đạo cũng đã dành tổng cộng 5 giờ trong suốt 2 ngày của chuyến thăm cho các cuộc trao đổi được đánh giá là hết sức toàn diện và cực kỳ thân mật, đề cập đến vấn đề an ninh và quốc phòng, năng lượng, công nghệ và thương mại, giao lưu nhân dân cũng như các vấn đề khu vực và toàn cầu. Trong tuyên bố chung, Thủ tướng Modi và Tổng thống Trump cam kết tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện Ấn Độ-Mỹ, dựa trên sự tin cậy lẫn nhau, những lợi ích chung, thiện chí và sự tham gia mạnh mẽ của người dân hai nước. Tuyên bố cũng cho hay Thủ tướng Modi và Tổng thống Trump quyết định tăng cường tham vấn thông qua hội nghị thượng đỉnh ba bên Ấn Độ-Mỹ-Nhật Bản; Cơ chế họp 2+2 giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước; và tham vấn tứ giác Ấn Độ-Mỹ-Australia-Nhật Bản, cùng những biện pháp khác.

Tại cuộc họp báo chung, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã mô tả mối quan hệ Ấn Độ-Mỹ là mối quan hệ đối tác quan trọng nhất của thế kỷ 21. Ông cũng khẳng định sự hợp tác quốc phòng và an ninh ngày càng tăng giữa Ấn Độ và Mỹ là một khía cạnh rất quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược song phương. Hợp tác về các thiết bị và nền tảng quốc phòng hiện đại sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của Ấn Độ.

Đây là chuyến thăm Ấn Độ thứ tám của một tổng thống đương nhiệm Mỹ. Nó cho thấy sức nặng của quốc gia Nam Á trong chiến lược lâu dài của Washington, đồng thời nêu bật những nỗ lực vun đắp quan hệ song phương của lãnh đạo hai nước, để mối quan hệ này vượt sóng gió, trở nên vững bền qua thời gian. Tất nhiên, chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Ấn Độ khác với những lần trước theo nhiều cách, mà đáng chú ý nhất là sự kiện “Namaste Trump” tại một sân vận động khổng lồ với 125.000 người tham gia ở Gujarat. Các phát biểu của ông Trump tại đây được tán dương, khác hẳn với những tranh cãi thị phi mà người ta vẫn thường thấy khi ông chủ Nhà Trắng có mặt ở những nơi khác trên thế giới.

Tổng thống Trump đã gọi Thủ tướng Narendra Modi, vị lãnh đạo mà ông đã gặp 5 lần trong 8 tháng qua, là "người bạn đích thực", trong khi khẳng định Mỹ sẽ luôn là "người bạn trung thành" với nhân dân Ấn Độ. Tổng thống Trump đến Ấn Độ trong năm bầu cử Tổng thống Mỹ, bằng việc phát biểu trước những đám đông lớn như ở sự kiện “Namaste Trump”, có thể nói ông chủ Nhà Trắng hy vọng qua đó có thể "lấy lòng" cộng đồng người Mỹ gốc Ấn vốn có truyền thống ủng hộ đảng Dân chủ. Ở Ấn Độ cũng vậy, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng khi các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy người dân Ấn Độ dành nhiều thiện cảm cho nước Mỹ và Tổng thống Trump.

Trên bình diện kinh tế, thương mại hàng hóa và dịch vụ hai chiều đã tăng lên. Ấn Độ nay là đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ và Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Đặc biệt, thương mại năng lượng đã "cất cánh". Số lượng sinh viên Ấn Độ ở Mỹ và số lượng các công ty Mỹ hoạt động ở Ấn Độ không ngừng tăng. Đối với hầu hết các "đại gia" công nghệ có trụ sở tại Mỹ, Ấn Độ hiện là một trong 3 cơ sở khách hàng hàng đầu của họ. Trong khi đó, các công ty Ấn Độ đang đầu tư mạnh vào Mỹ. Người Ấn Độ đã thành lập số lượng lớn nhất các công ty khởi nghiệp tỷ đô ở Mỹ do người nhập cư lập nên.

Mặc dù vẫn tồn tại những bất đồng, như giữa bất kỳ hai quốc gia nào khác, Ấn Độ và Mỹ đã nỗ lực để tạo đồng thuận. Người ta đã không còn quá lo lắng việc Mỹ trừng phạt Ấn Độ do mua khí tài của Nga, dù tình hình trở nên phức tạp sau thương vụ Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tương tự. Những hậu quả của căng thẳng Mỹ-Iran leo thang đã được quản lý, với việc Ấn Độ được dành thời gian và không gian để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, trong khi được miễn trừ các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan dự án cảng Chabahar, Iran. Nhiều khác biệt lớn về thương mại đã được thu hẹp, bao gồm cả về nông nghiệp và y tế, mặc dù các điểm ma sát mới đã phát sinh liên quan đến thanh toán kỹ thuật số, nội địa hóa dữ liệu và thương mại điện tử. Tại Afghanistan, Ấn Độ đã ủng hộ những nỗ lực tăng cường phối hợp giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump và chính phủ ở Kabul khi cả hai đàm phán với Taliban.

Cho dù Tổng thống Trump có tái đắc cử vào tháng 11 tới hay không, chắc chắn hai bên vẫn sẽ tiếp tục phát huy những tiến bộ và thành quả này trong quan hệ song phương. Một ưu tiên trong phát triển quan hệ Mỹ-Ấn Độ sẽ là hoàn tất thỏa thuận thương mại, giúp chấm dứt việc áp dụng thuế quan và tranh chấp thương mại kéo dài.

Có thể nói mối quan hệ Mỹ-Ấn Độ đã thể hiện được sự bền vững giữa những biến cố lớn trên chính trường thế giới. Ý nghĩa lớn nhất qua chuyến thăm của Tổng thống Trump có lẽ là một tín hiệu cho thấy xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục. Với những nội dung trong tuyên bố chung đề cập nhiều vấn đề thực chất, phản ánh tầm vóc của một cặp quan hệ nước lớn, chuyến thăm của ông Trump đã phát đi một thông điệp rõ ràng về sự hội tụ ngày càng lớn các lợi ích chung thực chất của Mỹ và Ấn Độ trong những diễn biến địa-chính trị quan trọng ở khu vực và xa hơn.

Tình hình Covid-19 thế giới: Hà Lan có ca nhiễm đầu tiên, số ca nhiễm tại Hàn Quốc vượt 2.000 người - Tối 27/2, Bộ trưởng Y tế Hà Lan Bruno Bruins cho biết, trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên ở nước này được phát hiện tại thành phố Tilburg.
Phó tổng thống Iran dương tính với Covid-19 - Phó tổng thống Iran - bà Masoumeh Ebtekar có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới (Covid-19).             
Bình luận