Giảm nghèo không chỉ là vấn đề nghèo thu nhập

(VOH) - Công tác giảm nghèo trên địa bàn TPHCM giai đoạn trước từng 7 lần nâng chuẩn thu nhập và đều hoàn thành sớm các cột mốc này. Tuy nhiên, từ năm 2009, Chính quyền TP đã xác định chuẩn nghèo theo tiêu chí thu nhập bình quân đầu người phát sinh bất cập, chưa phù hợp với mức sống và điều kiện sống thực tế dẫn đến tình trạng nhận diện nghèo và phân loại đối tượng nghèo chưa chính xác, không đáp ứng được mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Có không ít gia đình do quá nghèo, con cái không được đi học mà ở nhà đi làm phụ giúp bố mẹ (Ảnh minh họa: LH)

Do vậy mà liên tục trong khoảng 8 năm trở lại đây, TP từng bước nghiên cứu, tiếp cận, triển khai thí điểm, xây dựng tiêu chí và áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều. Theo đó, năm chiều nghèo là các dịch vụ xã hội cơ bản gồm giáo dục và đào tạo; y tế; việc làm; bảo hiểm xã hội, điều kiện sống; và tiếp cận thông tin, với 11 chỉ số đo lường, tổng là 100 điểm.

Trên thực tế, công tác giảm nghèo giai đoạn trước đây dù chỉ chọn mức thu nhập làm thước đo nhưng chính sách hỗ trợ cũng chăm lo đầy đủ các mặt y tế, nhà ở, vay vốn, đào tạo và việc làm. Với giai đoạn mới, tiêu chí thu nhập sẽ “lồng ghép” vào 5 chiều nghèo xã hội. Nói cách khác, hộ nghèo được nhận diện, đánh giá đầy đủ, chính xác hơn qua các chiều nghèo xã hội dựa trên nền tảng mức thu nhập ổn định.

Cộng đồng quốc tế cùng các chuyên gia hàng đầu và đặc biệt là Quốc hội cũng như Chính phủ đang ủng hộ tích cực cho sự thay đổi này.

Trên thực tế, từ những “bước đi” đầu tiên vào năm 2009, TP đã được Chương trình phát triển của Liên hợp quốc UNDP cùng Quốc hội, rồi Chính phủ hỗ trợ, theo dõi sát sao. Điểm mấu chốt ở quá trình thay đổi này chính là cách tiếp cận mục tiêu giảm nghèo, với “thước đo” toàn diện, đầy đủ hơn về điều kiện sống từng hộ dân.

Mặt khác, cách tiếp cận như vậy được kỳ vọng sẽ “nâng tầm” Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn TP – trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

Người nghèo luôn là đối tượng yếu thế, dễ tổn thương nhất trong xã hội bởi cuộc sống của họ nằm ngay lằn ranh mong manh giữa nghèo khó và phạm pháp. Brazil hay Mexico trước đây từng có xuất phát điểm tương tự như Việt Nam, nay đã đạt nhiều thành tựu trong công tác giảm nghèo theo phương pháp đo lường nghèo đa chiều. Trong đó, chính từ các giải pháp hỗ trợ nâng cao đời sống người nghèo đã tác động trực tiếp đến việc kéo giảm tỉ lệ tội phạm, nâng cao mặt bằng thu nhập xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Như vậy, điều cần làm vào lúc này là làm sao để người dân, đặc biệt đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo có thể biết được và tiếp cận được chính sách giảm nghèo giai đoạn mới. Trên hết, người dân cần thay đổi nhận thức về tiêu chí giảm nghèo không chỉ còn riêng vấn đề thu nhập.

Bất kỳ hộ gia đình nào, dù có lao động thu nhập ổn định nhưng bất ngờ có người thân bị bệnh nặng, hoặc tệ hơn chính người đang có việc làm đổ bệnh mà không có bảo hiểm y tế; hay trong nhà không có bất kỳ thiết bị truyền thông nào để theo dõi, cập nhật tin tức; hay có con em ở độ tuổi đi học nhưng lại không đến trường hay thiếu các khoản học bổng để theo đuổi việc học. Tất cả các trường hợp dẫn chứng nêu trên đều có thể dẫn đến hệ quả giảm nghèo thiếu bền vững, bất chấp hộ gia đình có nguồn thu nhập ổn định.

Trong xu thế hội nhập hiện nay, TPHCM được đặt vào một guồng quay lớn hơn, với một nhịp độ phát triển cao hơn thì một cách tiếp cận mới, thiết thực hơn trong công tác giảm nghèo trở thành điều tất yếu. Tiêu chí thu nhập giờ đây vẫn đóng vai trò nền tảng nhưng bắt buộc kèm theo đó là vấn đề giáo dục và đào tạo; y tế; việc làm; bảo hiểm xã hội, điều kiện sống và tiếp cận thông tin.

Những “chiều nghèo” này không chỉ đơn thuần là tiêu chí của Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, mà còn là hình ảnh tựu chung về một cuộc sống ấm no cho mỗi hộ dân đang được Đảng bộ - Chính quyền TP nỗ lực, quyết tâm cụ thể hoá.

Bình luận