Dư luận quốc tế ngay lập tức đã lên án động thái này đồng thời cho rằng hành động của Thổ Nhĩ Kỳ có thể khơi mào cho một cuộc chiến tranh Trung Đông mới.
Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter hôm 9/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan viết: "Các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ và liên minh Quân đội Quốc gia Syria đã bắt đầu Chiến dịch Hòa bình mùa xuân ở miền Bắc Syria". Điều này đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ chính thức tấn công vào lãnh thổ Syria, bất chấp sự phản đối của Syria và dư luận quốc tế.
Đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện ở thành phố Kilis, gần biên giới với Syria, ngày 9/10. Ảnh: Reuters.
Quyết định này đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút quân khỏi một số vị trí then chốt dọc biên giới miền Bắc Syria đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách của Washington đối với Syria. Tuyên bố của Tổng thống Trump rút lực lượng Mỹ khỏi Đông Bắc Syria, dù khá bất ngờ, song vẫn được hiểu là bước đi nhằm thực hiện cam kết tranh cử của ông năm 2016, rằng sẽ đưa nước Mỹ thoát khỏi tình cảnh sa lầy trong những cuộc chiến hao người tốn của. Bởi vậy, tuyên bố rút quân này chính là một động thái “dọn đường” chuẩn bị cho tiến trình của Tổng thống Trump hướng tới cuộc bầu cử năm 2020.
Sau khi tuyên bố đánh bại tổ chức "Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Trung Đông, Mỹ đã từng bước điều chỉnh chính sách quân sự tại Syria theo hướng giảm hiện diện quân sự của Washington. Hồi tháng 12/2018, Tổng thống Trump tuyên bố kế hoạch rút toàn bộ lực lượng Mỹ khoảng 2.000 binh sĩ tại Syria. Khi đưa ra quyết định đầy tính toán cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, chủ nhân Nhà Trắng chỉ khẳng định rằng Mỹ đã thất bại tại Trung Đông, nơi Washington đã chi đến 2.000 tỉ đô la Mỹ, 7.000 lính đặc nhiệm thiệt mạng và hơn 300.000 nạn nhân là thường dân.
Trên thực tế, người Kurd ở miền Bắc Syria và đặc biệt, lực lượng Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) luôn là “cái gai” trong mắt Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi từ lâu, cộng đồng người Cuốc ở Syria, Iraq, Iran và Thổ Nhì Kỳ đã lên tiếng đòi độc lập và thành lập một quốc gia riêng của mình. Trong thế kỷ 20 từng nổ ra bảy cuộc khởi nghĩa giành độc lập của người Kurd. Trong đó, đáng kể nhất là sự ra đời của "nhà nước dân chủ nhân dân Mahabad" (quốc gia của người Kurd) tại khu vực người Cuốc ở Iran vào năm 1946. Tiếp đó là cuộc khởi nghĩa của Mustafa Barzani –lãnh tụ sáng lập cộng đồng người Cuốc ở Iraq hiện nay - vào năm 1962 để phục hồi nhà nước Mahabad tại Iraq. Hai cuộc khởi nghĩa này cũng như mọi nỗ lực độc lập khác của người Kurd đều bị các chính quyền trung ương dìm trong máu.
Năm 1991, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết thiết lập "vùng cấm bay" tại Kurdistan để bảo vệ người Cuốc trước chính quyền Saddam Hussein. Từ đó, người Kurd Iraq thực sự trở thành đồng minh tin cậy của Mỹ. Tuy nhiên, người Cuốc ở Syria lại là đối tượng mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn triệt hạ bởi Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, lực lượng Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd hậu thuẫn cho đảng Công nhân người Cuốc (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ bị chính quyền cấm và phải khống chế được 2 lực lượng này thì mới làm tiêu tan được ý chí của người Cuốc ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq và Iran đấu tranh để thành lập một nhà nước độc lập có chủ quyền và lãnh thổ riêng. Vì thế, trong lịch sử, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng 2 lần đưa quân đội tràn sang Syria để tấn công các lực lượng người Kurd.
Trở lại với những diễn biến tại miền Bắc Syria, theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, tính đến thời điểm này, các cuộc tấn công trong giai đoạn đầu của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các khu vực do lực lượng người Kurd kiểm soát ở Đông Bắc Syria đã khiến ít nhất 15 người, trong đó có 8 dân thường thiệt mạng và hơn 40 người khác bị thương.
Sau khi thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu bằng máy bay chiến đấu và pháo binh, vào cuối ngày 9/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu chuyển sang thực hiện các cuộc tấn công trên bộ. Các mục tiêu bị tấn công tập trung chủ yếu ở những nơi do người Kurd kiểm soát. Các đòn tấn công đã gây ra sự hoảng loạn lớn đối với người dân ở khu vực này.
Nhận định về chiến dịch này của Thổ Nhĩ Kỳ, hãng tin Anh Reuters viết: Chiến dịch quân sự có thể vẽ lại bản đồ của cuộc xung đột Syria một lần nữa, giáng một đòn mạnh vào lực lượng do người Kurd lãnh đạo đồng thời giúp Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ tại biên giới với Syria.
Tờ Washington Examiner nhận định việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Syria sẽ khiến dân thường chết, đồng minh Mỹ sẽ sụp đổ và IS sống lại. Washington Examiner nhận định máu sẽ đổ từ cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó phần lớn sẽ là dân thường, đồng thời chỉ ra một khía cạnh khác, đó là sự trở lại của các tay súng IS khi chúng thoát ra khỏi các nhà tù ở miền Bắc Syria. Trang Vox.com nhận định, cuộc chiến ở Syria sẽ không thể kết thúc sau chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và lo ngại cuộc chiến này sẽ gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo mới tại miền Bắc Syria.
Trước những diễn biến căng thẳng hiện nay, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ dừng ngay các chiến dịch quân sự tấn công người Cuốc ở phía Bắc Syria. Trong một tuyên bố chung phát đi ngày 10/10, 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt các hành động quân sự đơn phương.Bộ Ngoại giao Saudi Arabia tuyên bố chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là "thách thức tới an ninh khu vực" và làm suy giảm các nỗ lực quốc tế trong chống lại Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Với những gì đang diễn ra ở Syria, một cục diện mới phức tạp sẽ định thành thế cờ mới ở Trung Đông, mà ở đó chỉ có dân thường sẽ là người phải chịu thiệt./.