Năng lực chuyển đổi số và chỉ số năng lực cạnh tranh

(VOH) - Đảng bộ - Chính quyền TPHCM nhiều năm qua luôn hết sức chú trọng nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, coi đây như giá trị nền tảng cốt lõi cho phát triển bền vững.

Định hướng này càng đặc biệt phù hợp trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 được dự báo sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp kéo dài. Theo đó, đẩy mạnh cải cách hành chính trên nền tảng chuyển đổi số sẽ đóng vai trò động lực tăng trưởng cho Thành phố ở hiện tại lẫn về lâu dài.

Khi dịch Covid-19 nhanh chóng chuyển biến xấu những tháng đầu năm 2020, Chính quyền TPHCM liên tục có sự điều chỉnh thích nghi bằng việc đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi sang dịch vụ hành chính trực tuyến để hạn chế tập trung đông người. Song song đó là chỉ đạo đồng bộ sở ban ngành chức năng chú trọng đến tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ công chức ở các cấp để đảm bảo giải quyết nhu cầu cho người dân và doanh nghiệp.

Những hành động can thiệp từ cấp chính quyền được cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đánh giá cao bởi tính chủ động, kịp thời và hiệu quả thực tế. Tuy nhiên, tình hình đại dịch Covid-19 càng lúc diễn biến khó lường kéo dài đã nâng tầm thách thức của vấn đề quản lý. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số, quyết liệt cải cách hành chính để tăng chỉ số năng lực cạnh tranh trên thực tế cũng nằm trong chiến lược phát triển dài hạn cho TPHCM.

chuyển đổi số
Người dân, doanh nghiệp tham quan không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số TPHCM (Ảnh: Thành ủy)

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên và tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về giải quyết thủ tục hành chính.

Từ đây đặt ra vấn đề: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, kết nối và vận hành hệ thống này cho công tác quản lý. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi từ việc cải cách hành chính, đổi mới công tác quản trị thành động lực mới cho cạnh tranh và tăng trưởng của Thành phố cũng là một thách thức khác.

Về cơ bản, việc chuyển đổi số mang tính chất giải pháp kỹ thuật nhưng lại có “sứ mệnh” sáng tạo, ứng dụng vào các hoạt động quản trị kinh tế - xã hội, đóng góp vào công tác phòng chống dịch bệnh và giúp Thành phố tránh xa vòng xoáy suy thoái. Theo đó, tại hội thảo nâng cao năng lực chuyển đổi số năm 2021 do UBND TPHCM tổ chức ngày 16/12/2021 vừa qua, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi đã nhấn mạnh yếu tố “con người” sẽ đóng vai trò then chốt, chủ thể của quá trình chuyển đổi số.

Thực tế từ năm 2020, UBND Thành phố đã chủ trương chuyển đổi số với 10 lĩnh vực tập trung gồm y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng và đào tạo nguồn nhân lực. Theo Ngân hàng Thế giới World Bank tại Việt Nam, lĩnh vực mua sắm trực tuyến đã tăng 30% kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Điều này dẫn chứng một cách sinh động xu thế chuyển đổi số sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh chỉ số tăng trưởng ở hầu hết lĩnh vực kinh tế – xã hội trong thời gian tới. Đặc biệt với việc xác định chủ trương sống chung với Covid-19, nhiệm vụ tăng cường số hóa dữ liệu, tái đào tạo đội ngũ nhân lực cũng như tái cấu trúc nền kinh tế trở nên vô cùng cấp bách nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh mới, sức sống mới cho đội ngũ doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Một khi đã nhìn nhận vấn đề theo góc độ như vậy, TPHCM nhanh chóng chuyển đổi trạng thái từ kế hoạch sang hành động. Trước mắt, sở ngành chức năng Thành phố thật sự nỗ lực, quyết tâm cao độ nhằm đảm bảo khâu thủ tục hành chính thông thoáng, nhanh gọn nhưng vẫn phải chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, quy định.

Nói cách khác, lãnh đạo đứng đầu đơn vị cùng đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm việc với doanh nghiệp với thái độ chuyên nghiệp, cầu thị trên nền tảng trực tuyến, số hóa, được hỗ trợ tối đa các giải pháp công nghệ thông tin. Tất cả được thực hiện nhanh, gọn, hiệu quả, chính xác và đúng quy định!

Về lâu dài, lãnh đạo chính quyền Thành phố nhanh chóng giải quyết bài toán xây dựng nguồn cơ sở dữ liệu và cơ chế chia sẻ, sử dụng, khai thác đồng bộ, hiệu quả. Nội dung này cần được hiểu như một “nguồn tài nguyên” trong kỷ nguyên số chứ không chỉ đơn thuần là một giải pháp công nghệ. Quá trình thực hiện cần đúng, nhanh và có tầm nhìn chiến lược dài hạn ngay từ đầu để tránh sự trì trệ, lãng phí thời gian lẫn nguồn lực đầu tư.

TPHCM đóng vai trò đầu tàu nền kinh tế cả nước nên sẽ tiên phong, quyết liệt hơn trong chuyển đổi số. Quan trọng hơn, quá trình này giúp Thành phố không chỉ đứng vững trước đại dịch Covid-19, xu thế bùng nổ công nghệ thông tin hay quá trình hội nhập, mà còn hướng đến gia tăng chỉ số năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.