Nước mắt thương hồ: Luật 'ngầm' bến cảng

(VOH) - Trong thời gian gần đây việc niêm yết giá không còn tác dụng và một “luật ngầm” tại các bến cảng hình thành khiến cho các chủ phương tiện sà lan, tàu khốn đốn.

Ngoài các cụm cảng chính thì TPHCM có hơn 100 các cảng hàng hoá nhỏ khác như: Cảng Long Bình ở Quận 9, Cảng Phú Định ở Quận 8, Cảng Thiềng Liềng, Soài Rạp, các phao tiếp nhận hàng hoá…hàng ngày có hàng trăm chuyến tàu, sà lan lớn nhỏ chở các đủ loại hàng hoá từ các nơi đổ về đây.

Nhiều nhất vẫn là các sà lan hoạt động trong khu vực đường thuỷ nội địa chở hàng xá (hàng không đóng gói), hàng bao (thường là lúa gạo) từ các tỉnh Miền Tây đổ về.

Theo quy định của Cục đường thuỷ nội địa thì giá cước vận chuyển phải được niêm yết công khai để tránh tình trạng nhũng nhiễu loạn giá và nhằm làm giảm ghi phí vận chuyển phát triển đường thuỷ đội địa. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây việc niêm yết giá không còn tác dụng và một “luật ngầm” tại các bến cảng hình thành khiến cho các chủ phương tiện sà lan, tàu khốn đốn.

Anh Nguyễn Văn Lâm, chủ một sà lan tải trọng 700 tấn cho biết, trước đây cước vận tải ở mức 90.000 đồng/tấn, nhưng “bồi dưỡng” cho bốc xếp tại cảng chỉ ở mức 13.000 đồng/tấn, trừ chi phí xăng dầu…thì các chủ sà lan còn sống được, nhưng hiện nay giá cước vận tải đã giảm mà tiền “bồi dưỡng” lại tăng cao. Theo phản ánh của các chủ xà lan thì, mỗi nơi mỗi giá bồi dưỡng khác nhau, chẳng hạn như: tại Cảng Cát lái giá “bồi dưỡng” cho công nhân là 22.000 đồng/tấn, Cảng Hiệp Phước là 26.000 đồng/tấn, Phú Mỹ 27.000 đồng/tấn, Thiềng Liềng 30.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, giá này không phải cố định và cũng không ai quản lý.

Anh Nguyễn Văn Lâm, bức xúc: "Sà lan vào cảng nếu mình không chung chi thì công nhân bốc xếp làm bao bể phải trả về, chừng 20 chục bao coi như lỗ vốn…xong rồi công nhân tự ra thu tiền đầu tấn 26.000, rồi tiền công khoan lấy mẫu, tiền cà phê...Nếu không đưa tiền thì bị hoành hành, bắt nấu cơm…”

Ảnh minh họa.  

Chị Nguyễn Thị Thu Ba, chủ doanh nghiệp vận tải cho biết, mặc dù có hiệp hội vận tải, có hợp tác xã tuy nhiên các đơn vị này cũng không có tiếng nói để bảo vệ người vận tải, tiền chi cho công nhân là do sự vòi vĩnh làm luật riêng tại cảng. Theo các đơn vị vận tải thì tiền chi cho công nhân này một phần sẽ chi lại cho các chủ hàng, vì như vậy thì cảng mới có được thêm đơn hàng, vô tình đẩy giá cước vận tải đường thuỷ nội địa lên cao.

“Thường đi gạo có nhiều cái bất cập lắm, tàu vào trễ thì mình cũng không được bồi thường, khi bốc dỡ hàng xong thì công nhân ùa xuống sà lan xin tiền bốc xếp, cà phê, thuốc lá…Nếu mình không cho thì nó hăm doạ đủ thứ” - Chị Thu Ba cho biết thêm.

Việc chung chi cho công nhân mỗi khi vào cảng đã trở thành “luật bất thành văn” trong nhiều năm nay, chủ sà lan dù khá bất bình, song không ai dám lên tiếng phản đối, phần vì sợ mất việc, phần khác sợ bị trả thù.

“Tụi tui phải chi hàng chuyến vậy đó, nó làm như luật vậy đó, mỗi tấn nó lấy 30.000 vậy đó, nếu mình không chi nó làm mất hàng……tàu vô là đã có tiền cho công nhân rồi, nhưng số tiền đó không tới tay công nhân, nếu tới tay thì tiền bồi dưỡng sà lan sẽ rẻ hơn” - một chủ sà lan cho biết.

Đề cập đến vấn đề này, ông Lê Đức Nghĩa, Trưởng Phòng Pháp chế Cảng Sài Gòn cho biết, trước đây các doanh nghiệp cảng có luôn đội ngũ bốc xếp của cảng, tuy nhiên do thực hiện việc cổ phần hoá theo chủ trương thì các đơn vị này thành lập theo các pháp nhân độc lập, trong đó có đội ngũ bốc xếp và cảng thuê lại lực lượng này cho nên khó kiểm soát, riêng về việc vòi vĩnh tiền bốc dỡ hàng từ các chủ sà lan của các công nhân bốc xếp.

“Hiện nay cảng thuê lại công ty bốc xếp, tuy nhiên có rất nhiều mặt hàng và nhiều đơn vị nên cảng chỉ là thuê lại từ các đơn vị bên ngoài, nếu có phản ánh về chất lượng dịch vụ thì sẽ làm việc lại với các đơnv ị vệ tinh. Cảng Hiệp Phước hiện nay là cảng độc lập trong đó có cổ phần của cảng Sài Gòn, nếu biết chính xác công nhân đó thuộc đơn vị nào thì mình có thể điều phối được để điều chỉnh lại hành vi của các công nhân bốc xếp để đảm bảo chất lượng dịch vụ.” - ông Lê Đức Nghĩa nói.

Trên thực tế hiện nay, hầu như tại các phao giao nhận hay các cảng đều có tình trạng tương tự, tuỳ theo thời điểm công nhân bốc xếp đưa giá cũng khác nhau, chung quy dao động từ mức 17.000 đồng/tấn đến mức cao nhất tại Thiềng Liềng là 30.000 đồng/tấn. Trong khi đó, giá niêm yết bốc dỡ hàng tại cảng đã được ấn định theo đơn giá của Sở Tài chính và được chủ hàng thanh toán.

Ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Cảng vụ hàng hải TPHCM, cho biết: “Giá và phí dã được ấn định, tuy nhiên như phản ánh thì không nằm trong khu vực quản lý nên tôi không biết, nếu công nhân bốc xếp có tình trạng như phản ánh thì công ty sẽ chấn chỉnh, nhưng hiện nay có rất nhiều cảng và bến phao nên khó quản lý, khi phát hiện cần cho biết thông tin để cảng vụ hàng hải gửi báo cáo và chấn chỉnh lại tình trạng trên.”

Đường thuỷ nội địa TPHCM và khu vực Miền Tây được xem là một trong những lợi thế của ngành vận tải trên sông, tuy các cụm cảng đã được quy hoạch đầu tư một cách bài bản, nhưng chưa thật sự phát triển, vì nhiều yếu tố khách quan, trong đó việc tồn tại  “luật ngầm” tại các cảng là một trong những yếu tố hạn chế sự phát triển của ngành vận tải đường sông và giới chở thuê vẫn phải “ngậm đắng nuốt cay” với những chuyến hàng khi ra vào cảng.

Kỳ 2 - Tọa đàm Kỷ niệm 40 năm chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot - Trong kỳ 2 của tọa đàm các vị khách mời nói về những đóng góp thầm lặng trên mặt trận văn hóa để gắn kết thêm tình hữu nghị 2 nước Việt Nam - Campuchia
Rumani: Khó khăn vô vàn, thách thức chồng chất - Rumani chính thức đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng đầu năm. Đây là lần đầu tiên Rumani đảm nhận cương vị  này kể từ khi gia nhập EU hồi ...