Rumani: Khó khăn vô vàn, thách thức chồng chất

(VOH) - Rumani chính thức đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng đầu năm. Đây là lần đầu tiên Rumani đảm nhận cương vị  này kể từ khi gia nhập EU hồi năm 2019.

Dù vậy, nhiệm kỳ Chủ tịch EU đầu tiên của Ru-ma-ni đang bị phủ bóng bởi những nghi ngờ về năng lực của quốc gia này, nhất là trong điều kiện nội bộ Rumani đang bị chia rẽ sâu sắc về vấn đề cải cách tư pháp – một trong những yếu tố khiến Rumani vẫn nằm trong diện kiểm soát đặc biệt của EU. Từ câu chuyện của Rumani, có thể thấy rõ những đám mây màu xám tiếp tục lớn dần che phủ tương lai EU năm 2019. 

Ý kiến nghi ngại về năng lực lãnh đạo của Rumani khi đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên EU được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Giăng Jean Claude Juncker đưa ra trong buổi trả lời phỏng vấn một tờ báo Đức ngay trước thềm lễ tiếp quản cương vị này của Rumani. Trong đó, ông Giăng-cơ cho rằng dù tin tưởng Rumani đã có sự chuẩn bị tốt về mặt kỹ thuật, song ông không dám chắc quốc gia này đã sẵn sàng về mặt chính trị để đảm nhận cương vị Chủ tịch của cả khối. Nỗi lo ngại của ông Giăng-cơ không chỉ xuất phát từ yếu tố kinh tế khi Rumani là một trong những nước nghèo nhất châu Âu, mà chủ yếu xuất phát từ kế hoạch cải cách tư pháp mà nước này đang thực hiện.  Chính phủ Rumani đã đề xuất một lệnh ân xá tội danh hình sự cho các chính trị gia bị cáo buộc tham nhũng. Đề xuất này được cho là sẽ sớm được thông qua và EU đã cảnh báo mọi việc có thể vượt qua "giới hạn đỏ". Cần nhắc lại rằng Rumani đã gia nhập EU từ năm 2007, nhưng đến nay hệ thống tư pháp của nước này vẫn nằm dưới sự giám sát đặc biệt của EU do những lo ngại kéo dài về vấn đề tuân thủ luật pháp và chống tham nhũng. Đây cũng là nguyên nhân khiến Rumani hiện chưa được chấp nhận vào khu vực tự do đi lại châu Âu Sen-ghen (Schengen) –một vấn đề gây khá nhiều bất bình cho chính phủ Rumani.

Rumani: Khó khăn vô vàn, thách thức chồng chất

Trụ sở Ủy Ban Châu Âu tại Bruxelles, Bỉ, 28/03/2018. Ảnh: Reuters

Nếu như sức ép và nghi ngại đang đè nặng lên vai Rumani thì bản thân quốc gia này cũng đang phải đối mặt với nhiều chia rẽ. Tổng thống Rumani Klaus Iohannis được coi là người ủng hộ những yêu cầu  cải cách của Liên minh châu Âu. Nhưng nhà lanh đạo này cũng đã phải lên tiếng thừa nhận đất nước của ông chưa sẵn sàng để hoàn thành nhiệm vụ, cho thấy ông có sự đồng thuận với cách nhìn nhận về vấn đề cải cách tư pháp của EU. Thế nhưng, khác với ông Iohannis, Chính phủ cánh tả hiện nay của Rumnai đứng đầu là Thủ tướng Viorica Dancila lại rất bất đồng với EU. Thậm chí, nhiều quan chức trong chính phủ Rumani hiện nay cho rằng nhận xét của EU về năng lực của Rumani xuất phát từ những định kiến rằng Rumani chỉ là “quốc gia hạng hai” ở châu Âu. Thủ tướng, Viorica Dancila, thành viên của đảng Dân chủ Xã hội nhiều lần bày tỏ quan điểm chung chính phủ rằng Rumani cần được tự do thông qua luật riêng của mình. Rõ ràng, những động thái kiên quyết này cho thấy chính phủ Rumani khó có thể thỏa hiệp với những yêu cầu từ phía châu Âu cũng như Tổng thống Iohannis.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Giăng Clốt Giăng-cơ đã nói rằng, sự đoàn kết và thống nhất chính là yếu tố cần thiết nhất với Rumani lúc này để có thể tiếp quản vị trí Chủ tịch luân phiên EU. Bởi ở vị trí này, Rumani sẽ phải dung hòa và thống nhất rất nhiều chính sách quan trọng chung của toàn khối, và một khi không thống nhất được nội bộ trong nước, làm sao có thể thống nhất được toàn bộ 27 nước thành viên khác của EU?

Trong bối cảnh khó khăn của Rumani, thì thách thức đối với EU cũng không hề kém. Nếu như năm 2018, cuộc khủng hoảng người di cư đã được kiểm soát, an ninh được đảm bảo tốt hơn và kinh tế tiếp tục đà phục hồi, thì một năm qua bộc lộ những mâu thuẫn sâu sắc trên con đường nhất thế hóa của EU, bất chấp những nỗ lực của Đức và Pháp. Ngay cả bản thân 2 “đầu tầu EU” là Pháp và Đức cũng không thể kiểm soát được tình hình chính trị nội bộ của mình. Đối với Đức, chính trường Đức đã trải qua giai đoạn bế tắc nhất trong lịch sử kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, khi 6 tháng liên tiếp, Đức không thể thành lập một chính phủ đúng nghĩa. Việc Chính phủ Đức mở cửa đón dòng người tị nạn trong 5 năm qua khiến cả 3 đảng trong đại liên minh cầm quyền của Thủ tướng Merkel mất uy tín, và thất bại lớn trong tiến trình đàm phán tái lập chính phủ.Trong khi đó, kết quả các cuộc bầu cử địa phương ở Đức đã đem lại một thất bại tồi tệ buộc bà Merkel phải tuyên bố không tham gia tranh cử chức Chủ tịch đảng, vị trí mà bà đã nắm giữ liên tục 18 năm qua, buộc bà phải tuyên bố rời ghế Thủ tướng khi kết thúc nhiệm kỳ năm 2021.

Đối với nước Anh, kịch bản về việc nước Anh rời khỏi EU vẫn chưa rõ ràng, trong khi thời gian đếm ngược chỉ còn tính bằng ngày.  Còn đối với nước Pháp, cuộc khủng hoảng “Áo Vàng” không chỉ khiến Paris bị phân rẽ mà còn khiến hình ảnh đầu tầu châu Âu trở nên xấu xí. Đáng lo ngại hơn, năm 2018 chứng kiến sự trỗi dậymạnh mẽ của phong trào Cực hữu mà đứng đầu là đảng Afd (Đức), “tạo nguồn cảm hứng” cho các phong trào cực hữu phát triển mạnh ở cả Áo và Italia.

Với việc mỗi quốc gia thành viên đều không thể giải quyết những khó khăn của riêng mình thì làm sao có thể đòi hỏi những trụ cột này chèo lái con thuyền EU tiến bước? Nhận định về tình hình châu Âu năm 2018, nhiều nhà phân tích đã phải dùng cụm từ “thất bại” để mô tả những khó khăn mà Lục Đại già gặp phải.

Năm 2019 đã chính thức bắt đầu. Với những gì đang diễn ra, người ta đang tự hỏi Rumani sẽ chèo lái con thuyền châu Âu ra sao trong “cơn sóng dữ”? Chưa ai có thể trả lời câu hỏi này. Chỉ biết rằng Rumani, một thành viên “yếu” đã chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên EU từ ngày 1/1/2019 với bộn bề thách thức. Liệu Rumani có thể giải được những bài toán hóc búa đặt ra đối với chính bản thân mình và cả EU? Câu trả lời có lẽ sẽ có trong 6 tháng sắp tới.