Sài Gòn 28 ngày độc lập, nối hai chặng đường "đi trước về sau"

(VOH) - Cuộc Tổng khởi nghĩa trong CMT8 năm 1945 chuẩn bị 15 năm, diễn ra 15 ngày, đưa đến kết quả to lớn giành độc lập cho toàn dân tộc. Sài Gòn là nơi duy nhất chỉ được hưởng 28 ngày độc lập.

Đó là từ sáng sớm ngày 25/8 đến hết ngày 22/9/1945;với bao nhiệm vụ phải làm để dựng nền độc lập, trong đó có 3 việc lớn nhất.

Trước hết là xây dựng hệ thống chính quyền nhân dân các cấp. Ngay trong ngày 25/8/1945, Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ (gọi tắt là Lâm ủy hành chánh Nam Bộ) được thành lập do ông Trần Văn Giàu Bí thư Xứ ủy Nam kỳ làm Chủ tịch. Ngày 7/9/1945 tại Hội nghị Việt Minh tổ chức tại trụ sở Tổng công đoàn Nam Bộ ở Sài Gòn, các đoàn thể thống nhất lại thành Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc… dưới cờ Việt Minh Nam Bộ. Ngày 10/9/1945, Lâm ủy hành chánh Nam Bộ cải tổ thành Ủy ban nhân dân Nam Bộ do Luật sư Phạm Văn Bạch làm Chủ tịch, ông Trần Văn Giàu làm Phó Chủ tịch kiêm Ủy trưởng quân sự;Ban cố vấn hình thành gồm 50 nhân sĩ trí thức do bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng làm Trưởng ban.

Các địa phương Nam bộ khẩn trương thành lập Ủy ban nhân dân các cấp. Ủy ban nhân dân thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn do kỹ sư Kha Vạng Cân làm Chủ tịch. Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Định do nhà giáo Phạm Văn Chiêu làm Chủ tịch. Các quận, hộ, làng đều thành lập Ủy ban nhân dân, đứng đầu là trí thức, nhân sĩ. Mặt trận Việt Minh các địa phương được mở rộng,nhiều trí thức, nhân sĩ, chức sắc tôn giáo và quan chức cũ tham gia.

Lâm ủy hành chánh Nam Bộ chỉ thị khẩn trương thành lập lực lượng vũ trang để giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chính quyền cách mạng. Lực lượng công nhân xung phong Nam Bộ được củng cố thành 360 tổ vũ trang, làm lễ tuyên thệ trước bàn thờ Tổ quốc. Quốc gia tự vệ cuộc được thành lập với nhiều đơn vị Quốc vệ đội hình thành hệ thống từ Nam Bộ xuống các tỉnh, thành địa phương.

Thiết thực nhất là tổ chức đời sống kinh tế-xã hội, liên quan đến các tầng lớp, giai cấp. Chính quyền cách mạng tổ chức tiếp quản toàn bộ cơ sở vật chất của chính quyền thực dân, phát xít để lại, tuyên bố xóa bỏ hết mọi loại thuế khóa, phu dịch, nợ nần của chế độ cũ, tịch thu gạo, thực phẩm, hàng hóa trong kho để phân phát cứu tế cho các gia đình khó khăn. Các nhà máyđiện, nước, cơ sở vận tải, đồn điền, hãng xưởng được trở lại hoạt động sản xuất bảo đảm việc làm cho công nhân. Hưởng ứng “Tuần lễ vàng” từ 17 đến 24/9/1945, nhân dân các địa phương Nam Bộ tự nguyện đóng góp tiền, vàng để Chính phủ chi dùng cho công cuộc kiến thiết và bảo vệ đất nước. Những điền chủ như Cao Triều Phát ở Bạc Liêu, Huỳnh Thiện Lộc ở Rạch Giá, hiến ruộng, đất cho chính quyền cách mạng, nhờ đó nhiều nông dân có ruộng trồng tỉa.

Cấp bách là việc chống thù trong giặc ngoài ập đến ngay chiều ngày 2/9/1945. Khi kết thúc lễ mừng độc lập ở thành phố Sài Gòn, đoàn người chuyển sang tuần hành; bất ngờ từ lầu cao Hãng Jean Comte (Diamond Plaza ngày nay) và một số nhà lầu cạnh nhà thờ Đức Bà, một số người Pháp lén chĩa súng bắn xuống đoàn biểu tình, làm 47 người chết và bị thương. Căm phẫn trước hành động quá khích ấy, hàng trăm người tay không, lập tức toả ra, trèo lên các toà lầu lùng bắt và tước khí giới những người liên quan; sau đó phóng thích những họ để bày tỏ thiện chí.

Từ ngày 6/9/1945, quân Anh đến Sài Gòn và đòi lấy Nam Bộ Phủ (nơi Ủy ban hành chính Nam bộ đang làm trụ sở, nay là Bảo tàng thành phố), đòi giữ cảng Sài Gòn, kho Thị Nghè, xưởng Ba Son, Khám Lớn và các bót cảnh sát ở trung tâm thành phố; chúng ngang ngược ra lệnh đóng cửa các báo tiếng Việt, cấm người Việt Nam tụ họp, ra lệnh giới nghiêm; chúng thả số lính Pháp bị bắt giam từ khi Nhật đảo chính…

Chính phủ Hồ Chí Minh ở Hà Nội điện phản đối phái bộ Anh ở Sài Gòn vi phạm chủ quyền độc lập của Việt Nam; nhân dân Hà Nội và các nơi Bắc bộ xuống đường phản đối Phái bộ Anh. Ở Nam bộ, Xứ ủy và Ủy ban Nam Bộ đẩy mạnh hoạt động ngoại giao tỏ rõ thiện chí hòa bình, tranh thủ thời gian củng cố lực lượng mọi mặt; Lâm ủy hành chánh Nam Bộ ra thông cáo (ngày 7/9/1945), phê phán những kẻ quá khích và gây rối, kêu gọi đồng bào “tỉnh táo, siết chặt hàng ngũ”; Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ và Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn được thành lập.

Chiều 22/9/1945, quân Pháp ở Sài Gòn mời ông Trần Văn Giàu và ông Phạm Ngọc Thạch sang Dinh toàn quyền đàm phán và nghe chính sách mới của Chính phủ Pháp về Đông Dương – Giống như thực dân Pháp từng làm ở Huế hòng bắt sống những người trong phái chủ chiến của triều Nguyễn năm 1885. Ủy ban kháng chiến Nam bộ chỉ thị cho các cơ quan đề phòng địch đánh úp, sẵn sàng hành động bảo vệ nền độc lập.

Lúc 00 giờ ngày 23/9/1945, các toán quân Pháp lợi dụng đêm tối bất ngờ nổ súng tập kích các vị trí công sở chính quyền cách mạng thành phố Sài Gòn. Lập tức sáng sớm ngày 23/9, Xứ uỷ và Ủy ban nhân dân Nam Bộ triệu tập hội nghị khẩn cấp tại số nhà 269 đường Cây Mai – Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Trãi, Quận 5) quyết định phát động Nam bộ kháng chiến.Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu nhắc lại khẩu hiệu ngày 2/9/1945 “Độc lập hay là chết”và hiệu triệu “Cuộc kháng chiến bắt đầu !”

Hơn 86 năm trước, thất bại ở mặt trận Sơn Trà (Đà Nẵng), quân Pháp mở mặt trận mới ở Gia Định và ngày 10/2/1859 chúng ầm ầm kéo vào cửa biển Cần Giờ. Liên quân Pháp, Tây Ban Nha triệt phá các đồn trại của quân đội triều Nguyễn dọc hai bên bờ sông, sáng sớm ngày 17/2/1859 chúng tấn công đánh chiếm thành Gia Định. Lập tức trận chiến của quân dân Gia Định chống thực dân Pháp xâm lược đã diễn ra ác liệt: Quân đội triều đình có các đội ứng nghĩa của nhân dân hỗ trợ đã xông vào đánh giáp lá cà với giặc Pháp; Gia Định giương cao ngọn cờ cứu nước cho toàn miền lục tỉnh Nam kỳ đứng lên kháng chiến.

Thế kỷ XIX, Sài Gòn - Gia Định “Đi trước”từ ngày 17/2/1859, với hành trình dài hơn 86 năm 6 tháng, “về sau” vào ngày 25/8/1945; có 28 ngày độc lập chuẩn bị cho hành trình mới. Thế kỷ XX, Sài Gòn lại “Đi trước” từ “Mùa Thu rồi ngày 23”, lần này dài hơn 29 năm 8 tháng, đã“về sau” vào ngày 30/4/1975. Cách mạng tháng Tám 1945 kết thúc thời cận đại bi thương, mở ra thời hiện đại oanh liệt và hào hùng;Sài Gòn 28 ngày độc lập và thiêng liêng, nối hai chặng đường “Đi trước về sau”; đã đem về “mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh là mùa xuân đẹp nhất”.