“Cây bàng vuông” – Trái tim người chiến sĩ

(VOH) - Kịch bản “Cây bàng vuông” tác giả Trần Kim Khôi do đạo diễn NSƯT Hoa Hạ dàn dựng sẽ công diễn vào tối mai 29/12 tại Nhà văn hóa Thanh Niên, bắt đầu kế hoạch phục vụ học sinh, sinh viên, bộ đội.

Dù là một vở nhạc kịch với đề tài về người lính nhưng sự trẻ trung, hấp dẫn và chỉn chu trong dàn dựng đã mang đến cho khán giả nhiều sự bất ngờ và thú vị ngay trong buổi diễn phúc khảo.

Vở diễn có sự tham gia của nhiều tên tuổi ở nhiều lĩnh vực có cơ hội phát huy tối đa lợi thế của mình, mang lại hiệu quả chung cho tác phẩm.

Ca sĩ Hồng Hạnh trong vở "Cây bàng vuông" - Ảnh: N.Lộc/TTO

Từ những ngày còn trên sàn tập, “Cây bàng vuông” đã được khán giả trông đợi và chính cái tên của đạo diễn NSƯT Hoa Hạ càng làm khán giả thấy tin tưởng hơn khi đảm trách một đề tài khó như đề tài về hình ảnh người chiến sĩ hải quân. Và rồi buổi phúc khảo diễn ra trong không khí không thể xúc động hơn, khi sân khấu 5B trở nên nhỏ bé trước một lượng khán giả quá đông dành tình cảm cho một vở diễn tuyên truyền nhiều đến thế.

Khi sân khấu mở màn, sự trông đợi của khán giả là không uổng phí khi không gian của biển cả mênh mông, biển trời xanh ngắt, những hoa bàng vuông trắng tinh khôi mà gai góc reo cười giữa bốn bề gió lộng. Hình ảnh những người lính trẻ trung can trường, những người ngư dân mang đậm hương vị của biển, của nắng gió Trường Sa trên gương mặt, trên làn da, mái tóc và trong những câu nói quả quyết. Một lòng bám biển, quyết giữ gìn từng tấc đất quê hương.

Câu chuyện càng lôi cuốn hơn bởi cuộc sống dung dị của những người lính đảo, tất cả thật gần gũi như những gì khán giả đã từng nghe trên Radio hay xem trên sách báo: thẳng tính có, nghịch ngợm có, hồn nhiên có, cũng có người đầy lãng mạn mơ mộng. Nhưng, khi phải đối mặt với kẻ thù hay đang đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, ai cũng muốn giành phần hy sinh để đồng đội của mình được tiếp tục thực hiện những ước mơ dang dở. Cuộc sống của ngư dân trước sự đe dọa tấn công của những tên cướp biển và ý chí kiên cường, quyết tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo, lòng nhân ái, vị tha vốn là truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam cũng được mô tả sinh động và đầy cảm xúc trên sàn diễn.

Tiết tấu được đạo diễn Hoa Hạ đẩy nhanh ngay khi vở diễn vừa mở màn. Những lời thoại mang tính tuyên truyền, khẩu hiệu đa phần đều đươc mềm hóa bằng nhiều tình huống kịch dễ thương, sống động mà gần gũi. Việc chọn dàn dựng theo hình thức nhạc kịch thật sự lôi cuốn khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.

Đạo diễn NSƯT Hoa Hạ cho biết, lần nào chạy suốt vở các diễn viên và những người theo dõi đều xúc động. Những người làm nghệ thuật chỉ mong mang một chút ít tấm lòng nhỏ nhoi của mình gửi đến chiến sĩ, đồng bào ngư dân nơi đầu sóng ngọn gió cũng như gửi đến khán giả những cái gì thật nhất, đời thường nhất mà chiến sĩ của mình, ngư dân của mình đang ngày đêm đối mặt để chúng ta có được cuộc sống bình an.

“Tôi thấy rất hạnh phúc khi mình được trao nhiệm vụ dàn dựng một kịch bản hay như “Cây bàng vuông”. Bây giờ, kịch bản đã hoàn thành tôi mong được khán giả, đặc biệt là các bạn học sinh sinh viên đón nhận. Tôi sẽ cùng với các anh em nghệ sĩ mang kịch bản này đến một số đảo ở Trường Sa biểu diễn. Đây là một món quà tình cảm mà nơi đất liền chúng tôi trân trọng gởi đến bà con ngư dân, các chiến sĩ tại đây. Nếu có gì cần góp ý thì chính bà con ngư dân, chiến sĩ sẽ góp ý, chúng tôi sẽ sửa, bổ sung ngay tại hiện trường để kịch bản càng thêm hoàn thiện” - đạo diễn Hoa Hạ cho biết thêm.

Vở “Cây bàng vuông” đọng lại sâu sắc nhất trong lòng khán giả, đặc biệt là những khán giả trẻ đó chính là niềm tự hào về một đất nước anh hùng, yêu chuộng hòa bình, giàu lòng vị tha. Bằng tất cả những gì có thể, họ quyết bảo vệ từng tấc đất của quê hương. Riêng những chàng lính đảo, dù có người phải mãi mãi nằm lại nơi biển cả nhưng sự quả cảm, yêu nước của họ lại tiếp tục thắp sáng, hung đúc thêm khí thế cho những người ở lại. Và điều quan trọng hơn thông qua tác phẩm này, nhiều khán giả đã có một cái nhìn khác về những tác phẩm tuyên truyền, không hề khô khan, hô hào mà ngược lại đầy tính nghệ thuật, hấp dẫn đến từng phút.

Vở diễn đã kết thúc nhưng đôi mắt của cô diễn viên trẻ Vân Trang vẫn còn ngân ngấn nước, Vân Trang bày tỏ, hầu như mỗi khi chạy vở là đều khóc, vì chưa lần nào đến Trường Sa và cũng chưa bao giờ tưởng tượng ra cuộc sống của mọi người ở ngoài đảo xa kia lại khổ đến thế mà lạc quan, kiên cường đến thế ."Qua vai diễn lần này, Trang càng thấy thương hơn, hiểu hơn về sự hy sinh của đồng bào mình ở Trường Sa. Càng hiểu càng yêu quý, Trang thấy bản thân một nghệ sĩ cần cống hiến nhiều hơn, trách nhiệm hơn với nghề, với khán giả và với đất nước của mình. Trang nghĩ mọi người cần dành tình cảm cho các anh chiến sĩ không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động", Vân Trang chia sẻ.

Nếu Nguyễn Minh Trường là anh lính trẻ có giọng ca cải lương mùi mẫn, thì siêu mẫu Minh Quân được tận dụng lợi thế hình thể để vào vai ngư dân khỏe khoắn, dày dạn sóng gió biển khơi. Ca sĩ Hồng Hạnh hóa thân thành cô văn công, vợ liệt sĩ cũng là lính đảo nên yêu thương những người lính trẻ như chính con em của mình… Lần đầu tiên đến với nhạc kịch và lại vào một đề tài rất khó, ca sĩ Hồng Hạnh phấn khởi cho biết: "Khi đọc qua kịch bản này, tôi cảm thấy mình có nhiều đất diễn, được hát, được diễn, được thể hiện tình cảm của mình dành cho các chiến sĩ biển đảo. Đây là một niềm hạnh phúc trong cuộc đời đi diễn của  mình. Điều quan trọng nhất mà tôi cảm nhận được đó là tấm lòng mà tất cả anh em nghệ sĩ đã thể hiện qua vở diễn này".

Đã nhiều lần đến Trường Sa nên vai diễn của Minh Trường dễ làm cho mọi người tin yêu, gần gũi, chân chất, đúng với cuộc sống của một người lính trẻ: “Trường vinh dự khi được nhiều lần đên Trường Sa, đã từng chứng kiến cuộc sống khổ cực của các chiến sĩ nơi đó. Bằng những gì đã thấy, đã cảm nhận, Trường chuyển tải hết vào vai diễn sao cho thật nhất. Mong rằng khi khán giả xem sẽ cảm nhiệu và thấy yêu quý hơn sự hy sinh, vất vả của những người chiến sĩ. Riêng các anh thì sẽ cảm nhận được tình cảm mà những người nghệ sĩ và người dân nơi  đất liền dành cho mọi người”.

"Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi

Mấy ngàn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ

Ngọn đuốc hòa bình, bao người đã ngã

Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông”

Cả khán phòng đã cùng hòa chung với bài ca “Tổ quốc gọi tên mình” (Thơ: Nguyễn Phan Quế Mai – Nhạc: Đinh Trung Cẩn). Cảm xúc, thiêng liêng hòa trộn vào nhau, những giọt nước mắt của niềm tự hào trên gương mặt những khán giả trẻ. Rồi đây, nhiều khán giả khác nữa cũng sẽ yêu vở “Cây bàng vuông” với hình ảnh ngoan cường, anh dũng của những người chiến sĩ hải quân Việt Nam.

Bình luận