Chờ...

Cuộc thi làm phim ngắn “Phá bỏ rào cản”

(VOH) - Sau “Bản đồ tiếp cận” và “Photo Voice – Kể câu chuyện bằng hình ảnh” thì “Phá bỏ rào cản” là dự án thứ 3 mà trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD tổ chức trong chuỗi hoạt động đưa người khuyết tật “tiếp cận” với cộng đồng và cuộc sống.

Với dự án “Phá bỏ rào cản”, ban tổ chức sẽ nhận tác phẩm dự thi đến hết ngày 5/10/2014.

Poster giới thiệu cuộc thi. Ảnh: CATP

Trong một khảo sát do trung tâm DRD thực hiện thì chỉ có 87/1.000 công trình công cộng tại quận 1, quận 3 và quận 10; hay chỉ có 2 trên 1.000 tuyến xe buýt trên địa bàn TP.HCM mà người khuyết tật có thể tiếp cận. Sự chênh lệch từ những con số ấy có lẽ mới chỉ phản ánh được một phần rất nhỏ hiện thực khó khăn mà mỗi người khuyết tật phải đối diện hàng ngày trong nỗ lực hòa nhập cộng đồng. Đây sẽ là chất liệu sống vô cùng sinh động để các thí sinh tham gia cuộc thi có thể khai thác trong tác phẩm của mình.

Chia sẻ về thông điệp của cuộc thi phim ngắn “Phá bỏ rào cản”, chị Liêu Thị Ngọc Hiếu – thành viên ban tổ chức cho biết: “Thông điệp "Phá bỏ rào cản" hướng đến nâng cao nhận thức cho cộng đồng, hiểu rõ hơn những khó khăn của người khuyết tật khi họ tiếp cận các công trình công cộng, phương tiện giao thông… Thông qua các sản phẩm mà thí sinh gửi đến cuộc thi, sâu xa hơn, trung tâm DRD muốn khi mọi người nhìn từng thông điệp, từng clip, mọi người sẽ hiểu rằng những khó khăn không chỉ khuyết tật gặp phải mà còn bao gồm cả người già, phụ nữ mang thai, bệnh nhân tạm thời, trẻ em… Clip đoạt giải sẽ được chia sẻ rộng khắp trên toàn quốc, đến những trung tâm quan tâm đến người khuyết tật để họ hiểu hơn những khó khăn của người khuyết tật”.

“Phá bỏ rào cản” không đơn thuần là cuộc thi với sự cạnh tranh, thắng, bại mà là cả một sự chung tay, góp sức của cộng đồng để hỗ trợ người khuyết tật “tiếp cận” với cuộc sống. Chính vì thế, càng nhiều “rào cản” được xoáy sâu, khắc họa chân thực trong các tác phẩm dự thi thì càng có nhiều cơ hội để cộng đồng thông hiểu và từ đó góp sức phá bỏ chướng ngại đang hiển hiện một cách lạnh lùng, gây khó khăn cho cuộc sống những người kém may mắn. Dưới hình thức những video clip ngắn với độ dài lí tưởng khoảng 3 phút, các thí sinh có thể tự do sáng tạo tác phẩm của mình ở nhiều thể loại khác nhau như phim truyện, phóng sự, phim tài liệu…

Trao đổi về chuyên môn, đạo diễn Trần Ngọc Nguyệt Quế - thành phần ban giám khảo tư vấn thêm: “Đối với cuộc thi phim ngắn này, ban giám khảo không đề cao về mặt hình ảnh hay kĩ thuật. Với thông điệp “phá bỏ rào cản”, ban tổ chức cũng muốn các bạn sinh viên bỏ đi những trở ngại lo lắng sản phẩm của mình chưa được hoàn thiện thì sẽ không được đánh giá cao. Thật ra cuộc thi này mong muốn các bạn kể câu chuyện và thông điệp của các bạn đến với cộng đồng để mang đến cuộc sống tích cực hơn cho người khuyết tật. Do đó, ý tưởng, nội dung và sự trải nghiệm của các bạn mới là quan trọng nhất”.   

Cuộc thi mở rộng đối tượng, dành cho cả người khuyết tật và người bình thường. Điều này không chỉ là nét mới mà còn thể hiện mong muốn đem đến sự bình đẳng cho cộng đồng người khuyết tật của ban tổ chức.

Tại buổi họp báo ra mắt cuộc thi, anh Nguyễn Minh Hảo – một kĩ sư công nghệ thông tin, bị khuyết tật, tâm sự rằng, để hòa nhập vào cuộc sống, bản thân mỗi người khuyết tật phải vượt qua 3 vòng vây rào cản. Đầu tiên và quan trọng nhất chính là rào cản bản thân, tiếp theo là rào cản gia đình và sau nữa là rào cản xã hội. Với nghị lực sống và vươn lên mạnh mẽ, anh là một đại diện cho rất nhiều những con người đã chứng minh cho gia đình và cộng đồng thấy được “dù tàn nhưng không phế”.

Một tấm gương điển hình khác về nghị lực sống là chị Huỳnh Thanh Thảo có biệt danh thân thương mà người ta quen gọi là “Cô Ba” với thư viện mini cho trẻ em nghèo tại Củ Chi. Dù mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh quái ác, nhưng chị Thảo vẫn lạc quan, từng ngày chiến đấu với căn bệnh và không ngừng cống hiến chút sức lực bé nhỏ của mình cho cộng đồng người khuyết tật nói riêng và cả xã hội nói chung. Nói về cuộc thi, chị tâm sự: “Mình thấy rất phấn khởi bởi cuộc thi bởi không có sự phân biệt người tham gia. Các bạn không khuyết tật có thể cảm những khiếm khuyết của người khuyết tật đến gần hơn với mọi người, còn với những người khuyết tật như mình, thì mình nghĩ sẽ đem câu chuyện của mình, khó khăn của mình đến gần hơn với các bạn khác, sau đó mới tới xã hội hay những gì lớn lao hơn. Không ai hiểu nỗi khổ của người khuyết tật bằng chính bản thân người khuyết tật…”.  

Tuy vậy, sự tự tin và dũng cảm đối mặt với hiện thực có lẽ sẽ trở về vạch xuất phát ban đầu nếu “rào cản xã hội” không được “phá bỏ”. Thiết nghĩ, khi những cánh tay đưa ra thì phải có một cánh tay khác nắm lấy mới có thể duy trì được vòng tròn cuộc sống đầy nhân ái.

Cuộc thi phim ngắn “Phá bỏ rào cản” chính là một nhịp dẫn để chiếc cầu tình người được xuyên suốt, liền lạc. Chính vì thế, dù chỉ mới phát động nhưng đã gây được nhiều sự chú ý và dấy lên nhiều cảm xúc mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ. Bạn Trần Thị Huế và Trần Thị Long Giang, hiện đang là sinh viên trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình chia sẻ: “Trong cuộc sống, ai cũng mong muốn có sự bình đẳng, đều muốn mình được sống bình thường, các bạn khuyết tật cũng vậy. Mình thấy những cuộc thi như thế này có thể tác động trực tiếp đến nhận thức của tất cả mọi người. Từ những dự án, những kế hoạch trong các bộ phim các bạn tham gia thì mình nghĩ không chỉ trên phim mà ngoài đời thực cũng sẽ được thực hiện như vậy… - Cảm xúc của mình bây giờ thực sự rất vui. Cuộc thi rất ý nghĩa. Mình mong là sẽ có thêm nhiều cuộc thi như vầy nữa để mình và các bạn có thể tham gia, đóng góp một phần sức lực nhỏ bé, giúp đỡ cho người khuyết tật”.  

Trong khi xã hội còn chưa mấy quen thuộc với khái niệm “tiếp cận” thì người khuyết tật vẫn đang từng ngày, từng giờ bằng nghị lực sống để bước qua rào cản. Hi vọng cuộc thi phim ngắn lần này sẽ nhận được sự quan tâm và ủng hộ không chỉ của các bạn sinh viên mà còn có thể từ đó vươn ra sâu hơn, rộng hơn trong cộng đồng. Mạnh dạn chia sẻ góc nhìn và cảm nhận khác nhau về khó khăn mà những mảnh đời kém may mắn phải đối diện cũng chính là lúc các thí sinh đang “vượt rào tâm lí”; để hòa nhịp bước trong chặng đường dài xóa bỏ chướng ngại trong cuộc sống của người khuyết tật. Dẫu con đường “tiếp cận” còn khá xa nhưng tin rằng khoảng cách giữa những số phận kém may mắn và cộng đồng rồi cũng sẽ gần lại khi vòng tròn nhân ái mỗi lúc một siết chặt hơn.