Ca sỹ Noo Phước Thịnh.
Niềm vui đầu Xuân là...phục vụ công chúng
Chạy show Tết dường như đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong cuộc sống của người nghệ sĩ, và cứ mỗi dịp năm mới lại có bao nhiêu câu chuyện nghề, chuyện đời quẩn quanh hai chữ “chạy show” được viết tiếp lúc giao thời ấy…
Cát sê “khủng” đó là điều mà người ta thường xác tín suy nghĩ về thù lao của nghệ sĩ nhận được khi chạy show dịp Tết. Đây là cơ hội tăng thu nhập nhanh, hiệu quả, nhưng không hẳn vì mức thù lao được tăng vọt lên mà còn vì tần suất biểu diễn cũng nhiều hơn bình thường. Nghệ sĩ sống được “mùa Tết” cũng vì lẽ đó. Nhưng với những nghệ sĩ chân chính, “tiền bạc” dường như chưa bao giờ là “lí do sống còn” để miệt mài chạy show những ngày Tết – thời khắc thiêng liêng nhất của một năm – thời khắc của tình thân, gia đình.
Ca sĩ trẻ Noo Phước Thịnh cho biết: “Tết là dịp gặp gỡ khán giả nhiều hơn, nếu Tết mà không chạy show hoặc không có show để chạy chắc là buồn lắm. Tết nhiều sô, có những chương trình giá vé không cao, nhưng bù lại nhiều khán giả đến xem, do đó bản thân nghệ sĩ cũng phải cân đối sao cho chi phí hợp lí để biểu diễn”.
Được phục vụ công chúng, gặp gỡ nhiều đối tượng khán giả mang niềm vui đầu Xuân đến cho họ cũng là cách người nghệ sĩ kiếm tìm niềm vui cho bản thân. Bởi suy cho cùng, nghệ sĩ mà không có công chúng thì đâu còn là nghệ sĩ. Tết về không được sum họp cùng người thân là sự mất mát, thiếu thốn tình cảm không nhỏ nhưng bù lại chính khán giả và đồng nghiệp sẽ lấp vào chỗ trống ấy, giúp ngày Xuân trên sân khấu cũng ấm áp hơn.
“Ngày Tết là ngày gia đình nhỏ - sân khấu của các nghệ sĩ gặp gỡ nhiều nhất. Các suất diễn lúc nào cũng đông khán giả, khi biểu diễn mình cũng thấy vui hơn, Tết các anh chị em nghệ sĩ được gặp nhau, cùng mang đồ ăn ngon san sẻ cho nhau, cũng rất ấm áp”, nữ diễn viên Hồng Ánh kể.
Diễn viên Hồng Ánh. Ảnh: Internet
Đôi lúc cũng buồn tủi
Tiếng cười, những tràng pháo tay, khả năng tài chính vững vàng…tất cả những yếu tố đó chỉ mới là một nửa Mùa Xuân của nghệ sĩ. Nửa còn lại là mồ hôi, nước mắt, những buồn tủi, đắng cay…khi Tết đến nhưng vẫn phải bôn ba với nghề.
Đón Giao Thừa trên những chuyến xe đêm là chuyện mà hầu như văn nghệ sĩ nào chạy show dịp Tết cũng đã từng trải qua. Chiếc xe ô tô lúc ấy không chỉ là phương tiện di chuyển mà giống như một ngôi nhà nhỏ, một người bạn đồng hành cùng nghệ sĩ. Phần vì đam mê với nghề, phần vì gánh nặng kinh tế gia đình, đôi khi mải miết chạy show quên cả ăn uống, nghỉ ngơi, nghệ sĩ cứ rong ruổi từ tỉnh này qua thành phố nọ.
Nhớ về những kỉ niệm khó quên khi chạy show ngày Tết, nghệ sĩ Cát Phượng, ca sĩ Võ Hạ Trâm kể: “Mình lo chạy show nên ăn trên xe, ngủ trên xe, chỉ có mình Cát Phượng với anh bạn diễn Kiều Minh Tuấn, hai đứa ăn xong cứ vứt trên xe rồi chạy tiếp, hôm sau mở ra cái xe bốc mùi thế là phải rửa xe. Kỉ niệm buồn là năm thứ hai chạy show thì xe bị lật, may mà 3 người không sao".
"Cách đây 7 năm khi lần đầu tiên đi hát xa nhà ở Cần Thơ vào đúng 30 Tết. Khi pháo hoa bắn lên cao, mọi người cười vui chúc mừng nhau thì mình khóc vì trước giờ chưa bao giờ xa nhà đêm Giao thừa cả. Sau này lớn hơn, cũng hiểu hơn về công việc của mình nên không còn cảm thấy tủi thân như thế nữa. Nhưng Trâm cũng hạn chế nhận show ngày Tết, vì Trâm nghĩ cả năm cũng làm nhiều rồi, thời gian Tết hãy dành cho bản thân và gia đình”, ca sĩ Võ Hạ Trâm
Cố gắng dung hòa giữa gia đình và công việc
Để cân bằng cuộc sống của chính mình và công việc, các nghệ sĩ thường phải đón Tết sớm hoặc muộn hơn so với công chúng của mình. Việc sắp xếp ấy thực sự không dễ dàng và đôi khi cũng phải “hi sinh” một trong hai chứ khó lòng trọn vẹn.
“15 năm qua Minh Béo ăn cơm nghệ thuật, các dịp Tết thì gần khán giả hơn gia đình. Nghệ sĩ mà, Tết được gặp khán giả là vui lắm, nhưng cũng vì thế sẽ thờ ơ với gia đình. Chính vì thế Minh Béo luôn dành thời gian trước hoặc sau Tết cho gia đình”, nghệ sĩ hài Minh Béo nói.
“Con chim bay mãi cũng mỏi cánh, con ngựa chạy mãi cũng chồn chân”, người nghệ sĩ cũng cần lắm những khoảnh khắc bên gia đình khi Xuân về Tết đến, vứt bỏ mọi bon chen, ánh đèn hào hoa của sân khấu để tận hưởng những phút giây an yên, thanh thản cùng người thân. Sau những tháng năm ngược xuôi, những mùa Tết miệt mài biểu diễn, nhiều nghệ sĩ chọn cho mình một cái Tết bình dị, tạm trút bỏ chiếc áo người của công chúng để về với đời thường.
Nghệ sỹ Cát Phượng. Ảnh:Internet
Diễn viên Kim Tuyến tâm sự: “Tết là Tết cổ truyền, mà cái gì cổ truyền thì nó thiên về hướng gia đình. Nên dường như thói quen, Tuyến thường dành thời cho gia đình từ 27 Tết đến Mùng 6 Tết, xin phép được từ chối lịch diễn để dành thời gian cho gia đình"
"Show Tết không lên giá, chỉ có lượng show tăng, chạy nhiều thì mình mệt chứ ai, rồi tai nạn này nọ nữa. Hồi trẻ chưa có con hoặc con còn nhỏ thì chắc chắn sẽ chọn công việc. Nhưng từ khi cu Bom (PV: con trai NS Cát Phượng) 10 tuổi thì mình nghĩ thôi, chọn gia đình. Tiền cũng cần đó nhưng mình còn kiếm được, còn con mình nếu lớn lên mà mình không cho con được nền tảng, thì biết tìm ở đâu?", nghệ sĩ Cát Phượng chia sẻ
Bước vào nghệ thuật nghĩa là người nghệ sĩ đã vận vào mình kiếp tằm rút ruột nhả tơ cho đời. Bất kể mưa hay nắng, ngày hay đêm, Xuân về hay Đông đến…cũng là thời gian dành để cống hiến cho khán giả của mình. Gia đình có lẽ sẽ là “mảnh tình con” mà mỗi nghệ sĩ giữ lại cho riêng mình, còn duyên nợ sân khấu, ân tình của khán giả thì cứ tiếp tục trả hoài, trả mãi, trả bằng tất cả trách nhiệm, tất cả tình yêu và sự trân trọng.
Mùa Xuân của người nghệ sĩ chính là mùa Xuân trên sân khấu, Tết đoàn viên của người nghệ sĩ chính là sum họp cùng khán giả, đồng nghiệp. Xin mượn đôi câu thơ của nhà thơ Tố Hữu để khép lại câu chuyện chạy show biểu diễn miệt mài của người nghệ sĩ mỗi độ Xuân sang mà họ cho đó là một lẽ tất yếu của cuộc sống, bởi vì:
“Nếu là con chim, là chiếc lá
Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho, đâu chí nhận riêng mình”
(Tố Hữu)