Hội đồng Văn học dịch: Cái nôi chắp cánh cho nhiều tác phẩm văn học Việt ra thế giới

(VOH) - Văn học dịch có vị trí quan trọng không chỉ trong môi trường văn chương mà còn trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, của Thành phố và cả nước.

Việc Hội nhà văn TPHCM thành lập Hội đồng văn học dịch đã nhận được sự trợ lực của nhiều cá nhân, đơn vị, các cấp các ngành có liên quan để văn học dịch, đặc biệt là việc giới thiệu những tác phẩm văn chương có giá trị của Thành phố, của Việt Nam đến với độc giả thế giới, nhằm góp phần làm cầu nối văn hoá Việt với toàn cầu.

Để có được những tác phẩm văn học dịch tốt thì rất cần đội ngũ dịch thuật am hiểu về văn hóa, giỏi về ngôn ngữ. Mới đây, Hội đồng văn học dịch (thuộc Hội Nhà văn Thành phố) đã được thành lập sau thời gian dài chuẩn bị. Có thể nói, đây sẽ là khởi đầu cho sự xuất hiện nhiều tác phẩm văn học dịch có giá trị và sẽ là cầu nối giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới.

văn học
Hội nhà văn TPHCM thành lập Hội đồng văn học dịch

Tại TPHCM, văn học dịch (dịch xuôi), tức dịch từ các ngôn ngữ khác ra tiếng Việt thì hết sức sôi động. Văn học dịch chiếm một thị phần không nhỏ trên thị trường sách xuất bản tại Việt Nam. Có những tác phẩm đoạt những giải thưởng danh giá của thế giới, kể cả giải Nobel nhiều khi chỉ vài ba tháng sau sách đã đến tay người đọc Việt.

Tuy nhiên, việc chuyển ngữ từ văn học tiếng Việt sang các ngôn ngữ khác, ngay cả những ngôn ngữ thịnh hành như Anh, Pháp, Hoa… thì hết sức khó khăn, vô cùng khó khăn.

Nhà văn Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố chia sẻ tại buổi ra mắt Hội đồng Văn học dịch: “Con số tác phẩm văn học được giới thiệu ra nước ngoài chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay và hầu hết do các tổ chức tư nhân, trường đại học và nhà xuất bản nước ngoài thực hiện. Vì vậy việc giao lưu văn hoá, đặc biệt là văn hoá đọc là một thiệt thòi không chỉ cho những người sáng tạo văn chương. Hội đồng văn học dịch của Hội nhà văn TPHCM hoạt động trong khuôn khổ của hội nghề nghiệp, hàng năm tìm kiếm, phát hiện, giới thiệu những dịch phẩm có giá trị cho Hội đồng Giải thưởng thường niên của Hội. Để Hội đồng chọn ra tác phẩm xuất sắc trao giải, nhằm ghi nhận và tôn vinh sự lao động sáng tạo của đội ngũ dịch giả đang sống và làm việc tại TPHCM”

Tại chương trình, dịch giả Hiền Nguyễn, Phó Viện Trưởng Viện Ngôn ngữ Đại học Văn Lang mong muốn các cơ quan chức năng cần chỉ đạo, định hướng kịp thời để Hội đồng văn học dịch hoạt động có hiệu quả.

Bà Hiền Nguyễn chia sẻ: “Trước mắt chúng tôi sẽ cố gắng để giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới và ngược lại, vì chỉ có sự tương tác hai chiều mới tạo được sự liên kết. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ cố gắng phát triển đội ngũ hỗ trợ các dịch giả bằng nhiều hình thức, ví dụ như hỗ trợ về mặt vật chất, tinh thần hoặc bằng các giải thưởng liên quan hay workshop liên quan. Ngoài ra, chúng tôi sẽ đẩy mạnh các hoạt động giao lưu giữa văn học Việt Nam và thế giới, giữa các hội nhà văn hay các dịch giả”.

Còn theo nhà văn – Dịch giả Nguyễn Lệ Chi thì việc thành lập Hội đồng Văn học dịch là một tín hiệu vui trong việc thừa nhận và khẳng định vai trò, vị trí của người dịch trong các hoạt động xuất bản ở nước ta. Dù Hội đồng Văn học dịch ra đời có vẻ hơi muộn so với các nước khác, nhưng với sự phát triển về đời sống văn chương Việt Nam hiện nay, nhu cầu giao lưu và đưa văn học Việt ra nước ngoài là thiết yếu.

“Với tư cách là người làm sách, xuất phát từ niềm đam mê sách, khi tham gia các Hội chợ sách Quốc tế, tôi đã cố gắng tổ chức nhiều những gian hàng và lựa chọn nhiều đầu sách văn học Việt mang đến với Thế giới. Ví dụ như tại Hội chợ sách quốc tế Bắc Kinh với sự tham gia của nhiều đơn vị xuất bản lớn, và có nhiều đơn vị tới xem, tham khảo. Sau đó, quyển sách Dế mèn phiêu lưu ký đã được mua bản quyền để dịch ra tiếng Trung Quốc thì đó cũng là tín hiệu vui” - nhà văn – Dịch giả Nguyễn Lệ Chi chia sẻ.

Phát biểu tại buổi ra mắt Hội đồng Văn học dịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy cho rằng: để dự án được lâu dài và bền vững, chúng ta phải có sự ủng hộ, trợ lực và các cơ chế chính sách.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy ngoài chuyện tôn vinh và hỗ trợ, chúng ta sẽ không đứng ngoài công nghiệp văn hóa, bởi một trong những ngành trọng điểm mà Đề án UBND thành phố đã phê duyệt là ngành Xuất bản. Chúng ta phải đánh giá xem là đứng ở đâu trên bản đồ đó của thế giới. Ngày hôm nay với những quay định mới như Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 22 về bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu tác giả và quyền liên quan, thì chúng ta phải thực hiện các qui định của pháp luật và phải có sự phối hợp.

"Chúng ta cần cập nhật phổ biến các kiến thức pháp luật, các cơ chế chính sách mới. Hội nhà văn nên tăng cường mối liên kết giữa các tổ chức cá nhân trong việc dịch thuật những tác phẩm văn học dịch thuật hay, giá trị. Và đồng thời tăng cường công tác ấn phẩm. Chúng ta có thể cho ra đời các tác phẩm đó một cách hiệu quả nhất. Còn đưa văn học ra nước ngoài thì chúng ta tham gia các hội sách trong và ngoài nước”, bà Thanh Thuý đề nghị.

Có thể thấy rằng, sự ra đời của Hội đồng văn học dịch là một cột mốc, bước đánh dấu cho thấy vai trò, vị trí của dịch giả ngày càng được coi trọng trong đời sống xuất bản nước nhà. Mong rằng trong tương lai, ngành dịch thuật cũng như xuất bản Việt Nam sẽ không ngừng lớn mạnh và đạt được nhiều thành tựu hơn trong lĩnh vực dịch thuật – xuất bản sách trên thế giới. Và Hội đồng Văn học dịch sẽ là cái nôi chắp cánh thêm nhiều tác phẩm văn học Việt ra thế giới.