Hội thảo khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”

(VOH) - Sáng 29/6, Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay” vừa diễn ra.

Hội thảo do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức.

hoi-thao-khoa-hoc-quoc-te-danh-nhan-nguyen-dinh-chieu-trong-thoi-dai-ngay-nay-voh.com.vn-anh1
Quang cảnh buổi hội thảo khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”.

Có hơn 130 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và quốc tế, hội thảo tập trung vào các nội dung: Nguyễn Đình Chiểu trong lịch sử Việt Nam, khu vực và quốc tế nửa sau thế kỷ XIX; Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu với vận mệnh quốc gia, số phận con người trong chiến tranh qua nghệ thuật văn chương; Tư tưởng nhân văn của Nguyễn Đình Chiểu; Tư duy tiến bộ về giải phóng con người trong những tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu; Đổi mới lý thuyết và cách tiếp cận truyện Nôm, văn tế và thơ Đường luật của Nguyễn Đình Chiểu; Nhìn lại văn bản công bố tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu trong nước và nước ngoài. Nhân cách văn hóa Nguyễn Đình Chiểu, những giá trị văn hóa trường tồn. Tinh thần hiếu học của Nguyễn Đình Chiểu trong xã hội thế kỷ XIX và dòng chảy lịch sử.

Tại hội thảo, các diễn giả đã phân tích các giá trị văn hóa, sức sống, tầm ảnh hưởng các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu với đương thời và hôm nay; Bảo vệ và phát huy giá trị tư tưởng, nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu trong bối cảnh hội nhập quốc tế; Di sản Nguyễn Đình Chiểu và phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam, du lịch danh nhân ở Việt Nam nói chung, Bến Tre nói riêng.

Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888), tên thường gọi là Đồ Chiểu. Ông là người học rộng tài cao, từng đỗ tú tài. Đến năm 1847, ông ra Huế học để chờ thi khoa Kỷ Dậu 1849 nhưng vì mẹ ông mất. Vì quá thương nhớ mẹ, ông đã khóc đến mù lòa hai mắt. Sau thời gian đó Pháp xâm chiếm Gia Định, ông về ở tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Tại đây ông vẫn tiếp tục dạy học và làm thầy thuốc, dù bị mù cả hai mắt nhưng ông vẫn tích cực dùng văn chương để kêu gọi lòng yêu nước của sĩ phu và nhân dân.

Ngày 23/11/2021, tại Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết vinh danh Nguyễn Đình Chiểu và tham gia kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu vào năm 2022 thông qua Nghị quyết vinh danh Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại.

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa lớn, nhà thơ yêu nước tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, nhà giáo của nhiều thế hệ, thầy thuốc tinh thông y lý, y thuật và nổi tiếng về y đức. Tài năng và địa vị của ông trên văn đàn, y thuật và nền giáo dục nước nhà đã được ghi nhận, tôn vinh từ rất sớm, ngay cả lúc ông còn sinh thời. Là một trong những người khai sáng và là tác giả tiêu biểu nhất của dòng văn chương yêu nước chống ngoại xâm nửa sau thế kỷ XIX, ông đã góp phần nâng cao tầm vóc và ảnh hưởng của văn học nước nhà. Ông còn là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, thương dân, ý chí kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm, chống lại mọi cám dỗ về vật chất, đe dọa về tinh thần, thể hiện rõ khí phách hiên ngang của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng và văn hóa.