Ra mắt bộ sách sử 85 năm phong trào phụ nữ TPHCM

(VOH) - Bộ sách 85 năm phong trào phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh mang lại cái nhìn phong phú về lịch sử phong trào phụ nữ các thời kỳ.

Bộ sách 2 tập “85 năm phong trào phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh (1930 - 2015)” ra mắt vào ngày 4/3 được xem như bộ lịch sử về giới nữ của Sài Gòn - TPHCM từ trong kháng chiến chống Pháp đến thời đổi mới hội nhập.

Đây là công trình trọng điểm chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 – 2027. 

Bộ sách 85 năm phong trào phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh mang lại cái nhìn phong phú về lịch sử phong trào phụ nữ các thời kỳ.

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TPHCM chia sẻ, đây là công trình tập hợp lại những tư liệu một cách có hệ thống, khoa học hơn về những hoạt động, phong trào phụ nữ; Đánh dấu cả một quá trình hoạt động của phong trào phụ nữ Thành phố tham gia trong hai cuộc kháng chiến đến giai đoạn Thành phố xây dựng và phát triển.

Qua đó, các cán bộ hội trẻ của Thành phố có cơ hội tiếp nối những truyền thống có giá trị đã được ghi nhận và kế thừa như: Giải thưởng tuyên dương cán bộ hội cơ sở giỏi và giải thưởng mang tên Nguyễn Thị Định qua 7 lần tổ chức tuyên dương và được Trung ương hội ghi nhận và đánh giá cao. Sắp tới, tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, giải thưởng này được đề xuất là giải thưởng cấp Trung ương Hội.

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân cho biết thêm: “Chúng ta đi tiếp như phong trào học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, phong trào ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, từ trong những giai đoạn khó khăn nhất nhưng nay tiếp tục được nhân lên và phát triển.

Tiếp nối từ quỹ đó, chúng ta có thêm quỹ hỗ trợ vốn cho phụ nữ  và không chỉ cho phụ nữ nghèo khó khăn mà chúng ta đi tiếp, giúp cho các dự án khởi nghiệp”.

Ra mắt bộ sách sử 85 năm phong trào phụ nữ TPHCM 1

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân và Phó Giáo sư – Tiến sỹ Hà Minh Hồng ký tặng sách cho các đại biểu tham dự

Công trình được biên soạn dựa trên nhiều nguồn tư liệu với vai trò chủ biên của Tiến sỹ Hoàng Thị Hồng Hà và Phó Giáo sư – Tiến sỹ Hà Minh Hồng cùng nhóm chuyên viên cộng sự.

Theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Hà Minh Hồng, đây là công trình đầu tiên về lịch sử giới. Trong đó, phụ nữ - lực lượng chiếm hơn nửa dân số cả nước, có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước - như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đánh giá: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Ông Hà Minh Hồng tâm đắc nhất là: “Các loại hình tập hợp là điều phản ánh rõ nhất phẩm chất tự tin, tự trọng, phản ánh rõ sự sáng tạo. Truyền thống sáng tạo này từ trong chiến tranh cho đến thời bình. Đây là điều rất phù hợp với thời đại 4.0, phản ánh rõ quyền lực mềm của phụ nữ”.

Cũng theo chị Lưu Mỹ Trinh – một cán bộ phụ nữ trẻ - Ban Gia đình xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, là thế hệ trẻ được kế thừa những kết quả mà thế hệ cán bộ hội đi trước để lại, bản thân chị sẽ cố gắng học tập, hoàn thiện, ra sức sáng tạo đổi mới trong các phong trào của hội: “Tiếp xúc với nội dung cuốn sách, chúng ta cảm thấy tự hào hơn về lịch sử cũng như truyền thống hào hùng của cán bộ hội viên phụ nữ TP trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc cũng như những công lao đóng góp của hội viên phụ nữ TP trong việc đóng góp, tham gia xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TPHCM.

Tôi cảm thấy quyển sách có một giá trị tinh thần, giá trị lịch sử được đúc kết từ kinh nghiệm của những nhân chứng lịch sử”.

Ra mắt bộ sách sử 85 năm phong trào phụ nữ TPHCM 2

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân tặng bộ sách cho các khách mời là lãnh đạo và đại biểu

Không chỉ trong thời chiến, vai trò của phụ nữ thành phố còn được ghi nhận ở các phong trào kể từ khi đổi mới, trở thành lực lượng tham gia tích cực các phong trào do thành phố khởi xướng như bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đánh giá, đây là một bộ sách rất lớn và tâm huyết của rất nhiều dì, nhiều chị ở các thời kỳ, nội dung rất xúc động. Rất nhiều mô hình từ đây không chỉ lan tỏa ở TPHCM mà còn lan tỏa ra cả nước như:

“Các chị góp phần trong phong trào đoàn kết xây dựng nông thôn mới, nhất là trong lúc đất nước khó khăn đã chung tay góp sức từ những việc rất nhỏ như góp gạo nuôi quân, góp gạo lo cho những người khó khăn; Phong trào dạy học chữ cho đến làm kinh tế.

Từ các phong trào, cuộc vận động đó, các dì các chị không chỉ lo quán xuyến trong gia đình mà còn tạo sự tự tin, một kiến thức đáng kể góp phần cho sự phát triển chung của phong trào phụ nữ Thành phố. Đặc biệt, sự phát triển các phong trào của TPHCM có một sự đóng góp rất lớn của phụ nữ”.