Báo cáo tổng kết hoat động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, Cục trưởng Cục Xuất bản và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết: Tổng doanh thu toàn ngành đạt gần 3.000 tỷ đồng (tăng 12,4%); nộp ngân sách hơn 260 tỷ đồng (tăng 71,7%).
Có thể thấy, năm 2021 là năm có nhiều thách thức đối với nền kinh tế và đời sống xã hội của Việt Nam do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của làn sóng dịch lần thứ tư.
Trong bối cảnh đó, ngành xuất bản cũng đối mặt với nhiều khó khăn như: hoạt động xuất bản bị gián đoạn do thời gian giãn cách xã hội; sức mua giảm; các chi phí nguyên vật liệu tăng giá do khó khăn về nguồn cung cấp; tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao…
Tuy vậy, tổng doanh thu và lợi nhuận của các nhà xuất bản đều tăng so với năm 2020. Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn của các nhà xuất bản trong việc nắm bắt thị trường, nhu cầu của độc giả tới việc thích ứng nhanh nhạy để chuyển đổi các hình thức kinh doanh, tuyên truyền, quảng bá sách.
Song song đó, ngành xuất bản, in, phát hành đã bám sát sự kiện trọng đại của đất nước, các nhà xuất bản đã tập trung thực hiện tốt việc khai thác, tổ chức bản thảo, xuất bản được nhiều xuất bản phẩm giá trị, phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước, trong đó có xuất bản một số xuất bản phẩm tuyên truyền việc đưa Nghị quyết của Đại hội XIII và các Nghị quyết quan trọng khác của Đảng vào cuộc sống… Nhiều xuất bản phẩm có giá trị, tuyên truyền bảo vệ chủ quyền, biển đảo; quảng bá hình ảnh, văn hóa con người Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông: “Năm nay sách nói phát triển rất tốt. Với chỉ 3 đơn vị nhưng có đến khoảng 25 triệu lượt bạn đọc. Bạn đọc đến với sách nói hiện nay tăng lên rất nhanh. Đó là cơ hội và kỳ vọng cho sự phát triển của ngành xuất bản. Đây là những nội dung rất tốt. Thứ hai là cơ cấu sách, cơ cấu sách có sự cải thiện. Chúng ta thấy sự phát triển mạnh hơn sách khoa học công nghệ. Một mảng sách rất cần cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
So với cả nước, các doanh nghiệp ngành Xuất bản, in và phát hành trên địa bàn TPHCM hoạt động tương đối nhộn nhịp, phát triển nhanh, bền vững, có nhiều cơ hội được làm việc, giao dịch, giao lưu với quốc tế và khu vực, được cọ sát và có nhiều tiềm năng phát triển, chuyển biến nhanh phù hợp với hoàn cảnh, thay đổi điều kiện, yêu cầu của đối tác.
Trong thời gian qua ngành Xuất bản, in và phát hành thành phố tiếp tục phát triển và khẳng định là một trong các ngành nghề đi đầu cả nước về doanh thu toàn ngành cụ thể: lĩnh vực xuất bản, phát hành ước đạt trên 3.500 tỷ đồng/năm, lĩnh vực in thành phố ước đạt trên 45.000 tỷ đồng/ năm, duy trì ổn định ở mức tăng trưởng từ 6 - 8%/năm, giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động ngành.
Hoạt động kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sách đã có nhiều chuyển biến tích cực với sự xuất hiện của những mô hình hiện đại như: Cà phê sách, Đường sách; Thành phố Sách; Nhà sách thông minh… Hoạt động mua bán bản quyền sách đối với các đối tác, tác giả trong và ngoài nước đã dần được phát triển, giao dịch tác quyền được phát huy.
“Thực hiện đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020 định hướng đến năm 2030”, trong năm 2020 - 2021, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã tổ chức bàn giao gần 8.000 đầu sách cho các xã, thị trấn thuộc 5 huyện ngoại thành Thành phố; tiếp tục triển khai trang bị, cung cấp sách cho cơ sở với thể loại sách đa dạng, phong phú theo chủ đề thuộc các tủ sách: Tủ sách chất lượng cao, tủ sách thiết yếu về chính trị - tư tưởng - xã hội, tủ sách thông tin đối ngoại và Tủ sách khuyến đọc cho học sinh.
Điều rất đáng ghi nhận là sự quan tâm của các địa phương và các sở ngành trên địa bàn Thành phố. Các địa phương căn cứ vào kế hoạch của Sở Thông tin và Truyền thông và chỉ đạo của UBND các cấp để tổ chức các hoạt động rất đa dạng phong phú và nổi bật như huyện Củ Chi tổ chức Hội sách hè, trao đổi sách quyên góp sách tặng các em thiếu nhi nghèo, Quận 6 tổ chức mô hình sách đi tìm người, Quận Tân Phú tổ chức triển lãm sách, tổ chức hội thi cảm nghĩ về sách và tuyên truyền 100 cuốn sách thanh thiếu nhi cần đọc”, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM Lâm Đình Thắng cho biết thêm.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định phải “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục” và tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra nhiệm vụ: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc”. Do vậy, công tác xuất bản cần đổi mới tư duy, bắt nhịp thời cuộc, nhạy bén xử lý những tình huống cụ thể, đồng thời phải giải quyết những vấn đề chiến lược của ngành, góp phần khẳng định xuất bản là lĩnh vực tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm yêu cầu “tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực xuất bản, tăng cường phối hợp, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động xuất bản. Các cơ quan chủ quản, các nhà xuất bản thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền trong năm 2022, nâng cao năng lực hoạt động của các nhà xuất bản, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, góp phần triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Tăng cường quảng bá, truyền thông sách, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển văn hóa đọc, xóa “vùng trắng” về văn hóa đọc. Để thích ứng linh hoạt sau đại dịch Covid-19, cần tăng cường tính tự chủ, chủ động trong phòng chống dịch, bảo đảm hài hòa chặt chẽ, hiệu quả giữa các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 với các biện pháp khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị theo tinh thần Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ”.
Tại Hội nghị, Bộ Thông tin - Truyền thông đã tặng thưởng cờ thi đua cho 8 tập thể và bằng khen cho 13 tập thể, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xuất bản, in, phát hành.