Sáng nay 20/6, báo Thanh Niên đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi viết này.
Giải nhất trị giá 20 triệu đồng được trao cho tác phẩm "Sài Gòn, còn thương thì về!" của tác giả Tống Phước Bảo.
Hai giải nhì, mỗi giải trị giá 15 triệu đồng được trao cho tác phẩm "Rưng rưng cưng xạo bà cố" của tác giả Diên Khánh và "Mẹ tôi năm ấy, làm dâu Sài Gòn" của Phạm Nguyệt.
3 Giải ba gồm "Thành phố thuở tôi yêu người" của Meecong, "Sài Gòn, ai đi xa cũng phải nhớ..." của Hà An và "Sài Gòn và những miền nhớ" của Nguyễn Lê Ngọc Mai. Ngoài ra còn có 10 giải khuyến khích.
“Hơn 30 năm gắn bó với mảnh đất phồn hoa này, nếu dùng chữ yêu thì chưa đủ để tỏ bày tấm lòng của tôi. Phải gọi là thương. Bởi chỉ khi thương nơi nào đó, ta mới nhớ quay quắt và thèm trở về mỗi bận đi xa. Bởi khi thương Sài Gòn, người ta mới tha thiết trở về, gắn trọn cuộc đời với nó mà bỏ qua những khói bụi, kẹt xe, lừa lọc... Bởi chỉ có thương Sài Gòn, người ta mới hiểu, miền đất này còn đó nhiều tấm chân tình, lắm điều trượng nghĩa”, tác giả Tống Phước Bảo đạt giải Nhất chia sẻ trong tác phẩm "Sài Gòn, còn thương thì về! như thế!
Anh cho biết: “Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, hơn 30 năm gắn bó với miền đất này thì có những tâm tư, tình cảm, kỷ niệm hằn sâu trong ký ức của mình, nhưng khi viết và diễn đạt ra rất khó, đòi hỏi phải có cảm xúc và không phải cảm xúc nào cũng thể hiện được bằng câu chữ. May mắn là câu chữ mình viết ra được mọi người đón nhận”.
Tác giả Diên Khánh đạt giải Nhì với tác phẩm "Rưng rưng cưng xạo bà cố" cũng trải lòng:“Thoạt tiên trong đầu mình nghĩ là dễ, vì viết về Sài Gòn nhưng thực tế là rất khó vì chủ đề này rất rộng lớn, nên mình viết đúng cảm xúc của mình”.
“Những con hẻm Sài Gòn độc đáo, yên bình trái với vẻ ngoài xa hoa kiêu kỳ mà người ta vẫn thường thấy. Có bao giờ bạn thấy mệt mỏi khi mải mê cho những cuộc mưu sinh trần thế? Khi đó, hãy thử ghé vài con hẻm của Sài Gòn, sống chậm lại, ngắm nhìn nhiều hơn, để thấy một Sài Gòn đã bao mùa mưa nắng vẫn đón đưa, đợi chờ”, đó là một đoạn trong tác phẩm cùng đạt giải Nhì: "Mẹ tôi năm ấy, làm dâu Sài Gòn", của tác giả Phạm Nguyệt. Bạn cho hay: “Thật ra cảm xúc của bài viết này quan trọng nhất là câu chuyện thực của bản thân em đối với mẹ và quan trọng thứ hai là tình yêu của em đối với Sài Gòn thì mới có được tác phẩm như vậy”.
Các tác giả đạt giải Nhất và giải Nhì giao lưu tại Lễ trao giải cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố tôi yêu.
Tại lễ trao giải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức nói rằng, TP.HCM luôn tự hào phấn đấu là địa phương văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Bản thân ông cũng sinh ra ở Hà Nội, nhưng gần hết cuộc đời của mình, ông đã được TP.HCM cưu mang, nuôi dưỡng và ông luôn biết ơn mảnh đất này: “Điều mà cá nhân tôi, khi làm một công dân TP.HCM, đó là sự dung nạp, bao dung của thành phố với tất cả mọi người. Tất cả những ai mong muốn được sống trên mảnh đất này được tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát triển. 63 tỉnh, thành đều có những người con làm việc tại TPHCM và có những kỷ niệm với mảnh đất này”.
Cùng ngày, báo Thanh Niên ra mắt sách Sài Gòn - Thành phố tôi yêu với 87 bài viết được tuyển chọn từ 822 bài dự thi. Đồng thời phát động cuộc thi viết với chủ đề "Thương nhớ miền Trung". Cuộc thi chính thức diễn ra từ nay đến hết ngày 20/10/2020, nội dung tác phẩm thể hiện tình cảm của người miền Trung dành cho chính quê hương mình, là tiếng lòng, nỗi nhớ của những người con miền Trung xa xứ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình; là xúc cảm, ký ức hay niềm vấn vương của những ai từng đến và luyến lưu bởi tình đất, tình người chốn lưu giữ muôn vàn di sản văn hóa dân tộc...
Những câu chuyện rơi nước mắt nhân "Ngày của cha": Nhân Ngày của cha (chủ nhật tuần thứ 3 tháng 6), hãy cùng đọc những câu chuyện cảm động rơi nước mắt, gợi nhiều suy ngẫm về tình cha con.
Ra mắt tập sách "Giải thưởng báo chí Thành phố Hồ Chí Minh – Tác phẩm đoạt giải nhất 2015 – 2019": Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ Thành phố phối hợp cùng Hội Nhà báo giới thiệu tập sách "Giải thưởng báo chí Thành phố Hồ Chí Minh – Tác phẩm đoạt giải nhất 2015 – 2019".