Năm 2010, sau khi tốt nghiệp trường nghiệp vụ, anh Đinh Văn Bộ được điều về công tác tại Công an huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông). Đặc thù công tác nên anh thường xuyên đi địa bàn, về các buôn, làng. Quá trình ấy giúp anh nhận ra nhiều điều thú vị trong đời sống văn hóa, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Không chỉ vậy, trong những ngày sống gắn liền với vùng đất cao nguyên đầy nắng gió, anh Bộ gặp gỡ, kết thân với nhiều bạn là người dân tộc bản địa. Dần dà, anh hiểu và yêu thích văn hóa đặc trưng của đồng bào từ lúc nào không hay.
Xuất phát từ tình cảm ấy, thiếu tá Đinh Văn Bộ nhen nhóm ý tưởng sưu tầm các hiện vật văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên.
Suốt gần 10 năm nay, anh Bộ đi khắp các buôn, làng, chắt chiu từng đồng lương để sưu tầm các hiện vật văn hóa. Anh còn dành thời gian nghiên cứu, gặp gỡ các già làng để lắng nghe các câu chuyện chứa đựng nét văn hóa riêng của từng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Đến nay, thiếu tá Bộ đã sở hữu hơn 1.000 hiện vật mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, có tuổi đời từ vài chục đến hàng trăm năm tuổi.

Trong căn nhà cấp 4 của gia đình anh Bộ, các cổ vật được trưng bày rất khoa học, gồm các nhóm: gốm, trang sức, nhạc cụ, đan lát, săn bắn, vũ khí... có những hiện vật, anh phải mất rất nhiều thời gian, tiền bạc mới có thể sưu tầm được.
Đó là chiếc chóe “cây mai”, anh phải mất 5-6 năm đeo đuổi thì chủ nhân mới đồng ý nhượng lại. Với đồng bào Tây Nguyên, chóe không chỉ dùng đựng rượu cần, mà còn là tài sản quý của gia đình, là thước đo về sự giàu có và uy lực.
Chóe dùng trong các dịp cúng tế thần linh; dùng làm sính lễ trong cưới hỏi, là tài sản chia cho người quá cố. và chóe là vật dùng để nộp phạt với những ai vi phạm luật tục của cộng đồng.
Ngoài chóe cổ, anh Bộ còn sưu tầm được hàng chục bộ cồng, chiêng. “Cồng, chiêng thường được đúc bằng đồng đen, đáng giá cả gia tài. Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, cồng, chiêng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh" - Anh Bộ chia sẻ.

Việc sưu tầm hàng nghìn hiện vật văn hóa các dân tộc Tây Nguyên của Thiếu tá Đinh Văn Bộ góp phần rất lớn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn. Thời gian qua, rất nhiều người dân, du khách đến thăm quan các hiện vật mà anh Bộ đã sưu tầm được để tìm hiểu về văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.