Tiêu điểm: Nhân Humanity

90 năm Dân vận – xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới

(VOH) - Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, người làm công tác dân vận cần đổi mới tư duy, nhận thức đúng quy luật phát triển; Luôn quan sát, nắm bắt sự vận động của thực tiễn;

Hiểu được dân đang nói gì, muốn gì ở Đảng; Bên cạnh đó, người làm công tác dân vận cần chỉ ra điều hay, lẽ phải trong việc đưa chủ trương, chính sách vào cuộc sống; cần có những hành động thiết thực, gương mẫu để nhân dân noi theo... Thực tế cho thấy, Đảng và Nhà nước không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết toàn đảng, toàn dân, toàn dân tộc và ngay cả đoàn kết quốc tế. Đây chính là truyền thống quý báu và là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta. Tọa đàm trong loạt bài “90 năm Dân vận - xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới” có sự tham gia của ông Ngô Văn Luận – Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, bà Nguyễn Trần Phượng Trân – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM và ông Ngô Thanh Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM. 

*VOH: Có thể thấy là dù ở giai đoạn, thời điểm nào thì cán bộ dân vận cũng đóng vai trò quyết định. Như vậy công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ làm công tác dân vận đã được Ban dân vận Thành ủy chú trọng bồi dưỡng ra sao trong thời gian tới, thưa ông Ngô Văn Luận?

Ông Ngô Văn Luận: Vấn đề thứ nhất, tập trung củng cố kiện toàn các cơ quan chuyên trách tổ chức làm công tác dân vận của Đảng và hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các hệ thống chính trị đoàn thể các cấp, nhất là các đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy. Thứ hai, tham mưu cho Thành ủy thực hiện tốt công tác luân chuyển các bộ làm công tác mặt trận tổ quốc, hệ thống chính trị xã hội sang làm công tác đảng, công tác chính quyền, và ngược lại. Đồng thời nghiên cứu điều chỉnh bổ sung một số chính sách để chăm lo cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội. Giải pháp thứ ba là tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu, cho cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo ở hai trình độ là cử nhân và cao học. Hàng năm, bồi dưỡng tập huấn về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo cho đội ngũ cán bộ đương chức với nội dung và hình thức phù hợp.

Các cá nhân nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp dân vận” của Ban Dân vận Trung ương năm 2018. Ảnh: VOH

*VOH: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh có dạy “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, phong trào thi đua dân vận khéo đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực. Xin các vị khách mời cho biết một số kết quả nổi bật trong phong trào này. Xin mời ông Ngô Thanh Sơn?

Ông Ngô Thanh Sơn: Chúng tôi đã triển khai thực hiện nghiêm túc chủ đề năm 2020 của Chỉ thị 05 Bộ Chính trị về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thứ hai, thực hiện có hiệu quả các tiêu chí, trong đó có tiêu chí rèn luyện tư cách người cán bộ mặt trận. Thứ ba, trao giải thưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp, những công trình có giá trị ở các lĩnh vực, góp phần vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Thứ tư, về phong trào dân vận khéo, tiếp tục lan tỏa sâu rộng. Nhiều mô hình điển hình tiêu biểu xuất hiện. Cụ thể như là Ngày thứ sáu nghe dân nói của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Quận 12; Vận động giảm giá không tăng giá thuê phòng của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam quận Thủ Đức; Mỗi tuần 15 phút vì Thành phố sạch đẹp văn minh của nhân dân phường Bến Thành Quận 1…

*VOH: Thưa bà Nguyễn Trần Phượng Trân, xin bà cho biết đơn vị của mình đã thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo như thế nào?

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân: Phong trào thi đua dân vận khéo thì các cấp hội đã làm thường xuyên. Xuất phát từ những phong trào như vậy thì chúng ta mới đúc kết những mô hình, những giải pháp, mang lại tính hiệu quả cao, tính ứng dụng cao, đem lại hiệu quả thiết thực của hội, thu hút đông đảo phụ nữ các giới đến với tổ chức hội. Tiêu biểu như mô hình tổ tư vấn cộng đồng, chương trình mang tính hiệu quả rất cao, như chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai.

*VOH: Thưa ông Ngô Văn Luận, ở góc độ là Ban dân vận Thành ủy thì ông thấy phong trào dân vận khéo ở Thành phố Hồ Chí Minh nổi bật ở kết quả nào?

Ông Ngô Văn Luận: Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên triển khai phong trào dân vận khéo từ năm 2007 và nhân rộng ra cả nước. Qua hơn 10 năm thực hiện phong trào dân vận khéo, đã thể hiện tính thiết thực, cụ thể và phong trào gắn với cuộc vận động. Năm 2020, Ban dân vận Thành ủy thiết thực kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng thì chúng tôi cũng có kế hoạch tổ chức hội thi tuyên truyền viên giỏi, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua các hội thi trên thì Ban Dân vận Thành ủy tổ chức liên hoan và giới thiệu điển hình về dân vận khéo.

*VOH: Như vậy, những vấn đề đặt ra cho công tác dân vận trong việc xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là gì? Xin mời bà Nguyễn Trần Phượng Trân nêu ý kiến?

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân: Theo tôi, cần quan tâm một số việc như sau:

Thứ nhất, cấp ủy chính quyền các cấp khi ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch dự án về phát triển kinh tế văn hóa, xã hội cho việc xây dựng đời sống, hướng đến việc giải quyết các nhu cầu nguyện vọng của nhân dân, thì chúng ta luôn đặt lợi ích của nhân dân là trên hết để chúng ta thực hiện. Khi tổ chức thực hiện thì cần phù hợp để cho người dân họ tham gia giám sát được phản biện. Như vậy chúng ta mới thực hiện đúng phương châm “dân biết dân bàn dân làm dân kiểm tra”, để ý đảng hợp lòng dân.

Thứ hai, đối với tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, thì chúng ta phải thật sự gương mẫu để vận động nhân dân noi theo. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận, đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác dân vận, để công tác dân vận đi trước một bước, làm cho người dân hiểu, người dân tin và người dân ủng hộ. Mới tạo được sức mạnh tổng hợp để chúng ta xây dựng và phát triển thành phố.

*VOH: Thưa ông Ngô Thanh Sơn, ông có ý kiến ra sao về vấn đề đặt ra cho công tác dân vận trong việc xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc?

Ông Ngô Thanh Sơn: Theo tôi, cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đạt chất lượng. Tất cả người làm công tác dân vận phải thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người cũng đã đề cập đến tiêu chuẩn của người làm công tác dân vận, cần phải “Mắt nghĩ, óc trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” chứ không phải chỉ nói suông, ngồi viết mệnh lệnh. Vấn đề đặt ra cho công tác dân vận hiện nay là vấn đề về truyền thông. Cần phải truyền thông cho nhân dân thấy được các kết quả minh bạch, rõ ràng từ những chính sách chủ trương của đảng, Nhà nước đã ban hành và hiệu quả của nó để cho người dân tin tưởng vào đường lối chính sách của đảng, tham gia thực hiện hoạt động. Và sau đó là công tác phối hợp để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

*VOH: Thưa ông Ngô Văn Luận, những vấn đề đặt ra cho công tác dân vận trong việc xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay là gì?

Ông Ngô Văn Luận: Trong thời gian tới, đối với các cấp ủy, chính quyền phải cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo chỉ đạo. Trong đó đặc biệt, nội dung và phương thức sao cho thật hiệu quả, thiết thực, gần dân sát dân, thấu hiểu nhân dân. Cán bộ đảng viên phải thật sự nêu gương. Bên cạnh đó, mặt trận tổ quốc và các hệ thống chính trị xã hội các cấp cần tiếp tục đa dạng và thiết thực các nội dung hoạt động của mình. Tiếp tục tập trung hướng về cơ sở, chú trọng công tác tuyên truyền vận động rộng rãi cho các giới, các đối tượng trong các tôn giáo, các chức sắc và đồng bào có đạo. Tích cực tham gia vào phong trào thi đua yêu nước và chấp hành tốt pháp luật của đảng, nhà nước.

*VOH: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra. Vậy để tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận thì cần tập trung thực hiện một số giải pháp. Xin mời ông Ngô Thanh Sơn:

Ông Ngô Thanh Sơn: Thứ nhất, công tác phối hợp giữa chính quyền các cấp với Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các hệ thống chính trị xã hội trong thực hiện qui chế dân chủ cơ sở. Thứ hai, tổ chức tốt công tác tiếp công dân, tổ chức thực hiện đối thoại với nhân dân, lắng nghe giải quyết kịp thời những kiến nghị, những bức xúc tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Thứ ba, Mặt trận tổ quốc Thành phố là đơn vị chủ trì trong công tác khảo sát đánh giá sự hài lòng của người dân. Đây cũng là nhiệm vụ cần tập trung của Mặt trận chúng tôi trong giai đoạn sắp tới. Thứ tư, đối với Mặt trận tổ quốc và các hệ thống chính trị xã hội thì chúng tôi đã xây dựng và trình thường trực thành ủy đề án Về nâng cao vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam Thành phố và nhân dân giám sát đảng và chính quyền các cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn năm 2020 – 2030.

*VOH: Thưa ông Ngô Văn Luận. Đất nước đang đứng trước cơ hội và thách thức như vậy thì theo ông chúng ta cần thực hiện tốt những nhiệm vụ giải pháp gì?

Ông Ngô Văn Luận: Để làm tốt công tác dân vận thì Cấp ủy các cấp là cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận của Đảng. Trong đó nhất là công tác dân vận của chính quyền. Gắn với đó là tiếp tục gắn qui tắc dân chủ ở cơ sở và tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua dân vận khéo. Giải pháp ba, công tác dân vận từng địa phương, cơ quan đơn vị phải được cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, làm việc, phải xác định trọng tâm trọng điểm. Để làm tốt những vấn đề đó sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện xây dựng và phát triển của thành phố vào thời gian tới.

*VOH: Xin cảm ơn ông Ngô văn Luận. Thưa quý vị! Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết, đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đó là truyền thống qúy báu và là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta.

Bình luận