Chống chạy chức, chạy quyền trước nhiệm kỳ đại hội Đảng các cấp

(VOH) - Quy định 205-QĐ/TW được Bộ Chính trị ban hành nhằm kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền nhất là trước thềm Đại hội Đảng các cấp sắp tới đây.

Trong bối cảnh đang chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Công tác nhân sự đang được các cấp ủy quan tâm triển khai từng bước. Công tác tổ chức Đại hội luôn gắn với công tác nhân sự trước, trong và sau đại hội đang được các cấp ủy triển khai.

hội nghị trung ương 4 khoa XII

Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muốn thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Theo đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, công tác cán bộ là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt”. 

Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có thể nói đội ngũ cán bộ các cấp có sự trưởng thành, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, công tác cán bộ còn hạn chế, bất cập, trong đó nổi lên tình trạng bổ nhiệm không đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Tình trạng chạy chức, chạy quyền trong những vụ việc xảy ra ở một số địa phương gây bức xúc trong Đảng và xã hội. Vì vậy, trong khóa XII, Đảng đã có nghị quyết Trung ương 7 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đặc biệt Đảng đề ra phải “kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền”.

Thẳng thắn mà nói công tác cán bộ còn khe hở, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém, chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả.

Đơn cử như ở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, nơi có 46 biên chế thì 44 người giữ chức vụ lãnh đạo từ phó trưởng phòng trở lên là một chuyện thật mà như đùa. Bên cạnh đó, có thể liệt kê hàng loạt vụ bổ nhiệm thần tốc, bổ nhiệm người nhà, người thân không đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nhiều địa phương, ngành nghề, lĩnh vực bị phanh phui, lên án.

Ðược “nâng đỡ không trong sáng”, một nhân viên lao động nữ hợp đồng ở đơn vị sự nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã trở thành công chức, rồi được bổ nhiệm phó trưởng phòng, trưởng phòng, được đề nghị quy hoạch Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh hay con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vẫn được bổ nhiệm đến Giám đốc Sở Kế hoạch - Ðầu tư.

Để xảy ra tình trạng đó có nhiều nguyên nhân nhưng một nguyên nhân cơ bản là do thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực. Có những cán bộ lúc được chọn thì đủ điều kiện, tiêu chuẩn nhưng trong quá trình công tác thoái hóa, biến chất, tham nhũng, lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng chức vụ quyền hạn, thậm chí thao túng quyền lực trong công tác cán bộ, lợi dụng chạy chức, chạy quyền để thu lợi cá nhân.

Có tình trạng cán bộ được quy hoạch, đề cử để không muốn mất lòng, luôn im lặng trong thời điểm “nhạy cảm”, trong điều hành công việc không dám “quyết” vì dễ “đụng chạm”, mất phiếu bầu. Trước khi vào đại hội, có trường hợp lo vận động “hành lang”, tiếp xúc với người có quyền lực về công tác tổ chức để được lưu ý, giúp đỡ. Thậm chí còn tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân không lành mạnh.

Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 205-QĐ/TW đúng dịp toàn Ðảng đang triển khai thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội Đảng lần thứ XIII càng thêm ý nghĩa thiết thực, như lời răn đe những ai tham vọng quyền lực cũng không có cửa để "chạy" !

chống chạy chức chạy quyền

Quy định 205 nêu rõ có 6 hành vi “chạy chức, chạy quyền”, 8 hành vi bao che, tiếp tay cho “chạy chức, chạy quyền”. Các hành vi chạy chức, chạy quyền đó là, tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi. Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ tết, sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo...nhằm được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác, “cánh hẩu” vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một nhóm người.

Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả, cài đặt điều kiện, đòi hỏi vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi. Sử dụng các hành vi tiêu cực khác nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 với các biện pháp cụ thể, tinh thần quyết liệt hơn đối với kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Ðó là ý chí của Ðảng, là mong muốn, kỳ vọng của nhân dân, đòi hỏi những người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan làm công tác cán bộ và những cán bộ tham mưu trong công tác này hơn bao giờ hết thấy rõ trách nhiệm của mình trước Ðảng, trước dân trong thực hiện quy định.

Quy định 205-QĐ/TW ra đời chính là cơ chế, tạo mọi điều kiện để nhân dân giám sát cán bộ và công tác cán bộ một cách hiệu quả. Do vậy, cần tăng cường, mở rộng, phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội để cụ thể hóa thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ; mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp.

Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần lên án hành vi chạy chức, chạy quyền và ngăn ngừa nó với chính bản thân. Chúng ta tin tưởng rằng các cấp ủy Đảng triển khai có hiệu quả quy định 205-QĐ/TW sẽ kiểm soát có hiệu quả được quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ đặc biệt là thời điểm chuẩn bị đại hội Đảng các cấp hiện nay.

Thành ủy ban hành Kế hoạch tổ chức kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng Đảng viên hàng năm - Thành ủy TPHCM vừa ban hành Kế hoạch tổ chức kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.