Trong phần phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Văn kiện Đại hội XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ quyết liệt về phòng, chống tham nhũng: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.
Nhiệm kỳ Đại hội XIII này, nghị quyết đã đề ra có những bước phát triển mới về phòng, chống tham nhũng với nhiều biện pháp như hoàn thiện pháp luật, chính sách, tổ chức lại việc kê khai tài sản, kiên trì, kiên quyết và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề phòng chống tham nhũng: “Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”
Đó là quan điểm về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí từ Đại hội XII, báo hiệu việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí sẽ còn được thúc đẩy ở một mức cao hơn, quyết liệt hơn vì sự sống còn của Đảng.
Trải qua những nhiệm kỳ trước, bên cạnh những thành tựu đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, vẫn tồn tại một số bất cập, hạn chế. Hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn có một số quy định chưa phù hợp, tính khả thi thấp hoặc còn có "lỗ hổng" nhưng chưa được sửa đổi bổ sung, hoàn thiện kịp thời để làm cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống tham nhũng.
Việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức, hầu hết các bản kê khai chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Việc xử lý tham nhũng trong nhiều trường hợp còn chưa nghiêm, chưa kịp thời. Hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, vì vậy việc phát hiện và xử lý tham nhũng ngày càng gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt là việc xử lý và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ việc tham nhũng còn gặp rất nhiều khó khăn do một số nguyên nhân: bị can, bị cáo chết, trốn ra nước ngoài hoặc chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập nên tài sản có nguồn gốc tham nhũng dễ dàng bị tẩu tán. Việc triển khai thực hiện việc thu hồi tài sản tham nhũng còn rất hạn chế.
Trong nghị quyết đại hội XIII đã chỉ rõ: “Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật”. Đây là bước tiến mới về việc thu hồi tài sản bị thất thoát do tham nhũng, lãng phí.
Thành thật mà nói, tỷ lệ thu hồi tài sản Nhà nước trong các vụ án tham nhũng còn thấp. Đơn cử như vụ án Trịnh Xuân Thanh, tổng số tiền bị cáo này phải bồi thường là 122 tỷ đồng tuy nhiên chỉ thu hồi được 31 tỷ đồng, tức là bằng 1/4 số tiền bị thất thoát cho ngân sách nhà nước. Trong trường hợp này, bất cập về mặt luật pháp là các cơ quan tố tụng chỉ có thể áp dụng biện pháp phong tỏa, kê biên tài sản sau khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nên tài sản đã bị người vi phạm tẩu tán, chuyển qua cho công ty sân sau ngay khi quá trình tố tụng đang diễn ra.
Trong vụ án kinh tế Hứa Thị Phấn, hơn 50 quyền sử dụng đất, ước tính giá trị hàng ngàn tỷ đồng mà Tòa tuyên kê biên, nay đều đã hết hạn sử dụng. Theo luật, chỉ khi bà Phấn làm thủ tục gia hạn, cơ quan thi hành án mới có thể bán đấu giá để hoàn tiền về cho Nhà nước và điều này khó xảy ra!
Thu hồi tài sản có được do tham nhũng trong nước đã khó, thu hồi tài sản có nguồn gốc phi pháp được đưa ra nước ngoài còn khó hơn. Đơn cử như trong vụ án tham ô của Dương Trí Dũng xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, đến nay chưa thể thu hồi 4,3 triệu USD phi pháp dù Việt Nam đã đề nghị nước ngoài hỗ trợ tư pháp.
Thực tế đó cho thấy, không chỉ có những bất cập trong hệ thống pháp luật mà còn thiếu những quy định đủ mạnh trong quản lý, đăng ký tài sản hay xử lý tài sản không rõ nguồn gốc cũng khiến khả năng truy thu tài sản bất minh của tội phạm tham nhũng rất khó khăn.
Việc chậm trễ trong kê biên hay tịch thu, xử lý tài sản tham nhũng dù vụ án đã được khởi tố đã làm cho việc thu hồi tài sản tham nhũng không đạt hiệu quả cao. Sự chậm trễ trong công tác thanh tra, kiểm tra trước khi chuyển sang điều tra làm cho các đối tượng tham nhũng có thời gian tẩu tán tài sản. Như vậy tính răn đe của pháp luật không đạt hiệu quả. Tội phạm tham nhũng sẽ khó mà được ngăn chặn hiệu quả.
Một thực tế nữa hiện nay đó là nạn tham nhũng vặt đã trở nên “lờn thuốc”. Những vụ án tham nhũng có giá trị tài sản tiền của vài trăm triệu, vài tỷ thì không còn thu hút dư luận quan tâm khi mà các vụ án tham nhũng được phát hiện có con số thất thoát lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ ngày càng nhiều.
Việc khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng đã được đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII trong đó phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các cơ quan đài, báo, các doanh nghiệp và nhân dân tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Đảng ta xem đấu tranh phòng, chống tham nhũng là sự nghiệp của toàn dân. Quan điểm này được thể hiện rất rõ trong văn kiện đó là: “Nâng cao vai trò phát huy tính tích cực, chủ động và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.
Bên cạnh đó, có nhiều điểm mới về vấn đề động viên, khuyến khích, khen thưởng những tổ chức, cá nhân dám tố cáo hành vi tham nhũng, cơ chế bảo vệ những người tố cáo hành vi tham nhũng tránh sự trả thù hoặc trù dập đồng thời chỉ ra một số biện pháp về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát để phòng, chống tham nhũng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Văn kiện đại hội XIII đã nêu rõ trong phòng chống tham nhũng phải kiên quyết, kiên trì và sử dụng tổng hợp nhiều phương thức, biện pháp: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”