Chờ...

Gương điển hình ngành giao thông vận tải được tuyên dương

(VOH) - Anh Trần Viết Hải Đạt, Giám sát viên hệ thống điều phối giao thông hàng hải (Cảng vụ Hàng hải TPHCM) vinh dự được tuyên dương tại Đại hội thi đua yêu nước ngành GTVT năm 2020.

Khu vực cảng biển Đông Nam Bộ là khu vực trọng điểm trong việc phát triển kinh tế hàng hải của đất nước, đặc biệt tuyến luồng hàng hải Sài Gòn - Vũng Tàu, Cái Mép - Thị Vải có mật độ giao thông hàng hải cao nhất cả nước. Nhiệm vụ đảm bảo an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường hàng hải của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về hàng hải tại cảng biển trong khu vực là hết sức quan trọng, góp phần đảm bảo thông suốt tuyến luồng hàng hải, vận chuyển hàng hóa huyết mạch của khu vực cảng biển Đông Nam Bộ. Đặc biệt, từ năm 2012, Cảng vụ Hàng hải TPHCM đưa vào vận hành hệ thống giám sát điều phối lưu thông hàng hải đã mang lại hiệu quả cao, góp phần giảm đáng kể các vụ tai nạn hàng hải xảy ra trong khu vực. 

Anh Trần Viết Hải Đạt cũng là một trong 6 gương điển hình thi đua yêu nước ngành GTVT được cử tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc

Có nhiều đóng góp nổi bật, anh Trần Viết Hải Đạt, Giám sát viên hệ thống điều phối giao thông hàng hải, Phòng Điều phối lưu thông hàng hải, Cảng vụ Hàng hải TPHCM, mới đây vinh dự được tuyên dương tại Đại hội thi đua yêu nước ngành giao thông vận tải năm 2020. Anh cũng vinh dự được chọn là 1 trong 6 cá nhân điển hình ngành giao thông vận tải đề cử tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc. VOH có cuộc phỏng vấn anh Trần Viết Hải Đạt:

* VOH: Xin chào anh Trần Viết Hải Đạt. Là một trong 6 cá điển hình của ngành giao thông vận tải được chọn tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, anh chia sẻ vài suy nghĩ về vinh dự này?

Anh Trần Viết Hải Đạt: Cá nhân tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào, khi được chọn là 1 trong 6 cá nhân điển hình của ngành Giao thông vận tải được chọn tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, đây là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp và cũng là niềm khích lệ to lớn sau quá trình phấn đấu và công tác tại Cảng vụ Hàng hải TPHCM. Đến nay tôi cũng đã gắn bó với công việc được 7 năm.

* VOH: Nhiệm vụ đảm bảo an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường hàng hải của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về hàng hải tại cảng biển trong khu vực là hết sức quan trọng. Hiện đảm nhận vai trò giám sát viên Hệ thống giám sát điều phối lưu thông hàng hải (Hệ thống VTS), Cảng vụ Hàng hải TPHCM, xin anh chia sẻ cùng quý thính giả nghe Đài về công việc đặc biệt này?

Anh Trần Viết Hải Đạt: Hệ thống giám sát điều phối lưu thông hàng hải (Hệ thống VTS) là hệ thống dịch vụ ứng dụng công nghệ số hiện đại. Hệ thống được lắp đặt trên cảng hoặc bến tàu, hệ thống này tương tự như hệ thống điều khiển không lưu cho máy bay trên các vùng trời. Hệ thống VTS sử dụng các thiết bị như Radar, Camera giám sát (CCTV), VHF và Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) để theo dõi và lưu vết về sự di chuyển của tàu thuyền, hỗ trợ cho các tàu thuyền hành trình, cập và rời cầu an toàn. Ngoài ra, Hệ thống còn có ngân hàng dữ liệu Database. Tất cả các tín hiệu này được truyền về các trung tâm, qua thiết bị phần mềm xử lý, các tín hiệu mục tiêu được hiển thị trên màn hình điều khiển. Với các thiết bị hiện có trên, Hệ thống VTS biết được toàn cảnh mật độ giao thông hàng hải trên toàn bộ khu vực quản lý, để chủ động tổ chức giao thông hàng hải trên tuyến luồng ra vào các bến cảng.

* VOH: Quá trình công tác, điều phối lưu thông hàng hải, có những vụ việc, sự cố hàng hải mà anh tham gia xử lý để lại những ấn tượng nhất?

Anh Trần Viết Hải Đạt: Có 2 sự cố tai nạn xảy ra trong quá trình công tác mà mình nhớ nhất là: Vụ tai nạn tàu Vietsun Integrity (ngày 19/10/2019) trên sông Lòng Tàu đã làm tắc nghẽn tuyến luồng hàng hải chính vào Tp. Hồ Chí Minh, trung tâm VTS là đơn vị đầu tiên phát hiện thông tin, kịp thời thông báo cho các cơ quan hữu quan và trợ giúp hàng hải khu vực đã giúp ngăn chặn được nguy cơ tai nạn hàng hải tiềm ẩn và ô nhiễm môi trường. Những ngày tiếp theo thực hiện công tác trục vớt, Trung tâm VTS đã trực tiếp tham gia điều phối chính xác thời điểm cho các tàu qua lại an toàn khu vực tàu chìm và điều phối tàu thuyền ra vào trên các tuyến luồng lân cận như Soài Rạp, Sông Dừa, đảm bảo an toàn tuyệt đối, giảm thiểu thiệt hại cho chủ tàu, chủ hàng và cảng biển có tàu ra vào tại khu vực.

Trước đó vụ tai nạn đâm va giữa tàu Hải Thành 26 và tàu Petrolimex 14 (ngày 28/3/2017), mặc dù vị trí đâm va nằm ngoài khu vực VTS, nhưng Trung tâm VTS lại là đơn vị đầu tiên nhận được thông tin báo nạn từ tàu Petrolimex 14, sau đó kịp thời thông báo tới các cơ quan hữu quan cũng như cảnh báo cho các tàu hành trình ở khu vực gần đó tham gia cứu hộ, định vị khu vực đâm va và tàu chìm để các đơn vị chức năng tổ chức tìm kiếm người mất tích thành công.

* VOH: Mỗi sự cố hàng hải đều để lại hậu quả rất nghiêm trọng, nên công tác đảm bảo an toàn an ninh hàng hải là rất trọng yếu. Ngoài nhiệm vụ chính là đảm bảo an toàn hàng hải, Hệ thống VTS còn có thể hỗ trợ công tác đảm bảo an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, anh chia sẻ chi tiết về nhiệm vụ này?

Anh Trần Viết Hải Đạt: Hiện nay khu vực cảng biển Đông Nam bộ tiếp nhận lượt tàu biển chiếm 38% và lượt phương tiện thủy chiếm 51% trên cả nước, và là khu vực có mật độ giao thông hàng hải cao nhất cả nước.

Với các thông tin về vị trí tàu, số nhận dạng, cảng đến và hàng hoá trên tàu. Hệ thống VTS duy trì và giám sát lưu lượng tàu truy cập gần như tất cả các tàu trong khu vực VTS góp phần ngăn chặn các vụ khủng bố, cướp biển, bảo đảm an ninh hàng hải. Trong hàng hải vấn đề bảo vệ, phòng ngừa ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề đặt lên hàng đầu, nhờ hệ thống VTS giám sát, theo dõi chặt chẽ sẽ hạn chế đáng kể việc tàu thuyền cố ý xả thải chất gây ô nhiễm môi trường, kịp thời phát hiện và lý các sự cố tràn dầu.

Anh Trần Viết Hải Đạt cũng là một trong 6 gương điển hình thi đua yêu nước ngành GTVT được cử tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc

* VOH: Anh cũng từng tham gia nhiều khóa huấn luyện, đào tạo tiêu chuẩn quốc tế, qua đó đã ứng dụng, phổ biến kinh nghiệm thực tế trong quá trình điều hành hệ thống lưu thông hàng hải như thế nào?

Anh Trần Viết Hải Đạt: Năm 2016, nhờ các thành tích học tập và kết quả công tác trước đây, mình đã được nhận học bổng toàn phần do tổ chức Nippon Foundation của Nhật Bản tài trợ theo học chương trình Thạc sĩ Quản lý nhà nước về hàng hải tại Trường Đại học Hàng hải Thế giới tại Thụy Điển.

Năm 2018, mình được Cục Hàng hải Việt Nam cử tham dự khóa đào tạo về VTS tại Malaysia do Hiệp hội hỗ trợ hàng hải Nhật Bản tài trợ và tổ chức IALA giám sát. Khóa học gồm 20 học viên đến từ 10 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, trong đó bao gồm cả những quốc gia có ngành hàng hải phát triển như Singapore, Thái Lan, Malaysia. Mình đã giành được giải thưởng cho Học viên xuất sắc nhất khóa học và đúc kết được nhiều kiến thức cần thiết để áp dụng tại Việt Nam. Kết quả học tập, nghiên cứu đã được mình ứng dụng trực tiếp vào việc điều hành Hệ thống. Đồng thời, với kiến thức được đào tạo và kinh nghiệm thực tế về việc triển khai, vận hành Hệ thống VTS mình đã trực tiếp xây dựng bộ khung đào tạo tiêu chuẩn cho Điều hành viên VTS dành các đơn vị được đầu tư hệ thống VTS để khai thác, nhằm tiết kiệm được kinh phí thuê chuyên gia giảng dạy và phổ biến kinh nghiệm thực tế trong quá trình điều hành hệ thống lưu thông hàng hải phù hợp với đặc điểm tình hình giao thông hàng hải trong vùng biển Việt Nam.

Đối với công việc của chúng tôi, chủ động phòng ngừa, hành động kịp thời để ngăn chặn ngay từ đầu những biểu hiện gây mất an toàn, an ninh hàng hải trong khu vực là nhiệm vụ tiên quyết nhằm duy trì ổn định tuyến luống hàng hải huyết mạch phía Nam. Các Điều hành viên và Giám sát viên VTS Cảng vụ Hàng hải Thành phố luôn hiểu rõ và ý thức được nhiệm vụ quan trọng của mình, luôn quyết tâm đoàn kết, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

* VOH: Xin cảm ơn anh!