Mãi mãi biết ơn sự hy sinh, xương máu của các anh hùng, thương binh, liệt sĩ

(VOH) - Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 là ngày truyền thống đền ơn đáp nghĩa ở Việt Nam, qua đó, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với những người có công với cách mạng.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, thực dân Pháp vào thay thế Tưởng Giới Thạch ở Bắc Bộ và âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Toàn quân và dân ta bắt đầu cuộc chiến đấu mới chống thực dân Pháp. Nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã bị thương và hy sinh tại các chiến trường.

Để góp phần xoa dịu nỗi đau thương mất mát của gia đình các chiến sĩ. Chính quyền lúc ấy vận động thành lập một tổ chức có tên gọi là “Hội giúp binh sĩ tử nạn”.

Đến năm 1946, Hội Giúp binh sĩ tử nạn được thành lập ở Thuận Hóa, Bình Trị Thiên, ở Hà Nội và nhiều nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được mời làm Hội Trưởng danh dự của Hội.

Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn biết bao cán bộ chiến sĩ đã nằm lại tại đây.

Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ - Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ngày làm ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ. Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc.

Tại đây, Ban Tổ chức đã đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch.

Từ năm 1955, ngày 27/7 chính thức được đổi tên  thành ngày Thương binh - Liệt sĩ. Từ đó ngày 27/7 đã trở thành ngày truyền thống có tính nhân văn sâu sắc, mang đậm bản sắc truyền thống Việt Nam có ý nghĩa như một ngày tri ân với những sự hy sinh to lớn của các anh hùng, thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng.  

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, dù nước ta trong cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ đến công ơn của các thương binh, liệt sĩ. Trong Thư gửi đồng bào Việt Nam,Người bày tỏ: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam đã vì Tổ quốc mà hy sinh anh dũng”.

Bác đã dạy: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, yêu thương và giúp đỡ họ”.

Trải qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập và cuộc chiến tranh bảo vệ  tổ quốc, biết bao con người đã ngã xuống, mãi mãi để lại tuổi thanh xuân của mình nơi chiến trường. Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa, nhưng máu  của các anh hùng liệt sĩ vẫn luôn thắm đỏ màu cờ, sự mất mát của các thương binh, bệnh binh, sự đau thương của thân nhân liệt sĩ, những người ảnh hưởng di chứng chiến tranh vẫn chưa thể nguôi ngoai, vẫn còn biết bao vết thương chưa lành.

Kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ nhớ lại trong suốt 71 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chủ trương, chính sách, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của thương,bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Các phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng,” quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”… ngày càng phát triển sâu rộng, được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của xã hội ta. 

Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, tượng đài tổ quốc ghi công được quan tâm đầu tư xây dựng; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được các ngành các cấp và các đồng đội cũ triển khai tích cực. 

Đời sống của người có công với cách mạng và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện; nhiều tấm gương thương, bệnh binh có ý chí vươn lên, phấn đấu, tiếp tục có nhiều đóng góp xây dựng phát triển đất nước. 

Các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, cán bộ hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến bị địch bắt, tra tấn, tù đày nhưng vẫn bất khuất, một lòng trung kiên với cách mạng...

Họ đã có những cống hiến trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nay tiếp tục tích cực chăm lo, giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, là những tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập, noi theo. 

Nhớ ơn những người có công với cách mạng. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần có những giải pháp, biện pháp chăm lo thiết thực hơn nữa cho thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công; thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi, không để xảy ra tiêu cực trong việc thực hiện các chính sách cho người có công.

Tiếp tục xã hội hóa việc thực hiện chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công. Toàn dân tham gia chăm sóc người có công, trong đó, chính quyền các cấp cần giữ vai trò nòng cốt, đồng thời huy động các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, mạnh thường quân cùng tham gia.

Các cấp, các ngành và nhất là các cơ quan báo, đài cần thông tin, tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến trong việc thực hiện chính sách người có công, vinh danh thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ  là gương điển hình trong lao động, sản xuất, tham gia các hoạt động xã hội…

Phổ biến chính sách, pháp luật, giáo dục truyền thống yêu nước và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và lòng nhân ái làm cho các thế hệ mãi khắc ghi những cống hiến, hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh và những người có công với cách mạng.

Qua những cuộc chiến tranh, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống. Máu đào của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ Tổ quốc cho đất nước được như ngày hôm nay. Các anh hùng liệt sĩ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang tổ quốc.

Họ chiến đấu hy sinh để đất nước được độc lập, dân tộc mãi mãi trường tồn. Đảng và Nhà nước mãi mãi ghi ơn những sự hi sinh, cống hiến to lớn đó...

Trong tháng 7, những ngọn nến lung linh được thắp trên hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ từ  tuyến đầu  tổ quốc ở biên giới phía Bắc đến vùng cực Nam của Tổ quốc hay những vòng hoa đăng thả xuống trên những dòng sông, trên Biển Đông không chỉ là lời nhắc nhở về chủ quyền thiêng liêng, mà còn là sự gợi nhớ để chúng ta suy nghĩ về trách nhiệm, tình cảm của mỗi người dân hôm nay với  những  anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.

Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, với lòng biết ơn vô hạn, tửởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do và sự thống nhất đất nước, sự hy sinh đóng góp vô cùng to lớn của các thương bệnh binh, mẹ Việt Nam anh hùng, các người có công với cách mạng.

Chúng ta nguyện tiếp tục nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, bằng tình cảm và trách nhiệm quan tâm  đóng góp thực hiện tốt hơn nữa các chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công, góp phần làm  sáng mãi đạo lý nhân văn  của dân tộc Việt Nam.

Việt nam có 1.146 250 liệt sĩ trong đó, 191. 605 liệt sĩ kháng chiến chống pháp, 840.018 liệt sĩ kháng chiến chống Mỹ và 105.627 liệt sĩ trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc.

Có 200.000 mộ liệt sĩ chưa được qui tập về các nghĩa trang. 300.000 liệt sĩ cần xác định danh tính.

9.000.000 người có công.

Trên 127.000 mẹ Việt  Nam Anh hùng.

Gần 13.000 Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động

 Gần 800.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh.