Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Năm 2022: Công tác dân vận chú trọng xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở

(VOH) - Năm 2021, công tác dân vận trên địa bàn TPHCM tạo nên nhiều dấu ấn quan trọng, xây dựng mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa nhân dân và chính quyền TP, đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục sản xuất.

Trên cơ sở đánh giá kết quả đã làm được và xây dựng chương trình hành động trong năm mới gắn với chủ đề năm 2022 của thành phố, thông qua chương trình công tác năm 2022 của Ban Dân vận Trung ương, Ban Dân vận Thành ủy TPHCM đã tiếp thu, lĩnh hội và tham mưu, đề xuất những chương trình công tác dân vận thời kỳ mới. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là phải xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, đổi mới hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động của mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội.

VOH có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM.

nam-2022-cong-tac-dan-van chu-trong-xay-dung-he-thong-chinh-tri-o-co-so-voh.com.vn-anh1
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM. (Ảnh: TNO)

*VOH: Thưa ông, năm 2021 đã khép lại với nhiều thăng trầm, nhất là  từ những tác động của dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, công tác dân vận trên địa bàn thành phố đã để lại những dấu ấn thế nào?

- Ông Nguyễn Hữu Hiệp: Công tác dân vận năm 2021 của TPHCM đã thực hiện được nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Ngay sau Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Ban Dân vận thành ủy đã tham mưu cho Thành ủy ban hành chương trình hành động của công tác dân vận của nhiệm kỳ 2020 đến 2025 và ngay sau đó là thực hiện chủ đề năm “Phát huy dân chủ cơ sở” của Trung ương phát động và chủ đề năm của thành phố là “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”;

Ban Dân vận Thành ủy đã có nhiều chương trình công tác triển khai, đặc biệt là công tác dân vận chính quyền, tiến hành ký kết với UBND thành phố về công tác dân vận của chính quyền giai đoạn 5 năm.

Từ đó, xác định những biện pháp và giải pháp mới khi thành phố xây dựng chính quyền đô thị với mô hình mới. Ban Dân vận thành ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy ban hành đề án giám sát của Mặt trận tổ quốc và nhân dân đối với tổ chức Đảng, chính quyền của các cấp.

Hiện nay, đề án đang được quán triệt, triển khai xuống tới quận, huyện và phường, xã. Theo đó, hình thành ra cơ chế hội nghị nhân dân của các phường, quận không có Hội đồng nhân dân. Thông qua cơ chế này, người dân có thể tham gia xây dựng chính quyền.

Một nội dung nữa là phong trào thi đua dân vận khéo. Từ đầu năm, Ban Dân vận thành ủy đã phát động. Phong trào thi đua dân vận khéo được dự báo với việc phải tích cực hơn trong tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Từ những kinh nghiệm phòng, chống dịch năm 2020, các tổ công tác ở cơ sở sau đó hình thành tổ tự quản vùng xanh, tổ Covid cộng đồng. Năm 2021 đã phát huy các tổ này hiệu quả.

Khi dịch Covid-19 bùng phát với tốc độ, quy mô chưa từng có, tính lây lan nhanh, tính độc cao và gây thiệt hại rất lớn… hệ thống dân vận đã triển khai rất nhiều biện pháp. Quan trọng là phát huy được sự chủ động của người dân, tích cực tự giác mới xây dựng được các vùng xanh tự quản, các khu cách ly.

Quá trình công tác của Ban Dân vận thành ủy cũng đã kích hoạt được các hiệp hội trên địa bàn thành phố như: Hội doanh nghiệp thành phố cùng với các quận huyện thực hiện công tác an sinh, hỗ trợ thiết bị y tế trong phòng, chống dịch hoặc Hội Đông y đã tham gia cung cấp túi thuốc cho các trường hợp F0, gần đây cũng triển khai chương trình hậu covid, tầm soát cho các bệnh nhân covid…và còn nhiều hoạt động khác mà Ban Dân vận thành ủy đã tham mưu.

Điều quan trọng rút ra chính là, chúng ta phát hiện và tổ chức những phong trào phù hợp với người dân, vận động để người dân tham gia một cách tích cực nhất.

*VOH: Trong năm 2022, Ban Dân vận Thành ủy TPHCM đã xác định chương trình công tác dân vận trong thời kỳ mới với những nội dung trọng tâm nào, thưa ông?

- Ông Nguyễn Hữu Hiệp: Thông qua chương trình công tác năm 2022, Ban Dân vận Trung ương đã có định hướng 10 nội dung. Trên cơ sở đó, Ban Dân vận Thành ủy đã tiếp thu, lĩnh hội những nội dung này, và tham mưu, đề xuất cho Thành ủy chiến lược, chương trình công tác dân vận thời kỳ mới, sau đại dịch Covid-19.

Theo đó, quan trọng nhất vẫn là phải xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, tức là những tổ chức ở xã, phường, thị trấn, mô hình của tổ dân phố, của khu phố, của ấp, tổ nhân dân…phải tăng cường việc kiện toàn. Thứ hai là, phải đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội.

Phương thức đổi mới đầu tiên là chính thức đi vào thực hiện công tác giám sát của mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội đối với đảng và chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố ngay trong năm 2022. Đồng thời, tiếp tục phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tiến tới cuộc thi báo chí viết về công tác dân vận và tuyên giáo với chủ đề “Tình người nơi tuyến đầu phòng chống dịch”, góp ra thành những câu chuyện, theo chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy, phải biên niên sử lại giai đoạn phòng chống dịch ở mức độ cao.

Đồng thời, cũng phải tăng cường hơn nữa công tác dân tộc, công tác tôn giáo trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện Luật Tín ngưỡn tôn giáo, để tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.

*VOH: Thực hiện chủ đề năm 2022 của TPHCM, Ban Dân vận Thành ủy thành phố sẽ có chương trình hành động bám sát việc thực hiện chủ đề này như thế nào?

- Ông Nguyễn Hữu Hiệp: Chủ đề năm 2022 mà Thành ủy thành phố đã thông qua là: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cảo thiện môi trường đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Với chủ đề này, công tác dân vận chính quyền sẽ là trọng tâm, xuyên suốt trong năm 2022. Công tác dân vận chính quyền mà làm tốt thì mới đồng hành cùng doanh nghiệp, mới có thể giải quyết các công việc của người dân như Bác Hồ thường hay nói “Chúng ta là công bộc của nhân dân”.

Theo đó, các sở, ban ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức phải có những kế hoạch bổ sung, sửa đổi các bộ thủ tục rườm ra, gây ảnh hưởng cho người dân trong thời gian qua. Đồng thời, các sở, ban, ngành cần có chương trình để chỉ ra rằng, chúng ta đồng hành cùng doanh nghiệp như thế nào? Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị cũng phải có kế hoạch đồng hành cùng với doanh nghiệp như thế nào?

Có thể lấy ví dụ, một trưởng khu phố trên địa bàn dân cư là Hội Cựu chiến binh, thì hội viên hội Cựu chiến binh đồng hành với doanh nghiệp ngay trong khu phố như thế nào để hỗ trợ ổn định, duy trì sản xuất trên địa bàn.

*VOH: Cảm ơn ông

Bình luận