“Phát triển nông nghiệp đô thị Thành phố theo hướng công nghệ cao”

(VOH) - Sau gần 10 năm thực hiện đề án phát triển nông nghiệp đô thị, diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại TPHCM ngày càng tăng.

Thu nhập bình quân của nông dân đã tăng từ 25 triệu đồng/người/năm năm 2011 lên 63 triệu đồng/người/năm vào năm 2019. Hiện Thành phố có 130 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động.

Thành ủy đã công bố dự thảo (lần 2) báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, nhằm lấy ý kiến từ các ban Đảng, các bộ ngành, chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, cử tri, người dân thành phố. Về lĩnh vực nông nghiệp được đề cập trong văn kiện, TS Đỗ Việt Hà – Phó Trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố có ý kiến phân tích chuyên sâu về nông nghiệp đô thị và đồng tình ủng hộ nội dung liên quan đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong dự thảo.

Tiến sĩ Đỗ Việt Hà – Phó trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM. Ảnh: TNO 

“Trong báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, dự thảo lần 2, trang 76 có nội dung liên quan đến nông nghiệp. Đó là chương trình phát triển cây giống, con giống và nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2020 – 2030. Chúng tôi thấy rằng đây là một trong những chương trình “sát sườn” và phục vụ hiệu quả cho nông nghiệp Thành phố. Đặc biệt trong bối cảnh TPHCM đất sản xuất nông nghiệp không nhiều nên chúng ta chọn chương trình cây con giống, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đó là một chương trình chúng ta có lợi thế hơn so với các địa phương.

Trong chương trình này thì chúng tôi thấy rằng các điều kiện cần và đủ của Thành phố có lợi thế hơn với các tỉnh khác. Ví dụ như chúng ta có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trong ngành sinh học, nông nghiệp, các trường đại học, các viện nghiên cứu của chúng ta cũng nhiều hơn các tỉnh thành. Do đó chúng ta dễ thực hiện hơn so với các tỉnh. Đồng thời trong giao lưu, quan hệ quốc tế thì chúng ta cũng có nhiều hơn. Và đa số các doanh nghiệp về giống khu vực miền Nam cũng tập trung ở TPHCM. Cho nên nếu chúng ta phát triển chương trình giống, cây, con thì chúng ta sẽ có thuận lợi, hiệu quả nhiều hơn.

Tuy nhiên, nhìn một cách rộng hơn về nông nghiệp Thành phố thì cá nhân tôi thấy rằng, TPHCM là một đô thị cho nên nông nghiệp Thành phố tôi nghĩ chúng ta nên chọn làm nông nghiệp đô thị. Trong đó thực hiện các nhánh về cung cấp thực phẩm; nông nghiệp phục vụ cho cây xanh, cảnh quan; giải quyết việc làm cho người nông dân được đô thị hóa những chưa có việc làm ổn định. Bên cạnh đó là nông nghiệp cung cấp thực phẩm tươi sống tại chỗ, như một số loại rau chúng ta chuyên chở từ chỗ khác về sẽ hư. Nếu như chúng ta trồng tại vùng ven như Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi rồi chúng ta đưa vào sẽ tốt hơn. Rồi cây hoa kiểng, cá cảnh thì đó là một trong những nhánh chúng ta phát triển nông nghiệp.

Mặt khác, nếu phát triển nông nghiệp đô thị thì có thêm các chức năng như tiếp xúc nông nghiệp. Người đô thị thì luôn hướng về nông thôn, hướng về cái nôi của mình là văn hóa nông nghiệp. Thứ hai là chức năng thẩm thấu nước để tránh hiện tượng ngập cục bộ trong mưa. Thứ ba là chức năng về văn hóa, giáo dục, sinh thái. Tôi nghĩ các chức năng này của nông nghiệp đô thị sẽ giúp cho Thành phố của chúng ta có bức tranh toàn diện hơn.

Đồng thời trong dự thảo văn kiện có phần phát triển nguồn nhân lực và văn hóa TPHCM ở trang 75, thì chương trình đột phá này ngành nông nghiệp có một phần tham gia được là đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp. Người nông dân sau khi học có thể ứng dụng được các kỹ thuật cao, kỹ năng cao và hiểu được công nghệ cao ứng dụng trong sản xuất. Như vậy chúng ta mới có lực lượng lao động đáp ứng được chuyện phát triển nông nghiệp đô thị có ứng dụng công nghệ cao.

Qua văn kiện chúng tôi thấy rằng có dành nhiều không gian, nội dung cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Chúng tôi hy vọng rằng trong nhiệm kỳ mới, lãnh đạo Thành ủy – UBND Thành phố sẽ có những chỉ đạo sâu sắc, quyết liệt hơn để cho ngành nông nghiệp TPHCM mang tính đặc thù đô thị. Trong đó thể hiện vai trò dẫn dắt và có tầm ảnh hưởng với các tỉnh thành khác. Ví dụ như chúng ta phát triển nông nghiệp theo hướng tạo ra giống và công nghệ cao thì chúng ta sẽ tăng thêm nguồn thu dịch vụ từ công tác chuyển giao công nghệ, tập huấn – huấn luyện, đào tạo nhân lực cho các tỉnh và tiêu thụ các sản phẩm trí tuệ. Như vậy thì các tỉnh tiếp nhận công nghệ, hạt giống của chúng ta, được đào tạo nhân lực rồi họ sẽ sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành vừa phải cung cấp cho bà con ở Thành phố." 

Minh Phước ghi 

Cuộc chiến chống COVID-19 đã bắt đầu thời kỳ cao điểm, không được chủ quan, lơ là - Sáng 7/8 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ (trực tuyến) về công tác phòng chống COVID-19 với các tỉnh thành địa phương có dịch COVID-19.
Sau TPHCM, Hà Nội sẽ xử phạt người không đeo khẩu trang từ 7/8 - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết từ hôm nay (7/8) Hà Nội sẽ triển khai lực lượng xử phạt các trường hợp không đeo 
Bình luận