TPHCM tập trung phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội

(VOH) - Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI mở rộng lần thứ 10 đã họp phiên bế mạc vào chiều nay 2/12.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhận xét, Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI đã bàn và quyết định những vấn đề rất quan trọng về kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị - là một quyết tâm chính trị trong công tác lãnh đạo của thành phố.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, đánh giá, cuối tháng 9/2021, TPHCM đã từng bước kiểm soát dịch COVID-19 để bước sang trạng thái “bình thường mới”, nhưng thành phố đã gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề, nhiều người đã không thể vượt qua, các mặt của đời sống, kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Quý I-2021, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố phát triển khá đồng đều và ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 4,58%. Đến 6 tháng đầu năm thì bắt đầu chững lại và cuối năm 2021, kinh tế - xã hội sụt giảm nghiêm trọng. Theo dự toán, năm nay có thể hoàn thành 13/29 chỉ tiêu, không hoàn thành 14/29 chỉ tiêu và còn 2 chỉ tiêu đến cuối năm mới đủ cơ sở tính toán. Dù vậy vẫn có một số điểm sáng, trong đó, kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) tăng 2,8%; kim ngạch nhập khẩu tăng 24,9% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tổng thu ngân sách Nhà nước đến cuối năm có thể phấn đấu đạt 100% chỉ tiêu.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy đã kết luận Hội nghị về các nhóm giải pháp với những nhiệm vụ cụ thể trong năm 2022.

Về nhóm vấn đề kinh tế - xã hội

Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Hội nghị thống nhất đánh giá năm 2021 là năm rất đặc biệt, chưa từng có tiền lệ, khi phải ứng phó với đại dịch COVID-19. Toàn hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân thành phố đã chung sức đồng lòng, nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống; từng bước vượt qua thử thách và đến nay đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, bước vào giai đoạn “bình thường mới”. Từ thực tiễn ứng phó với đại dịch, Hội nghị đã thống nhất rút ra một số bài học rất quan trọng. Hiện nay, thế giới lại phải đối mặt với biến thể mới mang tên Omicron rất đáng quan ngại, cần chuẩn bị các kịch bản ứng phó.

Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022, Hội nghị thống nhất đánh giá: đại dịch COVID-19 đã gây tác hại rất nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội thành phố, đến mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến một bộ phận người lao động. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận khách quan vẫn còn nhiều điểm sáng rất cần nghiên cứu, tìm nguyên nhân, bài học thành công trong gian khó, nhất là thu ngân sách nhà nước đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, kim ngạch xuất khẩu giữ được ổn định; nhiều doanh nghiệp thành lập mới, trụ vững và quay lại thị trường nhờ biết thích ứng, linh hoạt, sáng tạo chuyển đổi phương thức sản xuất kinh doanh, áp dụng công nghệ thông tin. Hội nghị đã xem xét, thảo luận và cơ bản đồng tình với chủ đề của thành phố năm 2022: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”; thống nhất về mục tiêu tổng quát và 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu cùng với 7 nhóm giải pháp và 21 nhiệm vụ cụ thể. Toàn hệ thống chính trị sẽ tập trung nỗ lực cao nhất phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 từ 6%-6,5%.

Về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, Hội nghị đã thảo luận, cơ bản thống nhất các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, với tinh thần: không thay đổi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đề ra, trên cơ sở điều chỉnh một số nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên phù hợp với yêu cầu tình hình mới. Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung phát triển kinh tế số, chú trọng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động.

Về nhiệm vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hội nghị đã thống nhất với Tờ trình của Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố về quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc và các nội dung quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu về quan điểm lập quy hoạch, lưu ý đánh giá đầy đủ vị trí địa kinh tế - chính trị của Thành phố Hồ Chí Minh; bối cảnh và các tác động từ bên ngoài đến sự phát triển của thành phố…

toàn cảnh
Hôi nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến, có thảo luận tại Hội trường 03 điểm cầu

Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022

Hội nghị thống nhất đánh giá từ sau Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đến nay, hệ thống chính trị đã có chuyển biến rất rõ, trước hết là vai trò trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân vô điều kiện; tinh thần đoàn kết, thống nhất, chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đưa nghị quyết vào cuộc sống. Qua thử thách chưa từng có trong ứng phó với đại dịch, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên đã tỏ rõ tinh thần trách nhiệm. Trong gian khó đã phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vượt qua thử thách. Tuy vậy, Hội nghị cũng nhìn nhận tổ chức bộ máy của thành phố còn bộc lộ nhiều bất cập, giữa dân số với bộ máy quản lý, nhất là về y tế cơ sở.

Theo đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM, qua thử thách chưa từng có trong ứng phó với đại dịch vừa qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên đã tỏ rõ tinh thần trách nhiệm. Nhiều đồng chí không ngại khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh; tình nguyện ra tuyến đầu lúc “dầu sôi lửa bỏng”, suốt hàng tháng trời “chiến đấu” trong điều kiện hết sức khắc nghiệt của dịch bệnh và kiên cường, bền bỉ vượt qua.

“Từ trong gian khó, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vượt qua thử thách đã được phát huy”, đồng chí Nguyễn Văn Nên biểu dương và chia sẻ với bất cập giữa dân số với bộ máy quản lý, nhất là về y tế cơ sở trong tổ chức bộ máy đang tồn tại trên địa bàn thành phố.

Song, đồng chí cũng bày tỏ không hài lòng về một bộ phận cán bộ, thậm chí có cả cán bộ cốt cán thiếu trách nhiệm, tâm huyết, thiếu bản lĩnh và có biểu hiện tiêu cực, né tránh, ngại khó, ngại khổ.

Vì vậy, đồng chí yêu cầu cần thực hiện tốt chủ đề về công tác xây dựng Đảng năm 2022 đã được hội nghị xác định. Đó là: “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên”.

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu phải tổ chức lại công tác đánh giá cán bộ một cách thực chất hơn nữa, thực hiện nghiêm các quy trình công tác cán bộ; nâng cao chất lượng tham mưu và phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị.

Hội nghị đã thảo luận và cơ bản thống nhất chủ đề về công tác xây dựng Đảng năm 2022 là: “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phát huy tính tiền phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên” với 8 nhiệm vụ trọng tâm và các nhóm giải pháp chủ yếu. Trong đó đặc biệt lưu ý đến việc tiếp tục tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các quy định, kết luận, chỉ đạo của Trung ương và phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021. Tăng cường công tác xây dựng Đảng về đạo đức, đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo hơn nữa, triển khai hiệu quả các nội dung trọng tâm, quan trọng đã được hội nghị thông qua. Qua đó nhằm tạo niềm tin, động lực mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị năm 2022, tạo đà cho các năm sau hướng đến mục tiêu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM.

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị với tỉ lệ nhất trí cao (100%).

Trước đó, phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu, xác định các vấn đề đặt ra trong thời gian tới, gồm: xây dựng, kết nối và sử dụng dữ liệu phục vụ phòng chống dịch Covid-19, điều hành kinh tế xã hội và quản trị thành phố... năm 2022, để thích ứng linh hoạt, TPHCM thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ. Trong đó, y tế là trụ cột hàng đầu, trọng tâm để đảm bảo an toàn cho phục hồi kinh tế, không phải là siết chặt các hoạt động. TPHCM tập trung phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và huy động các nguồn lực phát triển. 

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM nhấn mạnh, năm 2022, HĐND TPHCM thực hiện Đề án nâng cao chất lượng công tác giám sát của HĐND TPHCM trong điều kiện thực hiện chính quyền đô thị. HĐND TPHCM chú trọng ban hành các chính sách đặc thù nhằm phòng chống dịch, phục hồi kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội; tập trung công tác cải cách hành chính, Đề án xây dựng đô thị thông minh, phát triển hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị; phát huy vai trò giám sát của các đại biểu Hội đồng nhân dân…

Bình luận