Chờ...

Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân

(VOH) – Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.

Từ ngàn năm xưa, các triều đại phong kiến đều ý thức việc “lấy dân làm gốc” qua câu “dĩ dân vi bản”. Lịch sử Việt Nam cho thấy sự suy tàn dẫn đến sụp đổ của các triều đại trong thời phong kiến đều có nguyên sâu xa là đã không coi trọng dân, để cuộc sống người dân lầm than, oán hận dẫn đến các cuộc khởi nghĩa lật đổ, đó chính là do không biết lấy dân làm gốc.

Ý thức về điều này, nhiều triều vua đã biết lấy dân làm gốc trong việc xây dựng đất nước và bảo vệ đất nước. Nếu không biết “lấy dân làm gốc” thì làm gì có  hội nghị Diên Hổng, hội nghị Bình Than dẫn đến chiến thắng Bạch Đằng đánh bại quân Nguyên Mông, làm sao có khởi nghĩa do Lam Sơn để rồi Lê Lợi đánh đuổi quân Minh giành lại độc lập cho nước nhà hay các vua đầu các triều đại như Lý Thái Tổ, Lê Thái Tổ… đã mở ra những giai đoạn mà người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đất nước thái bình thịnh trị được ghi mãi vào sử sách.

Đất nước có được những hồng phúc đó là nhờ những vị vua anh minh, có những bộ máy điều hành đất nước đã biết “lấy dân làm gốc” xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Hình minh họa

Thực tiễn lịch sử 4000 giữ nước của dân tộc Việt Nam đã cho thấy, trong suốt chiều dài lịch sử của mình, hiếm có dân tộc nào trên thế giới phải trải qua nhiều cuộc kháng chiến trường kỳ để bảo vệ độc lập, chủ quyền như Việt Nam. Trong chiều dài lịch sử đó đã chứng minh bằng nhận định mà tiền nhân để lại: “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước…”. Trong quan niệm truyền thống của người Việt Nam, vai trò của quần chúng nhân dân luôn được đề cao, thể hiện trong các tư tưởng " "dĩ dân vi bản" tức “lấy dân làm gốc”.

Đó là bài học lớn được đúc kết suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc được Đảng ta vận dụng thành công trong hơn 90 năm qua. Có Đảng mở đường, chỉ lối, cách mạng mới thành công. Chính nhân dân và chỉ có nhân dân mới là người hiện thực hóa được mục tiêu, lý tưởng mà Đảng đề ra, đã làm nên bao kỳ tích vĩ đại. Không có nhân dân sẽ không bao giờ có lực lượng cách mạng và phong trào cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người rất coi trọng những điều mà các bậc tiền hiền để lại, Bác đã biết tận dụng “kinh nghiệm” quí báu này mà đặt dân lên vị trí trung tâm của đất nước. Đó là “lấy dân làm gốc”, hơn thế nữa Bác đã vận dụng với yếu tố thời đại, kết hợp nhuẫn nhuyễn với chủ nghĩa Mác - Lê Nin trở thành tư tưởng Hồ Chí Minh.

Khi chủ nghĩa Mác - Lênin được Hồ Chí Minh du nhập và truyền bá vào Việt Nam, tư tưởng “dĩ dân vi bản" mới đã mang một hình thức hiện đại với nội dung toàn diện hơn, khoa học hơn, có tính phổ quát và hệ thống hơn. Toàn bộ di sản tư tưởng cũng như thực tiễn hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh luôn thể hiện rõ quan điểm "lấy dân làm gốc".

Sự phát triển mới về chất trong quan niệm về vai trò của dân không dừng lại ở giới hạn dân là gốc nữa mà được mở rộng thành "dân là chủ"; dân không những là nền tảng, hơn thế, còn là người làm chủ đất nước.

Lịch sử hơn 90 năm của cách mạng Việt Nam với rất nhiều thành công. Trong các cuộc cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh cho luận điểm lấy dân làm gốc. Trong toàn bộ quá trình lịch sử ấy, bài học "lấy dân làm gốc" vừa là nền tảng, vừa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là yếu tố quyết định mọi thành công của cách mạng. Toàn bộ di sản tư tưởng cũng như thực tiễn hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh luôn thể hiện rõ quan điểm "lấy dân làm gốc".

Theo  Bác, “lấy dân làm gốc” thì chúng ta cần: Tôn trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; Làm tốt công tác dân vận và nâng cao trách nhiệm của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng.

Một trong năm bài học mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đúc kết qua văn kiện đại hội là: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Từ năm 1998, chúng ta có Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở”. Thực hiện quy chế dân chủ ở địa phương để hiện thực hóa chủ trương “lấy dân làm gốc” trong hơn 20 năm qua.

Trong điều kiện hiện nay, phát huy quyền làm chủ của nhân dân được coi là một biểu hiện tập trung của tư tưởng “lấy dân làm gốc”, là một yếu tố bảo đảm sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Trong bất kỳ cuộc cách mạng nào dưới sự lãnh đạo của Đảng thì vai trò của quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo nên lịch sử. Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân và không có quần chúng nhân dân thì cũng không có lịch sử, không có thành quả cách mạng.

Mọi biểu hiện phê phán hoặc lên án quần chúng nhân dân là hành vi phê phán và lên án lịch sử bởi vì lịch sử và quần chúng nhân dân không tách rời nhau. Quần chúng nhân dân đóng vai trò là lực lượng quyết định sự thành bại của mọi cuộc cách mạng trong lịch sử.  

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quán triệt sâu sắc bài học "lấy dân làm gốc" và nêu cao tư tưởng cách mạng là của dân, do dân và vì dân.

bác Hồ dùng thử máy cấy

Bác Hồ dùng thử máy cấy tại Trại thí nghiệm lúa thuộc Sở Nông lâm Hà Nội năm 1960 - Ảnh tư liệu.

Người dạy cán bộ: "Quan tâm đến đời sống của quần chúng thì quần chúng sẽ theo ta, ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả, nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác” là cách làm công tác dân vận tốt. Khi làm tốt dân vận thì người dân chịu nghe theo, đồng lòng thì việc gì cũng sẽ gặt hái kết quả, cách mạng sẽ thành công.

Người còn giải thích rõ: dân chủ nghĩa là dân là chủ  dân làm chủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân tham gia vào sự nghiệp cách mạng và đưa sự nghiệp đó tiến lên. Đó là biết lấy dân làm gốc.

Người yêu cầu tất cả địa phương, cơ quan nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của dân và chịu sự kiểm soát của nhân dân. Người căn dặn cán bộ, đảng viên rằng, mỗi cán bộ trước hết là người "đầy tớ của dân" nên phải hết lòng phục vụ nhân dân đồng thời là người lãnh đạo hướng dẫn nhân dân nên phải có trí tuệ hơn người, biết nhìn xa trông rộng và phải gần gũi nhân dân.

Không chỉ đề cao vai trò, ý nghĩa của việc thực hiện dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn nhấn mạnh đến trách nhiệm, nghĩa vụ làm chủ của mỗi người dân; Gắn thực hiện dân chủ với xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành kỷ cương, luật pháp của nhà nước dân chủ.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thực sự "lấy dân làm gốc", cần phải tôn trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; Phải lấy mục đích bảo vệ cho nhân dân sống yên vui, hạnh phúc làm đầu, phải vì lợi ích của nhân dân mà phục vụ; Lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của mình.

Đối với cán bộ, Người thường xuyên nhắc nhở rằng, việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh.

“Đảng viên thì phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng. Tuyệt đối không được lên mặt "quan cách mạng" ra lệnh ra oai".

Đặc biệt, cần phải kiên quyết đấu tranh chống lại mọi biểu hiện xâm phạm lợi ích của nhân dân, vi phạm quyền làm chủ của dân, những thói mệnh lệnh, cửa quyền, ức hiếp nhân dân, không chú ý giải quyết những kiến nghị của nhân dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân. 

Làm tốt công tác dân vận có nghĩa là, phải "vận động tất cả mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho".

Người cán bộ phải thường xuyên đi xuống dân, gắn bó với dân; Tăng cường đối thoại với nhân dân, trực tiếp gặp gỡ, hỏi han và bàn bạc với dân, để nghe dân nói, xem dân làm, thấy được cách sinh hoạt, làm việc, cuộc sống của dân và quan trọng hơn là đi sâu tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc của họ, biết nhân dân đang nghĩ gì, cần cái gì, muốn cái gì, lo cái gì... Từ đó, đề ra hoặc sửa đổi, bổ sung chủ trương, chính sách làm cho ý Đảng, lòng dân thống nhất, hoà quyện với nhau.

Khi đã được dân đồng tình, ủng hộ thì mọi việc sẽ thành công.

Bác Hồ về thăm xã Xuân La (nay là phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP Hà Nội),

Bác Hồ về thăm xã Xuân La (nay là phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) vào ngày 23/11/1958. Ảnh tư liệu

Nâng cao trách nhiệm của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng là phải nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân đối với những âm mưu phá hoại, những luận điệu xuyên tạc, chống phá mà các thế lực thù địch có thể tuyên truyền trong quần chúng nhân dân hòng hạ thấp uy tín của Đảng, làm cho nhân dân mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, kích động nhân dân chống lại chế độ, gây mất ổn định chính trị và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Kinh nghiệm thực tiễn lịch sử của ông cha ta trong việc an dân, trị quốc cũng như kinh nghiệm của cuộc đấu tranh cách mạng qua các thời kỳ do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cho thấy, việc giữ dân, giành dân, an dân và đặc biệt là lấy dân làm gốc có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng và sự bền vững của chế độ.

Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong những năm qua vẫn tồn tại một số yếu kém, hạn chế nhất định. Tệ quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, ức hiếp, trù dập quần chúng, không quan tâm đến những nguyện vọng chính đáng của quần chúng, coi thường kỷ cương phép nước của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức quyền nhưng đã thoái hoá, biến chất… khiến cho quần chúng nhân dân bất bình, bức bối, giảm niềm tin vào Đảng và Nhà nước, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Tại Đại hội lần thứ IX, Đảng ta nhận định: "tình trạng tham nhũng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, gây bất bình và làm giảm lòng tin trong nhân dân". 

Trong điều kiện hiện nay, thực tế cho thấy, chỉ có phát huy sức mạnh làm chủ của nhân dân mới có thể chống tiêu cực, chống suy thoái, chống tham nhũng có hiệu quả, nhằm củng cố Đảng, làm trong sạch bộ máy Nhà nước, lành mạnh hoá các quan hệ xã hội.

Bài học đó vẫn giữ nguyên giá trị. Song, vấn đề không phải chỉ nêu lên khẩu hiệu “lấy dân làm gốc” mà quan trọng nhất là phải biến tư tưởng đó trở thành hiện thực, phải được thể hiện một cách sinh động, nhất quán trong hành động thực tiễn hàng ngày, hàng giờ của mỗi cán bộ, đảng viên.

Dịch Covid-19 ngày 6/5: Thế giới ghi nhận hơn 3,7 triệu ca nhiễm - Tính đến 6 giờ sáng ngày 6/5, thế giới đã ghi nhận hơn 3,7 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có gần 258 ngàn ca tử vong.