Việc nghiên cứu tư tưởng của Bác luôn có sức hấp dẫn và thuyết phục

(VOH) - Việc nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là đề tài luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Mới đây, tác phẩm “Từ “Đường cách mệnh” đến “Sửa đổi lối làm việc” - Ánh sáng xuyên thế kỷ” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đình Phong do Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM phát hành và “Hành trình theo chân Bác” của tác giả Trần Đức Tuấn do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản chính thức giới thiệu cùng bạn đọc. Những tác phẩm được ra đời trong mạch nguồn nghiên cứu, sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó cho thấy, việc nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là đề tài luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. 

Nếu tác phẩm “Đường cách mệnh” được coi là tác phẩm lý luận mở đường cho cách mạng Việt Nam thì tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” lại có ý nghĩa cả về lý luận lẫn thực tiễn, liên quan trực tiếp đến công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, sửa đổi lối làm việc của cán bộ, đảng viên do các bệnh chủ quan, hẹp hòi, ba hoa, kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông.

Qua hai tác phẩm này, Bác Hồ đã nhìn thấu suốt và nói với chúng ta những vấn đề mà ngày hôm nay chúng ta đang đối diện trên hai phương diện: tích cực và tiêu cực, đúng và sai, tốt và xấu, hay và dở, giá trị và phản giá trị, tiến bộ và phản tiến bộ, đặc biệt là những thói hư tật xấu của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thị Gấm - Trưởng bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh - Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia khu vực II nhận định: "Đến nay chúng ta thấy tư tưởng Hồ Chí Minh, cuộc đời sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành ngành học thực thụ. Đặc biệt trong đào tạo cán bộ cho hệ thống chính trị là nhất thiết phải học để cán bộ đảng viên vận dụng vào công tác, vào thực tế cuộc sống. Và điểm nữa, thế hệ của chúng ta khi hiểu rõ về cuộc đời, sự nghiệp, công lao về sự đóng góp của chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đất nước, dân tộc Việt Nam, chúng ta để họ có tình cảm sâu sắc, sự kính trọng với Bác Hồ thì việc nghiên cứu tư tưởng của Bác có sức hấp dẫn và có sức thuyết phục".

Việc nghiên cứu tư tưởng của Bác luôn có sức hấp dẫn và thuyết phục 1
Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM khai mạc chương trình chủ đề "Hành trình theo chân Bác".

Quyển sách “Hành trình theo chân Bác” đề cập về hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là giai đoạn 30 năm bôn ba nước ngoài, từ ngày 5/6/1911 tại Bến cảng Nhà Rồng đến ngày 28/1/1941 tại cột mốc 108 ở Cao Bằng. Tác phẩm là những trang bút ký về những chuyến đi của đoàn làm phim “Hồ Chí Minh - Một hành trình”, lần theo dấu chân xưa của Bác trên con đường hoạt động cách mạng. Sách được lấy chất liệu từ lời bình của bộ phim 15 tập ”Hồ Chí Minh - Một hành trình” và một số đoạn trong bộ phim 90 tập “Ký sự hành trình theo chân Bác”. Ngoài ra, tác giả Trần Đức Tuấn đã đầu tư, viết thêm, chỉnh lý để có một tác phẩm trọn vẹn, đầy đủ nhất. Đặc biệt, phần làm nên sức hấp dẫn, sinh động và góp phần thành công của quyển sách chính là tấm bản đồ “Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ”. Từ chính sự sáng tạo, quyết tâm, ý thức trách nhiệm của người thực hiện đã giúp cho tấm bản đồ chuyển tải hết thông điệp và đến gần với độc giả và vinh dự nhận giải Ba Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VII - 2021. Tác giả, nhà biên kịch Trần Đức Tuấn chia sẻ: "Có những người muốn tìm hiểu Hành trình theo chân Bác không phải qua sách, không phải qua lớp học mà muốn bằng phương tiện khác, trực diện trực tiếp hơn, hấp dẫn hơn. Bản đồ góp phần cho bộ phim, cho cuốn sách đến gần với bạn đọc, với khán giả".

Ông Dương Thành Truyền, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhà xuất bản Trẻ bày tỏ: "Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ cũng là nỗ lực của chúng tôi để làm sao di sản của Bác đến được với bạn đọc. Bác Hồ chúng ta có hành trình 30 năm quá vĩ đại, hành trình của khoa học và cách mạng. Đây là tầm nhìn của trí tuệ và ý chí. Tấm bản đồ này khi mà nhìn, vì thời gian là 30 năm nhưng nói về chiều sâu là tài sản tinh thần để lại cho chúng ta, thì tôi tin rằng khi người ta đối diện với tấm bản đồ này sẽ là trực quan và rất xúc động".

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Kiều - Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã nhận xét: Điều quý giá nhất, lớn nhất, mãi mãi trường tồn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những điều Người viết trong hai tác phẩm không chỉ đã đưa sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân đến thắng lợi, mà còn soi sáng cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trước đây và công cuộc đổi mới hiện nay. "Tôi nghĩ rằng nếu như một người làm việc hiện nay, thì mình phải gắn mình với nhân dân vì chúng ta đang làm đầy tớ của nhân dân. Bác Hồ có nói là: nhân dân có thể góp ý phê bình chứ nhân dân không chửi. Nhưng nhân dân góp ý phê bình là như thế nào thì dân phải thương người cán bộ, thấy người cán bộ làm sai thì dân góp ý chân thành, giúp đỡ. Cảm nhận sâu sắc của tôi với tất cả các tác phẩm của Bác Hồ là Bác Hồ đã dạy cho chúng ta quá nhiều điều hay, mà nếu chúng ta vận dụng tốt thì đất nước mình “nở mày nở mặt” với nhân dân thế giới", bà Kiều nói.

Năm 2022 - đánh dấu 95 năm ra đời tác phẩm “Đường cách mệnh” và 75 năm ra đời tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đình Phong đã dày công cho một công trình nghiên cứu xuyên suốt sự tiếp nối mạch nguồn của dòng chảy cách mạng Việt Nam. Hay cuốn sách “Hành trình theo chân Bác” và còn nhiều tác phẩm nữa nghiên cứu về Người đã một lần nữa khẳng định: các di sản, tư tưởng Hồ Chí Minh rất ý nghĩa, đầy đủ giá trị lịch sử, giá trị hiện tại và giá trị tương lai trên cả các phương diện lý luận và thực tiễn, dân tộc và quốc tế.