Tiêu điểm: Nhân Humanity

Công nghệ an toàn - không chỉ dành riêng cho dòng xe sang

(VOH) - Ứng dụng công nghệ để tăng tính an toàn cho xe ô tô chính là mục tiêu mà các nhà sản xuất đang nỗ lực hướng tới, nhằm bảo vệ an toàn cho hành khách cũng như là chìa khóa để tăng doanh số.

Xe hơi ngày càng an toàn

Theo dữ liệu của Cục thống kê giao thông vận tải, thuộc Bộ Giao thông vận tải Mỹ, ở giai đoạn năm 1960, tỷ lệ tử vong sau mỗi 160 triệu km là 5,1 người. Con số này giảm xuống chỉ còn 1,34 người vào thời điểm 2020. Điều này được cho rằng một phần đến từ việc ô tô hiện đại ngày càng trở nên an toàn hơn.

Khác hẳn với những chiếc xe cách đây 50 năm, xe hơi ở hiện tại được trang bị hàng loạt công nghệ thông minh nhằm hỗ trợ người lái trong tình huống chủ động lẩn bị động, giúp giảm thiểu các nguy cơ va chạm và hạ thấp mức độ chấn thương cho hành khách nếu lỡ xảy ra tai nạn.

Các nghiên cứu khoa học chuyên sâu được hỗ trợ bởi sự phát triển của công nghệ cho phép các kỹ sư ô tô đưa ra các giải pháp bảo vệ không chỉ người ngồi bên trong xe mà cả người bên ngoài.

Những công nghệ an toàn phổ biến

Với nhiều người, cái tên Volvo luôn gắn liền với những khái niệm tiên phong về công nghệ an toàn cho ô tô. Quả vậy, hãng xe Thụy Điển này vốn sở hữu nhiều công nghệ an toàn đặc biệt, trong đó phải kể đến dây đai an toàn 3 điểm; công nghệ chống va đập và hấp thu xung lực; công nghệ kiểm soát tốc độ - hệ thống phanh tự động khẩn cấp AEB (Autonomous Emergency Braking)...

Dây đai an toàn 3 điểm

Dây đai an toàn ba điểm có thể xem là một trong những phát minh sớm và quan trọng bậc nhất trong việc bảo vệ người ngồi trên xe hơi.

Phát minh này được kỹ sư Nils Bohlin (hãng Volvo) công bố từ năm 1959, tạo nên một cuộc cách mạng về tính năng an toàn trong ngành công nghiệp ô tô. Và, với mục tiêu để cho mọi chiếc xe đều có thể được trang bị dây an toàn ba điểm, Volvo đã từ bỏ quyền sở hữu bằng sáng chế này, từ đó tới nay dây an toàn ba điểm trở thành trang bị tiêu chuẩn trên mọi dòng xe của các hãng.

Túi khí tự bung

Ý tưởng về một chiếc "đệm an toàn cho ô tô" vốn được nhen nhóm từ năm 1952 bởi John W. Hetrick, một kỹ sư người Mỹ. Đến năm 1953, ông đã nhận bằng sáng chế cho nguyên mẫu đầu tiên của túi khí hiện đại ngày nay. Hệ thống này của Hetrick giúp giảm chấn thương cho người lái xe trong quá trình phanh khẩn cấp và va chạm trực diện.

Công nghệ an toàn - không chỉ dành riêng cho dòng xe sang 1

Trải qua nhiều thay đổi và tiến hóa, đến năm 1967, hãng xe Đức Mercedes bắt đầu phát triển túi khí cho các phương tiện của mình. Và, công nghệ túi khí đã trở thành một yếu tố an toàn bắt buộc trong tất cả xe hơi trên thế giới kể từ năm 1998.

Hệ thống phanh tự động khẩn cấp AEB

Phanh tự động (Auto Emergency Braking - AEB) là hệ thống an toàn có khả năng tự dừng xe chỉ trong một vài giây khi xuất hiện trường hợp khẩn cấp. Hệ thống AEB được coi là bước tiến mới trong việc đảm bảo an toàn giao thông tương tự như việc trang bị túi khí và dây an toàn. 

Nhìn chung, hệ thống này là sự kết hợp của cảm biến radar (laser hay camera) nhằm quan sát và phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra va chạm với các phương tiện khác, khách bộ hành hoặc các mối nguy hiểm.

Công nghệ an toàn - không chỉ dành riêng cho dòng xe sang 2

Khi phát hiện có chướng ngại phía trước, hệ thống sẽ đưa ra các cảnh báo bằng hình ảnh, âm thanh hoặc rung tay lái hoặc bằng cả 3. Trong trường hợp lái xe ô tô không phản ứng lại các cảnh báo, AEB sẽ tự động thắng. Chuổi hành động này sẽ tự động tắt nếu phát hiện tài xế bẻ tay lái chuyển hướng di chuyển trước khi va chạm.

Ngoài ra, một số hệ thống AEB còn có có thể căng dây đai an toàn giúp giảm thiểu tổn thương cho hành khách.

Hệ thống cảnh báo chệch làn đường (Lane Departure Warning System – LDWS)

Đây là hệ thống an toàn rất hiệu quả khi đi trên đường trường, đặc biệt là cao tốc, giúp giảm thiểu tai nạn liên quan đến việc lơ đãng chuyển động lệch hướng không lường trước của ô tô.

Về cơ bản hoạt động của LDWS dựa vào thông tin từ các camera hoặc cảm biến hồng ngoại, được bố trí hướng về phía trước của xe.

Các bộ phận này đảm nhận nhiệm vụ rà soát và phân tích các vạch kẻ đường.

Sau đó, truyền về bộ xử lý trung tâm để tính toán và phát hiện các chuyển động lệch hướng ra khỏi làn đường, sau đó gởi tín hiệu cảnh báo cho lái xe bằng âm thanh, hình ảnh hoặc rung vô-lăng. Nếu người lái không phản hồi, hệ thống sẽ tự động đánh lái để duy trì làn đường ổn định.

Đèn pha thích ứng thông minh (Adaptive Headlights)

Những đèn pha thông thường, chỉ chiếu ánh sáng hướng thẳng về phía trước, do đó, mỗi khi đánh lái vào cua ánh sáng sẽ không bao quát, gây mất tầm nhìn. Hiện nay, với công nghệ đèn pha thông minh, các đèn pha hầu như được sử dụng công nghệ LED và tự động chuyển hướng theo góc đánh lái để chiếu sáng con đường mới ở phía trước. Công nghệ này hiện nay đã phổ biến ở trên các mẫu xe tầm trung …

Công nghệ an toàn - không chỉ dành riêng cho dòng xe sang 3

Đối với một số dòng xe cao cấp hệ thống này được thiết kế thông minh hơn, bằng cách sử dụng nhiều khối đèn LED hay Laser có thể mở tắt độc lập, kết hợp với hệ thống camera để phát hiện các nguồn sáng trước xe, qua đó, hệ thống sẽ điều khiển, tắt các khối sáng có thể gây ảnh hưởng cho xe đối diện. Nhờ công nghệ này, lái xe có thể sử dụng đèn pha liên tục, cải thiện đáng kể tầm quan sát, mà không lo ảnh hưởng đến các xe phía trước.

Có thể thấy, các ứng dụng công nghệ đang ngày càng phổ biến và mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc bảo vệ tính mạng và tài sản của con người. Cũng có một số ý kiến cho rằng khi ô tô có quá nhiều công nghệ sẽ làm mất đi cảm giác khi lái xe, tuy vậy rõ ràng khi so với những lợi ích mà nó mang lại, chúng ta không thể phủ nhận được rằng chất lượng cuộc sống đã và đang ngày càng được nâng cao hơn. 
Bình luận