Reuters đưa tin, ngày 10/9, triển lãm dành cho các nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện ô tô Automechanika khai mạc tại thành phố Frankfurt, Đức.
Triển lãm lần này đặc biệt khi có sự xuất hiện của gần 900 nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện ô tô và các hãng xe điện đến từ Trung Quốc. Trong số đó có những thương hiệu xe điện hàng đầu như BYD, Geely, Hongqi, SAC International...
Không chỉ thế, Automechanika 2024 lại thu hút lượng nhà cung ứng Trung Quốc nhiều gấp đôi số doanh nghiệp Đức.
Việc số doanh nghiệp Trung Quốc xuất hiện áp đảo tại triển lãm của Đức, quốc gia vốn tự hào có nền công nghiệp ô tô hàng đầu thế giới, nêu bật sự khó khăn các hãng xe châu Âu phải đương đầu trước làn sóng ô tô giá rẻ từ châu Á.
Hồi tháng 7, hãng xe nổi tiếng Volkswagen đã phải tuyên bố cân nhắc đóng cửa một nhà máy sản xuất ô tô và một nhà máy phụ tùng tại Đức để tối ưu chi phí.
Đây là lần đầu tiên thương hiệu Volkswagen phải đối diện một quyết định như thế trong suốt lịch sử công ty. Điều này cho thấy ngay cả nền sản xuất truyền thống như Đức cũng không thoát được làn sóng trên.
Dù Liên minh châu Âu đã áp chính sách thuế quan để đối phó làn sóng xe điện giá rẻ "được Chính phủ Trung Quốc trợ giá không công bằng", làn sóng trên vẫn không suy yếu.
Nghiên cứu được công ty kiểm toán hàng đầu thế giới PwC công bố gần đây cho thấy khả năng tiếp cận vốn hạn chế đang khiến các doanh nghiệp Đức gặp khó trong việc đầu tư vào các công nghệ mới.
Các hãng xe nước này còn phải vật lộn với bài toán tối ưu chi phí.
Trong khi đó, các công ty Trung Quốc được chính phủ hỗ trợ lại thoải mái chi cho cải tiến pin và phần mềm cho xe hơn nhiều.
Tuy nhiên, một số nhân vật có tiếng trong ngành ô tô châu Âu vẫn giữ vững niềm tin vào triển vọng của lục địa già.
Ông Frank Schlehuber, nhà tư vấn cấp cao tại Hiệp hội Nhà cung cấp phụ tùng châu Âu (CLEPA), chỉ ra triển lãm Automechanika Frankfurt vẫn thu hút đến 4.200 công ty tham gia, đến từ hơn 170 quốc gia trên thế giới.
Điều này cho thấy châu Âu vẫn đang là trung tâm thúc đẩy đổi mới trong ngành.