Chờ...

Honda chính thức sản xuất pin thể rắn, mở ra bước ngoặt mới cho xe điện

NHẬT BẢN - Honda vừa công bố dây chuyền sản xuất thử nghiệm pin thể rắn tại thành phố Sakura, tỉnh Tochigi, được đầu tư 43 tỷ yên (khoảng 277 triệu USD) với sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản.

Đây được xem là bước tiến lớn của hãng trong việc phát triển xe điện và giảm sự phụ thuộc vào công nghệ pin lithium-ion truyền thống. Dây chuyền này dự kiến bắt đầu hoạt động vào tháng 1/2025, với mục tiêu hoàn thiện quy trình sản xuất trước cuối thập kỷ này.

Theo Keiji Otsu, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển của Honda, pin thể rắn được kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi phạm vi hoạt động của xe điện vào năm 2029, đạt khoảng 1.000km chỉ với một lần sạc. Đến những năm 2040, con số này có thể tăng lên gấp 2,5 lần so với hiện tại.

Nhà máy sản xuất pin thể rắn Honda-Sakura-3
Nhà máy sản xuất pin thể rắn của Honda tại thành phố Sakura - Ảnh: Japan News

Công nghệ mới không chỉ mang lại hiệu suất vượt trội mà còn giúp giảm 50% kích thước, 35% trọng lượng và 25% chi phí sản xuất, góp phần làm cho xe điện trở nên phổ biến hơn.

Công nghệ pin thể rắn không chỉ áp dụng trên ô tô mà còn được Honda mở rộng sang các lĩnh vực khác như xe máy và máy bay. Ngoài ra, Honda cũng có kế hoạch cung cấp loại pin này cho các hãng sản xuất khác, nhằm tạo thêm nguồn thu và mở rộng ứng dụng của công nghệ.

Hãng này đặt mục tiêu tăng sản lượng xe điện hàng năm lên 2 triệu chiếc vào năm 2030, với 40% doanh số toàn cầu là xe điện và xe sử dụng pin nhiên liệu, và đạt 100% vào năm 2040.

Dây chuyển sản xuất pin thể rắn ở nhà máy Honda-Sakura
Dây chuyển sản xuất pin thể rắn ở nhà máy Honda - Ảnh: Japan News.

Động thái này của Honda diễn ra trong bối cảnh các đối thủ như Toyota và Nissan cũng tăng tốc phát triển pin thể rắn, dự kiến thương mại hóa công nghệ này vào cuối thập kỷ 2020. Với tiềm năng vượt trội, công nghệ pin thể rắn được kỳ vọng sẽ thay đổi cục diện ngành công nghiệp ô tô, hướng tới kỷ nguyên xe điện bền vững và hiệu quả hơn.