Sau những trận bão lớn như Helene và Milton, sĩ quan Jimmy Patronis, người đứng đầu sở cứu hỏa Florida, đã phát đi cảnh báo khẩn cấp về nguy cơ cháy nổ từ xe điện bị ngập nước mặn.
Theo ông, các phương tiện sử dụng pin lithium-ion, đặc biệt là xe điện, có thể trở thành những "quả bom nổ chậm" sau khi tiếp xúc với nước muối, do tính ăn mòn cao và khả năng gây đoản mạch. Thực tế, sau bão Helene, đã có gần 50 vụ cháy liên quan đến pin lithium-ion, trong đó 11 vụ bắt nguồn từ xe điện bị ngập nước.
Nước mặn có khả năng phá hủy các lớp đệm bảo vệ pin, khiến pin bị đoản mạch và dẫn đến cháy nổ. Ngay cả sau khi nước đã rút, nguy cơ vẫn tồn tại bởi các hạt muối có thể tiếp tục dẫn điện và gây cháy lâu sau đó.
Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những khu vực ven biển như bang Florida, nơi xe điện thường phải đối mặt với tình trạng ngập nước.
Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia Mỹ (NHTSA) cũng đã vào cuộc, tìm cách nâng cao tiêu chuẩn an toàn cho pin xe điện nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy nổ.
Các nhà sản xuất xe điện như Tesla cũng đã khuyến cáo chủ xe di chuyển phương tiện ra xa các công trình dễ cháy, không cắm sạc và hạ mức pin dưới 30%.
Cơ quan chức năng còn khuyến nghị chủ xe mở cửa xe để giải phóng các khí dễ cháy tích tụ bên trong, tránh để xe trong nhà hoặc dưới các căn hộ chung cư để ngăn ngừa hỏa hoạn nghiêm trọng.
Trong một sự cố điển hình tại Florida, một chiếc Tesla đã bốc cháy dữ dội sau khi bị ngập nước trong gara. Điều này càng củng cố sự lo ngại về tính an toàn của xe điện khi gặp phải điều kiện thời tiết khắc nghiệt như bão lũ.
Giới chức khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp an toàn, như tháo ắc-quy, không lái xe qua khu vực ngập nước và đưa xe đi kiểm tra sau bão trước khi sử dụng lại