Đất không phụ người (Kỳ 3)

(VOH) - 40 năm xây đựng và phát triển, màu xanh của sự trù phú, yên bình và no ấm đang lan tỏa khắp mọi nẻo đường của Xuân Lộc - Long Khánh.

Trở lại Xuân Lộc và thị xã Long Khánh tỉnh Đồng Nai sau 40 năm xây đựng và phát triển, màu xanh của sự trù phú, yên bình và no ấm đang lan tỏa khắp mọi nẻo đường. Người dân Đồng Nai tin rằng, xưa mảnh đất bị cày nát bởi bom đạn chiến tranh này đã đùm bọc, chở che họ, thì nay, vùng đất lam lũ, nghèo khó ấy đã dần trở nên trù phú, phát triển nhờ bàn tay, khối óc của bao người.

40 năm, qua từng thời kỳ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai luôn ra sức xây dựng, phát triển địa phương, không ngừng thực hiện nhiều chủ trương chính sách có lợi cho nhân dân. Lãnh đạo tỉnh luôn khẳng định mục tiêu cuối cùng của mọi chủ trương, chính sách cũng là chăm lo tốt cho nhân dân. Chính từ nỗ lực tập trung cải thiện chất lượng sống của người dân nông thôn, thị xã Long Khánh và huyện Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai đã trở thành hai địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Vượt lên trên những tháng ngày khốn khó, ngặt nghèo bởi bom đạn chiến tranh, người dân Đồng Nai đã bắt tay xây dựng xóm làng, gia tăng sản xuất, biến những mảnh gò đồi hoang hóa, đầy vết tích chiến tranh thành những mảnh vườn cao su, cà phê, cây ăn trái bạt ngàn xanh tươi.

Tuyến đường xanh-sạch-đẹp tại xã Xuân Bắc huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Ảnh: Lệ Loan

Khi có phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân nơi đây thường được nghe nhắc nhiều đến cụm từ “bê tông hóa”. Những con đường đất sình lầy, bụi đỏ ngày nào giờ đã được tráng nhựa hoàn toàn. Thị xã Long Khánh đã phát triển như một thành phố thu nhỏ, người dân sống văn minh, nề nếp. Không chỉ ở các phường nội đô, mà ở 9 xã còn lại của thị xã Long Khánh hiện nay cũng đã trở thành những vùng chuyên canh cây trồng chủ lực.

Trong nông nghiệp, lãnh đạo thị xã Long Khánh cũng đã đề ra những chủ trương cải cách nông nghiệp hợp lý. Tuy nhiên, nhân tố chính làm nên sự phát triển và trù phú của những điểm kinh tế mới không ai khác chính là những cư dân nội thị giàu nghị lực, kiên trì bám trụ với đất khó.

Ông Nguyễn Văn Thi, nguyên là Thượng tá Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai, sau khi về hưu, ông đã đầu tư 1 hecta măng cụt. Mùa này tiếng ve sầu kêu râm ran ồn ã, ngôi nhà của ông Thi ở ấp B, xã Bảo Vinh, thị xã Long Khánh nằm lọt thỏm giữa một rừng măng cụt. Theo ông Thi, đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với đất đỏ, không tốn công sức chăm bón nhiều, đầu tư 10 năm mới có trái nhưng thu hoạch lâu dài, tuổi thọ của nó hơn trăm năm. "Loại cây măng cụt có ưu điểm là trồng đỡ tốn công, lâu năm, càng lâu năm thì năng suất càng cao. Cây này có điều kiện thì xuất khẩu được tốt hơn cây chôm chôm nhiều. Dễ làm, đỡ tốn công, mướn công hái là những lao động phổ thông, chứ chôm chôm người chuyên mới hái được. Khi thu hoạch xong thì cũng sửa cành không lớn, cây nào yếu kém thì mình bỏ phân. Đến khi tưới làm hoa thì mình theo dõi thời tiết, làm sao để cây ra hoa sớm thì giá sẽ cao hơn”, ông Thi cho biết.

Gia đình ông Trần Trung Thành ở phường Xuân Bình, Thị xã Long Khánh lại được biết đến như một gia đình hiếu học. Ông có 7 đứa con, người con gái đầu làm kinh doanh, hai người kế tiếp là thông dịch viên tiếng Hàn. Ngoài ra, hai người con gái tiếp theo đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP và có việc làm sau khi ra trường. Còn hai cậu con trai út đều tốt nghiệp Đại học Trường Sư Phạm Kỹ Thuật TP và Đại học Nông Lâm TP. Anh Trần Vũ Minh Kha, con trai kế út của ông Thành, một người trẻ thế hệ 8x đã gắn bó với mảnh đất Long Khánh từ thuở ấu thơ đến giờ, chứng kiến sự đổi thay từng ngày nơi đây, anh Kha không giấu nổi niềm tự hào: “Tôi thấy Long Khánh hôm nay cũng rất đổi mới, không khác gì so với các TP lớn. Cụ thể là những trung tâm thương mại, siêu thị điện máy lớn cũng đã có mặt đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng lớn của người dân Long Khánh. Vừa qua, tôi cũng rất vinh dự, tự hào đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về thăm thị xã Long Khánh và trao quyết định công nhận danh hiệu cho thị xã Long Khánh và huyện Xuân Lộc là hai địa phương đầu tiên trong cả nước đạt “nông thôn mới”. Ngày hôm đó, cả thị xã Long Khánh, người dân rất phấn khởi, vui mừng”.

Nhà bà Nguyễn Thị Lựa ở xã Xuân Tân là một trong những hộ chính sách được các cấp, các ngành tại Thị xã Long Khánh hỗ trợ máy bơm tưới tiết kiệm, phân bón trả chậm và bốn con dê nái. Ảnh: Lệ Loan

Ở Thị xã Long Khánh, nhiều hộ nghèo được trợ vốn sản xuất. Trong đó, gia đình bà Nguyễn Thị Lựa ở xã Xuân Tân là một trong những hộ chính sách được hỗ trợ máy bơm tưới tiết kiệm, phân bón trả chậm và chăn nuôi dê. Ngoài ra, bà Lựa còn làm vườn, chăn nuôi heo, gà tăng thêm thu nhập. Bà Lựa cho biết, hai vợ chồng bà từ bộ đội ra nên quen sống kiểu bộ đội với “vườn rau, ao cá”.  “Vườn mình thu hoạch bình quân một năm 3 tấn chôm chôm. 5 sào thì nhà nước hỗ trợ 7 cuộn ống co để gia đình mắc cái bét tưới nước tự động, trị giá hơn chụ triệu đồng. Tưới nước tự động bằng bét quay, mình khỏi đứng tưới, giảm được công và vốn”, bà Lựa cho biết thêm.

Hiện nay, Long Khánh là một trong những địa phương năng động nhất của Đồng Nai về phát triển kinh tế - xã hội với dân số hơn 150.000 dân và tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 1% trong tổng số hộ dân. Long Khánh đang đặt ra mục tiêu năm 2015 này sẽ đưa thị xã đạt chuẩn đô thị loại III.

Một trong những tuyến đường giao thông nông thôn khởi công đầu tiên trong chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Xuân Lộc là tuyến đường nông thôn ở ấp Bảo Thị, xã Xuân Định được khởi công từ đầu năm 2009. Từ đó, hàng loạt các công trình hạ tầng khác của các xã lân cận cũng được xây dựng theo. Với phương thức vừa làm, vừa vận động nguồn kinh phí đóng góp của dân, làm cho dân thấy kết quả, dân tin, không nghi ngờ về tính khả thi của dự án. Ông Hoàng Bẻo, người dân xã Lang Minh cho rằng: "Bà con thấy làm được thì có niềm tin mới đóng góp cho nhà nước, còn nếu không có niềm tin thì bà con không bao giờ đóng góp”.

Để khai thác tiềm năng du lịch của Núi Chứa Chan, huyện Xuân Lộc đã quyết định mở con đường dài hơn 2km từ quốc lộ 1 vào chân núi, giải tỏa đất sản xuất của hơn 20 hộ dân. Hộ anh Nguyễn Như Ngọc ở xã Xuân Hiệp là một trong những hộ có đất vướng vào dự án nên ban đầu không đồng tình. Tuy nhiên, sau khi cán bộ địa phương đã thuyết phục, giải thích cho anh hiểu, chẳng những gia đình anh hiến luôn 4 sào đất trồng tiêu đang mùa thu hoạch, mà còn tham gia vận động các hộ dân khác cùng hiến đất để làm đường. Anh Ngọc nói: “Gia đình hiến 4 sào đất cũng tiếc lắm, nhưng chính quyền địa phương đã vận động thì gia đình cũng vui vẻ”.

Công trình cầu vượt đường sắt (đoạn qua thị xã Long Khánh) thuộc dự án đường sắt Bắc - Nam của Quốc lộ 1A với chiều dài hơn 1km vừa mới được thông xe hai chiều đã giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông. Ảnh: Lệ Loan

Theo lãnh đạo huyện Xuân Lộc, thành công của nông thôn mới là nhờ vào sức dân và sự tin tưởng của nhân dân. Để khai thác thế mạnh về nông nghiệp, huyện cũng đã đầu tư 30 đến 35 đập tạm trữ nước, nâng cấp hệ thống kênh mương hồ Gia Ui để tưới tiêu cho xã Xuân Tâm và Xuân Hưng. Tính đến nay, toàn huyện hiện có 9.700 giếng nước phục vụ cho việc tưới tiêu của nông dân. Nhờ đó, hàng chục ngàn hecta đất sản xuất của nông dân trên địa bàn huyện đã có nước tưới từ các công trình thủy lợi, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân.

Bên cạnh đó, huyện Xuân Lộc cũng đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, hình thành các vùng chuyên canh lớn như: cây xoài, cao su, hồ tiêu, cà phê, điều, cây ăn trái đặc sản. Đồng thời, gắn sản xuất công nghiệp với nông nghiệp chế biến để hình thành chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc - bà Nguyễn Thị Cát Tiên cho biết thêm: “Ngoài năng suất ra, chúng tôi cũng quan tâm đến đầu ra. Chúng tôi luôn quan tâm đến chất lượng sản phẩm, nhân rộng các mô hình hiệu quả, đưa các tiến bộ khoa học, cơ giới hóa vào trong sản xuất, để giảm đầu vào, nâng hiệu quả đầu ra”.

40 năm xây đựng và phát triển, màu xanh của sự trù phú, yên bình và no ấm đang lan tỏa khắp mọi nẻo đường của Xuân Lộc - Long Khánh. Tin rằng với đôi bàn tay và khối óc của biết bao con người, cùng với quyết tâm chăm lo cho cuộc sống nhân dân của chính quyền địa phương, một ngày không xa, vùng đất lịch sử này sẽ cất cánh, vươn xa.