Hướng dẫn cách làm bánh trung thu và những lưu ý khi làm bánh tại nhà

(VOH) - Trung thu sắp đến! Còn gì tuyệt vời hơn khi tự tay làm nên những chiếc bánh Trung thu thơm ngon dành tặng gia đình, người thương, bạn bè. Sau đây là tổng hợp các cách làm bánh Trung thu ‘hot’

Theo truyền thống của người Việt, đêm Trung thu là dịp để mọi người quây quần bên nhau, thưởng thức những chiếc bánh Trung thu - biểu tượng cho sự viên mãn và tròn đầy. Nhân dịp Rằm tháng 8 sắp đến, hãy tham khảo các cách làm bánh Trung thu chi tiết sau để dành tặng những người thương yêu chiếc bánh thơm ngon và hợp vệ sinh nhé!

1. Làm bánh trung thu bằng bột gì để bánh thơm ngon, hấp dẫn?

Để làm ra một chiếc bánh Trung thu ngon, đầu tiên, bạn cần chọn loại bột phù hợp. Sau đây là ưu và nhược điểm của một số loại bột làm bánh Trung thu phổ biến.

1.1 Bánh Trung thu nướng

1.1.1 Bột mì số 8 (Bột mì đa dụng)

Làm bánh trung thu bằng bột mì số 8 rất thông dụng. Loại bột này được trộn từ bột lúa mì cứng và bột lúa mì mềm nhưng lại không chứa bột nổi. Với hàm lượng gluten khá thấp (khoảng từ 8 - 9%) cùng độ ẩm cao nên lớp vỏ bánh sẽ có độ mềm, xốp và độ bông nhất định.

  • Ưu điểm: Dễ mua và dễ sử dụng.
  • Nhược điểm: Làm cho lớp vỏ bánh khá khô và cứng, ít nhất mất khoảng 3 - 4 ngày sau khi nướng để vỏ bánh mềm xuống.

Lưu ý: Cho thêm 1/2 hoặc 1/4 muỗng canh bột nổi (baking soda) vào bột để giúp vỏ bánh được mềm hơn.

Hướng dẫn cách làm tất cả các loại bánh trung thu chi tiết và đầy đủ nhất 1
Bột mì đa dụng (bột mì số 8)

1.1.2 Bột bánh ngọt

Bột bánh ngọt được làm từ hạt lúa mì mềm xay mịn và rất nhẹ. Hàm lượng gluten của loại bột này khá thấp (khoảng 6% - 8%) nhưng lượng tinh bột lại cao.

  • Ưu điểm: vỏ bánh trung thu rất mềm.
  • Nhược điểm: vỏ bánh trung thu bị nhanh xuống dầu và bảo quản không được lâu.

Lưu ý: Tỷ lệ trộn bột bánh ngọt làm bánh Trung thu gồm: 1/2 lượng bột mì số 8 + 1/2 lượng bột bánh ngọt. Tùy theo sở thích mà bạn có thể thay đổi tỷ lệ trộn trên.

Hướng dẫn cách làm tất cả các loại bánh trung thu chi tiết và đầy đủ nhất 2
Bột bánh ngọt

1.1.3 Bột bánh mì (bột Cái Cân, bột mì số 11)

Loại bột này có hàm lượng protein khá cao (khoảng 11.5% - 13%) và có khả năng tương tác với men nở để tăng độ dai và chắc cho bánh mì.

  • Ưu điểm: dễ tìm.
  • Nhược điểm: vỏ bánh sẽ bị cứng. 
Hướng dẫn cách làm tất cả các loại bánh trung thu chi tiết và đầy đủ nhất 3
Bột bánh mì (bột Cái Cân, bột mì số 11)

1.1.4 Bột bánh Trung thu pha sẵn

Ngoài ra, bạn có thể chọn mua bột bánh Trung thu pha sẵn đã bao gồm cả vị và các chất phụ gia để tăng độ mềm và xốp cho bánh. 

  • Ưu điểm: tiết kiệm thời gian pha bột.
  • Nhược điểm: khó điều chỉnh vị ngọt và mặn theo sở thích. 
Hướng dẫn cách làm tất cả các loại bánh trung thu chi tiết và đầy đủ nhất 4
Bột bánh Trung thu pha sẵn

1.2 Bánh Trung thu dẻo

Khác với bánh Trung thu nướng, bột làm bánh Trung thu dẻo là bột nếp chín, mịn, có màu trắng, hương thơm đặc trưng. Loại bột này được làm từ bỏng nếp rang chín, xay mịn, đôi lúc pha thêm với bột mì hoặc tinh bột ngô. 

Nếu trước đây, vỏ bánh dẻo Trung thu thường có màu trắng thì hiện nay, bằng cách pha trộn với các nguyên liệu như cà phê, lá dứa, trà xanh... vỏ bánh đã có thêm nhiều màu sắc đa dạng, trông bắt mắt và ấn tượng hơn. 

Hướng dẫn cách làm tất cả các loại bánh trung thu chi tiết và đầy đủ nhất 5
Bột làm bánh Trung thu dẻo

Xem thêm: 9 nguyên tắc ăn bánh trung thu giúp bạn không bị tăng cân mất kiểm soát

2. Cách nấu nước đường làm bánh Trung thu

Nước đường là nguyên liệu quan trọng để làm nên món bánh Trung thu hoàn hảo. Sau đây chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn các bước làm nước đường bánh Trung thu chuẩn nhất. 

2.1 Nguyên liệu 

  • Đường nâu: 300g 
  • Đường cát trắng: 300g
  • Nước: 200ml
  • Chanh: 4 lát

2.2 Cách nấu nước đường bánh Trung thu

  • Bước 1: Bắc nồi lên bếp, cho đường nâu, đường trắng và nước vào nồi, dùng muỗng khuấy đều. 
  • Bước 2: Đợi cho hỗn hợp sôi lên rồi thêm 4 lát chanh vào là xong phần nước đường. 
  • Bước 3: Cho nước đường ra tô, để nguội hẳn rồi cho vào trong hũ đậy kín, bảo quản ở nơi thoáng mát. Sau 7 - 10 ngày thì có thể lấy ra sử dụng.
Hướng dẫn cách làm tất cả các loại bánh trung thu chi tiết và đầy đủ nhất 6
Cách nấu nước đường bánh Trung thu

Xem thêm: Độc đáo bánh trung thu điêu khắc

3. Lưu ý trước khi làm bánh Trung thu tại nhà

Để làm nên những chiếc bánh Trung thu ngon đúng chuẩn, bạn cần tuân thủ các quy tắc nhất định. Sau đây, chúng tôi xin chia sẻ một số lưu ý khi làm bánh Trung thu tại nhà. 

3.1 Làm nước đường làm bánh trung thu ngon, đúng chuẩn

Nước đường bánh Trung thu cần có màu sắc đẹp mắt, đảm bảo độ sánh và loãng vừa, nếu không bánh sẽ bị khô; ngược lại, nếu nước đường quá lỏng, bánh sẽ bị nhão. Bên cạnh đó, nước đường càng để lâu sẽ càng ngon. Về cách bảo quản, bạn cần để hũ nước đường bên ngoài nhiệt độ phòng, tránh ánh nắng trực tiếp. Chai, lọ đựng nước đường nên là loại tốt, chịu nhiệt và cần trụng nước sôi, để ráo nước trước khi rót nước đường vào.

3.2 Chọn loại bột làm bánh tốt

Mỗi loại bột sẽ tạo nên thành phẩm khác nhau. Nếu bột bánh mì giúp bánh cứng, chắc nhưng lại khô thì bột bánh ngọt và bột mì đa dụng sẽ giúp bánh mềm dẻo hơn. Ngoài ra, bạn có thể kết hợp bột mì đa dụng cùng bột bánh mì hoặc sử dụng bột bánh Trung Thu pha sẵn theo tỉ lệ để làm bánh .

Bí quyết để vỏ bánh được mềm và có độ ẩm hoàn hảo chính là trộn bột bánh với hỗn hợp gồm lòng đỏ trứng gà, nước đường bánh nướng, dầu ăn và chút bơ đậu phộng, sau đó ủ bánh trong khoảng 30 - 45 phút. 

3.3 Làm nhân bánh Trung thu đúng cách

  • Các nguyên liệu làm nhân bánh nên được thái nhỏ, cùng kích cỡ để tạo độ kết dính cho nhân và dễ đóng bánh. 
  • Các loại đậu, củ cần được luộc hoặc hấp chín nhừ.
  • Bạn nên lựa chọn các nguyên liệu làm bánh Trung thu tốt để đảm bảo hương vị thơm ngon của bánh. 
  • Các loại hạt dưa, điều, mứt bí có thể chọn hạt khô. Tuy nhiên, hạt sen nên chọn loại tươi, hạt già có hình dáng tròn, màu trắng ngà hoặc vàng đậm để tạo vị bùi và thơm cho bánh.
  • Sên nhân trên lửa vừa để nhân không bị tách nước và không bị khô. Nhân càng ráo, càng dẻo mịn thì thời gian bảo quản sẽ được lâu hơn. 
  • Để tạo độ ngọt và đậm đà cho nhân thập cẩm, bạn nên dùng nước đường hoặc nước tương, dầu hào thay vì đường hay muối.
Hướng dẫn cách làm tất cả các loại bánh trung thu chi tiết và đầy đủ nhất 7
Nhân đậu xanh sau khi sên phải dẻo, mịn

3.4 Nặn bánh và ấn vào khuôn

  • Độ dày vỏ bánh chuẩn nhất là 0.3mm - 0.5mm. Nếu vỏ bánh quá dày sẽ gây ngắn còn quá mỏng sẽ làm bánh bị nứt. 
  • Khi đặt nhân vào vỏ bánh, bạn dùng tay bóp mép vỏ bánh dính lại với nhau, sao cho bao trọn nhân và không bị hở.
  • Để bánh không bị khô, nứt và mất hoạ tiết, bạn cho bánh vào khuôn và ấn thật chặt ngay sau khi bọc nhân.

3.5 Thời gian, nhiệt độ và cách nướng bánh chuẩn

  • Trước khi nướng bánh, bạn nên làm nóng lò nướng trước khi nước bánh để tránh trường hợp bên ngoài chín nhưng bên trong sống, bánh nở không đẹp, mùi vị không ngon. 
  • Sau mỗi lần nướng bánh, bạn lấy bánh ra ngoài, xịt phun nước lọc theo dạng sương lên bánh để làm ẩm mặt bánh, đợi bánh nguội rồi mới quét hỗn hợp phết mặt bánh. 
  • Khi quét hỗn hợp phết bánh, bạn nên sử dụng dụng cụ chuyên dụng quét từ 2 - 3 lần lên đều mặt bánh và canh nhiệt độ để bánh được vàng, lên màu đẹp nhưng không bị nứt vỏ.
  • Về thời gian thích hợp và chuẩn xác để nướng bánh Trung Thu sẽ gồm 3 lần nướng: 
    Lần 1: Nướng 180 - 190 độ C từ 5 - 8 phút tùy theo kích thước bánh.
    Lần 2: Nướng 190 - 200 độ C từ 5 - 7 phút.
    Lần 3: Nướng bánh ở khoảng 160 - 180 độ C đến khi bánh chín.
Hướng dẫn cách làm tất cả các loại bánh trung thu chi tiết và đầy đủ nhất 8
Thời gian, nhiệt độ và cách nướng bánh Trung thu phải chuẩn

Xem thêm: Lựa chọn và bảo quản bánh Trung thu sao cho an toàn?

4. Nước tro tàu làm bánh Trung thu là gì?

Nước tro tàu (Lye water) có 2 loại gồm nước tro tàu tự nhiên (được làm từ tro nấu từ rơm) và nước tro tàu công nghiệp. Trong đó, nước tro tàu công nghiệp nếu dùng lượng lớn sẽ gây hại cho sức khỏe. 

Công dụng của nước tro tàu giúp làm mềm bánh và lên màu vàng đậm đẹp mắt. Vậy làm bánh Trung thu không cần nước tro tàu có được không? 

Trên thực tế, khi làm bánh Trung thu không cần nước tro, bánh sau 1 ngày vẫn xuống màu nâu đẹp và mềm mại. Do đó, bạn không cần thiết sử dụng loại nguyên liệu này. 

Hướng dẫn cách làm tất cả các loại bánh trung thu chi tiết và đầy đủ nhất 9
Nước tro tàu

Xem thêm: Một bánh trung thu chứa lượng calo bằng hai ly trà sữa

5. Cách làm bánh Trung thu nhân đậu xanh

Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị nguyên liệu cho phần nhân bánh, vỏ bánh và hỗn hợp phết mặt bánh. Cách làm bánh Trung thu nhân đậu xanh gồm các bước sau.

  • Sên nhân đậu xanh.
  • Làm vỏ bánh Trung thu.
  • Tạo hình cho bánh Trung thu.
  • Cách nướng bánh Trung thu.

Xem cụ thể: Hướng dẫn chi tiết công thức cách làm bánh Trung thu nhân đậu xanh chuẩn nhất dành cho người mới bắt đầu

Hướng dẫn cách làm tất cả các loại bánh trung thu chi tiết và đầy đủ nhất 10
Cách làm bánh Trung thu đậu xanh

6. Cách làm bánh Trung thu dẻo

Bên cạnh những chiếc bánh Trung thu nướng truyền thống có màu vàng ươm, bánh Trung thu dẻo với màu trắng trong, ngọt dịu và thơm mùi bột nếp cũng khiến bao người say mê. Hãy theo dõi các công đoạn làm bánh Trung thu không cần lò nướng sau.

  • Chuẩn bị nguyên liệu, dụng cụ làm bánh Trung thu dẻo
  • Sơ chế và tiến hành làm nhân bánh
  • Làm vỏ bánh Trung thu dẻo
  • Nặn bánh và đóng bánh

Xem cụ thể: Hướng dẫn chi tiết cách làm bánh Trung thu dẻo khiến người ăn mê đắm

Bên cạnh nhân đậu xanh truyền thống, bạn có thể thay đổi bằng cách làm bánh Trung thu nhân khoai môn cực ngon.

 

Hướng dẫn cách làm tất cả các loại bánh trung thu chi tiết và đầy đủ nhất 11
Cách làm bánh Trung thu dẻo

7. Cách làm bánh Trung thu thập cẩm

Bánh Trung thu thập cẩm luôn là món bánh chân ái của rất nhiều người. Hãy thử cách làm bánh Trung thu tại nhà với công thức đơn giản ngay sau đây!

  • Chuẩn bị nguyên liệu làm bánh Trung thu thập cẩm
  • Làm nhân bánh Trung thu thập cẩm
  • Làm hỗn hợp gia vị nhân và bột dầu
  • Hoàn thành nhân bánh
  • Làm vỏ bánh Trung thu nướng
  • Vào bánh
  • Nướng bánh Trung thu

Xem cụ thể: Hướng dẫn chi tiết cách làm bánh Trung thu thập cẩm thơm ngon chuẩn vị đơn giản nhất

Ngoài ra, bạn có thể biến tấu nhân bánh Trung thu thập cẩm truyền thống bằng cách làm bánh Trung thu thập cẩm gà quay cực đỉnh ngay tại nhà. 

Hướng dẫn cách làm tất cả các loại bánh trung thu chi tiết và đầy đủ nhất 12
Cách làm bánh Trung thu thập cẩm

8. Cách làm bánh Trung thu nhân trà xanh

Hãy tham khảo cách làm bánh Trung thu đơn giản cùng trà xanh được các chị em truyền tai nhau. 

8.1 Chuẩn bị nguyên liệu 

Nguyên liệu làm bánh trung thu nướng nhân trà xanh cho 4 cái bánh 150g gồm: 

  • Đậu xanh: 180g
  • Đường 90g
  • Dầu ăn: 65g
  • Bột mì: 15g
  • Bột matcha: 10g
  • Bột mì đa dụng: 255g
  • Baking soda (Muối nở): 1/4 thìa cà phê
  • Bơ đậu phộng: 10g
  • Dầu ăn: 40g
  • Lòng đỏ trứng gà: 1 cái
  • Nước đường bánh nướng: 160g
  • Sữa: 10ml
Hướng dẫn cách làm tất cả các loại bánh trung thu chi tiết và đầy đủ nhất 13
Một số nguyên liệu làm bánh Trung thu nhân trà xanh

8.2 Cách làm bánh Trung thu nướng nhân trà xanh

Lưu ngay hướng dẫn làm bánh Trung thu trà xanh tại nhà đầy đủ và chi tiết sau.

8.2.1 Làm nhân bánh

  • Bước 1: Đậu xanh ngâm trong nước 4 tiếng để hạt nở, mềm rồi vớt ra đãi sạch.
  • Bước 2: Cho phần đậu xanh đã đãi sạch vỏ vào nồi cùng nước rồi đun đến khi đậu chín nhừ.
  • Bước 3: Nhấc nồi đậu xuống bếp, cho vào ngay 90g đường rồi khuấy đều.
  • Bước 4: Cho đậu vào máy xay sinh tố và xay đến khi đậu nhuyễn mịn.
  • Bước 5: Bắc chảo lên bếp, cho hỗn hợp đậu vào chảo và sên với lửa vừa đến khi đậu rút nước.
  • Bước 6: Cho lần lượt 65g dầu ăn vào chảo rồi khuấy đều. 
  • Bước 7: Khi nước đã rút bớt, bạn cho hỗn hợp hòa tan của 15g bột mì đa dụng với 30ml nước vào chảo trên. Lưu ý lúc này, bạn nên để lửa thật nhỏ để tránh đậu bị tách dầu và khét.
  • Bước 8: Khi nhân đặc lại, bạn hòa tan 10g bột matcha với 15ml nước sôi, cho vào chảo đậu và tiếp tục sên đến khi nhân khô ráo, vo tròn không bị chảy chảy, đứng hình và không tươm dầu là đạt.
Hướng dẫn cách làm tất cả các loại bánh trung thu chi tiết và đầy đủ nhất 14
Làm nhân bánh Trung thu nướng nhân trà xanh

8.2.2 Làm vỏ bánh

  • Bước 1: Cho vào tô 255g bột mì đa dụng, 1/4 thìa cà phê baking soda, 10g bơ đậu phộng, 160g nước đường bánh nướng, 40g dầu ăn. Dùng thìa khuấy đều cho hỗn hợp hòa quyện.
  • Bước 2: Sau đó, bạn dùng tay nhồi bột đến khi được khối đồng nhất. Phủ kín bột và để bột nghỉ khoảng 20 - 30 phút.
Hướng dẫn cách làm tất cả các loại bánh trung thu chi tiết và đầy đủ nhất 15
Trộn bột bánh

8.2.3 Nặn bánh và đóng khuôn

  • Bước 1: Chia nhân ra thành nhiều phần bằng nhau, sau đó vo tròn.
  • Bước 2: Áo một lớp bột mì khô lên bàn, vo tròn 1 viên bột vỏ bánh, cán dẹt, cho nhân vào rồi túm kín mép bột lại.
  • Bước 3: Thoa một ít bột mì, cho bánh vào khuôn rồi tạo hình.
Hướng dẫn cách làm tất cả các loại bánh trung thu chi tiết và đầy đủ nhất 16
Nặn bánh và đóng khuôn

8.2.4 Nướng bánh

  • Bước 1: Lót giấy nến và cho bánh vào khay. Làm nóng lò trước 10 phút ở nhiệt độ 185 độ C.
  • Bước 2: Tiếp theo nướng bánh ở nhiệt độ 185 độ C trong 12 phút.
  • Bước 3: Lấy bánh ra khỏi lò, xịt phun sương lên mặt rồi để bánh nguội.
  • Bước 4: Trong lúc này, bạn pha 1 lòng đỏ trứng gà với 5 - 10ml sữa, sau đó quét một lớp mỏng lên mặt bánh đã để nguội.
  • Bước 5: Tiếp tục nướng bánh lần 2 ở nhiệt độ 185 độ C trong 12 phút hoặc đến khi mặt bánh vàng ưng ý.
Hướng dẫn cách làm tất cả các loại bánh trung thu chi tiết và đầy đủ nhất 17
Cách làm bánh Trung thu nướng nhân trà xanh

Xem thêm: Ăn bánh trung thu cũng cần đúng cách

9. Cách làm bánh Trung thu không cần lò nướng

Nhà bạn không có lò nướng? Đừng lo! Chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách làm bánh Trung thu đơn giản không cần lò nướng cực đơn giản sau.

9.1 Cách làm bánh Trung thu bằng nồi cơm điện

  • Bước 1: Đầu tiên, bạn chuẩn bị bánh Trung thu đã đóng khuôn theo các bước trên.
  • Bước 2: Đặt vào đáy nồi cơm điện một lớp giấy nến rồi đặt bánh vào trong. 
  • Bước 3: Duy trì chế độ làm nóng trong vòng 5 phút thì lấy bánh ra để quét lòng đỏ trứng gà. 
  • Bước 4: Tiếp tục để chế độ làm nóng trong vòng 10 phút nữa là mẻ bánh của bạn đã được hoàn thành. Nếu bạn chưa chắc chắn rằng bánh của mình đã chín, bạn nên cân nhắc thực hiện việc duy trì chế độ nấu thêm 5 - 10 phút nữa.
Hướng dẫn cách làm tất cả các loại bánh trung thu chi tiết và đầy đủ nhất 18
Cách làm bánh Trung thu bằng nồi cơm điện

9.2 Cách làm bánh Trung thu bằng nồi chiên không dầu

  • Bước 1: Đầu tiên, bạn chuẩn bị bánh Trung thu đã đóng khuôn theo các bước trên.
  • Bước 2: Làm nóng nồi chiên không dầu ở nhiệt độ 180 độ C trong khoảng 10 phút.
  • Bước 3: Trải 1 lớp giấy nến ở đáy nồi trước khi xếp bánh vào trong. Đừng xếp chồng bánh lên nhau và luôn nhớ tạo một khoảng cách nhỏ giữa các bánh.
  • Bước 4: Nướng bánh ở nhiệt độ 150 độ C trong 5 phút, lấy bánh ra đợi nguội. Trong thời gian chờ này, hãy quét lòng đỏ trứng gà đều lên bề mặt bánh để tạo màu.
  • Bước 5: Tiếp tục đem bánh nướng trong vòng 4 phút ở 140 độ C thêm 2 lần nữa.
  • Bước 6: Lấy bánh ra để nguội và tiếp tục quét thêm một lớp lòng đỏ trứng gà nữa.
  • Bước 7: Cho bánh vào nồi tiếp tục nướng lần cuối ở 140 độ C trong 5 phút là hoàn thành.

Xem thêm: Hướng dẫn chi tiết cách làm bánh Trung thu bằng nồi chiên không dầu đơn giản nhất

Hướng dẫn cách làm tất cả các loại bánh trung thu chi tiết và đầy đủ nhất 19
Cách làm bánh Trung thu bằng nồi chiên không dầu

Vào mùa Trung thu này, hãy tự tay vào bếp để làm nên những chiếc bánh Trung thu thơm ngon, hấp dẫn dành tặng người thân, bạn bè và người thương nhé. Với cách làm bánh Trung thu đơn giản và chi tiết trên, bạn sẽ hóa thân thành “siêu đầu bếp” ngay đấy!

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet